WHO: Không cần thiết phải tiêm liều vaccine Covid-19 thứ ba, nước thừa vaccine hãy chia sẻ cho nơi thiếu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Các quan chức hàng đầu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, không có đủ bằng chứng cho thấy cần phải tiêm liều vaccine ngừa Covid-19 thứ ba, đồng thời kiến nghị các nước thừa hãy chia sẻ những liều vaccine khan hiếm cho các nước nghèo, cho những người chưa từng được tiêm mũi nào, để cùng nhau đẩy lùi đại dịch chết chóc trên toàn cầu.
Vaccine ngừa Covid-19 nên được chia sẻ cho các nước đang thiếu vaccine trầm trọng

Vaccine ngừa Covid-19 nên được chia sẻ cho các nước đang thiếu vaccine trầm trọng

Số ca tử vong vì Covid-19 lại tăng trên toàn cầu, do thiếu vaccine

Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 12-7, Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết sự chênh lệch số lượng vaccine một cách quá mức giữa các nước trên thế giới là do “lòng tham”. Ông Tedros Adhanom Ghebreyesus kêu gọi các nhà sản xuất ưu tiên cung cấp vaccine Covid-19 cho các nước nghèo thay vì vận động các nước giàu sử dụng vaccine nhiều hơn liều lượng. Lời kêu gọi của người đứng đầu Tổ chức Y tế lớn nhất thế giới được đưa ra đúng vào thời điểm các công ty dược phẩm đang xin cấp phép tiêm liều vaccine thứ ba được sử dụng như “liều củng cố” ở một số quốc gia phương Tây, trong đó có cả nước Mỹ.

“Chúng ta đưa ra những lựa chọn sáng suốt ngay thời điểm này không phải để bảo vệ những đang cần, ưu tiên trước mắt là phải tiêm chủng cho những người chưa từng được tiêm liều vaccine nào” - ông Tedros nhấn mạnh, đồng thời kêu gọi các hãng Pfizer và Moderna hãy “dốc toàn lực để cung cấp vaccine cho COVAX - nhóm đặc nhiệm hỗ trợ phân phối vaccine toàn cầu để cung cấp cho các quốc gia ở châu Phi và các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình”.

10 tuần sau khi số ca tử vong do Covid-19 giảm trên toàn cầu. ông Tedros cho biết số lượng bệnh nhân Covid-19 tử vong hàng ngày lại bắt đầu tăng và biến thể Delta siêu lây nhiễm đang “thúc đẩy làn sóng các ca nhiễm Covid-19 thảm khốc”. Cả Pfizer và Moderna đều đã đồng ý cung cấp một lượng nhỏ vaccine của họ cho COVAX, tuy nhiên, phần lớn số lượng vaccine của họ đã được các nước giàu dự trữ. Những tháng gần đây, nỗ lực tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 tại gần 60 quốc gia nghèo đã bị đình trệ và nhà cung cấp vaccine lớn nhất của họ không thể cung cấp thêm liều vaccine liều nào cho đến cuối năm.

Vào hôm 12-7 vừa qua, Pfizer đã gặp các quan chức hàng đầu của Mỹ để thảo luận về kế hoạch tìm kiếm sự cho phép tiêm vaccine liều thứ ba. Tuần trước, công ty cho biết việc tăng cường này có thể tăng cường khả năng miễn dịch một cách đáng kể và có thể giúp ngăn chặn các biến thể đáng lo ngại - ngay cả khi các cơ quan y tế Mỹ nhấn mạnh rằng, những người dân được tiêm phòng đầy đủ được bảo vệ mạnh mẽ và chưa cần đến liều vaccine tăng cường. Không có gì lạ khi các nhà sản xuất thông báo cho các cơ quan quản lý trước khi trình dữ liệu mới. Người phát ngôn của Chính phủ Mỹ cho biết, thông tin này chỉ là một phần dữ liệu mà nhà chức trách xem xét để đưa ra quyết định xem có cần thiết phải tăng cường liều vaccine thứ ba hay không.

Trong khi đó, tại Anh, Chính phủ nước này cũng đang xem xét một kế hoạch tiêm phòng vaccine tăng cường có thể được tiến hành vào mùa thu tới. Kế hoạch này có thể áp dụng vào những đối tượng là những người trên 50 tuổi và những người dễ bị tổn thương vì dịch bệnh nhất.

Không có bằng chứng khoa học về sự cần thiết phải tiêm liều vaccine thứ ba

Tuy nhiên, các chuyên gia hàng đầu của WHO phản đối sự cần thiết phải tiêm vaccine tăng cường ở những người được tiêm chủng đầy đủ. Tiến sĩ Soumya Swaminathan thuộc WHO khẳng định: “Tại thời điểm này... không có bằng chứng khoa học nào cho thấy chắc chắn rằng việc tiêm chủng liều tăng cường là cần thiết”.

Ông Swaminathan cho biết, WHO sẽ đưa ra khuyến nghị về liều tăng cường nếu chúng cần thiết, nhưng bất kỳ lời khuyên nào như vậy “cũng phải dựa trên cơ sở khoa học và dữ liệu, chứ không phải dựa trên việc các công ty riêng lẻ tuyên bố rằng vaccine ngừa Covid-19 nên được sử dụng như một liều tăng cường”.

Tiến sĩ Michael Ryan, người đứng đầu Chương trình Y tế khẩn cấp của WHO cho rằng, nếu các nước giàu quyết định tiêm liều vaccine tăng cường thay vì tặng chúng cho các nước khác đang cần thì “tôi cho rằng khi nhìn lại chúng ta sẽ thấy những nỗi tức giận và sự xấu hổ”. Ông Michael Ryan cho biết, thất bại trong việc tăng năng lực sản xuất vaccine, cùng với việc các nước giàu từ chối chia sẻ vaccine với các nước nghèo, là điều vô cùng đáng thất vọng. “Đó là những người muốn có và đã ăn phần bánh của mình. Rồi họ có thêm bánh nữa và họ lại cũng muốn ăn nốt số bánh này” - Ông Michael Ryan so sánh.

Đề xuất về việc tăng cường thêm 1 liều tiêm vaccine Covid-19 cũng vấp phải chỉ trích từ nhiều phía, thậm chí một số người đã gọi ý tưởng lại là “sự ghê tởm về mặt đạo đức” do tình hình dịch bệnh Covid-19 ngày càng gia tăng mạnh một số nước châu Phi, trong khi nguồn vaccine tại nơi này lại vô cùng khan hiếm. Ông Tom Hart, quyền Giám đốc điều hành của chiến dịch ONE, một nhóm vận động vaccine cho biết, mới chỉ có 1% người dân ở các nước nghèo đã được tiêm 1 mũi vaccine ngừa Covid-19. “Một người khỏe mạnh, đã được tiêm phòng đầy đủ, lại được tiêm bổ sung thêm một liều vaccine thứ ba nữa trước khi một nhân viên y tế, một người cao tuổi ở Nam Phi chưa được tiêm một liều nào. Quả thực, đây là điều phi lý đến mức thái quá” - ông Tom Hart nói.