WEF-MEKONG 2016: Thúc đẩy kết nối, phát triển bền vững trong khu vực

ANTD.VN - Hôm qua 25-10, Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về khu vực Tiểu vùng Mekong 2016 (WEF-Mekong 2016) đã diễn ra tại Trung tâm Hội nghị quốc gia, Hà Nội. Theo sáng kiến của Việt Nam, hội nghị đầu tiên về khu vực Tiểu vùng Mekong do Diễn đàn Kinh tế thế giới tổ chức đã thành công tốt đẹp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo một số nước Mekong, đại diện WEF, các DN tại phiên khai mạc hội nghị

Với sự tham dự của các nhà lãnh đạo cấp cao của 5 nước Tiểu vùng Mekong, Hội nghị còn thu hút khoảng 200 đại biểu gồm nhiều Bộ trưởng phụ trách kinh tế của các nước Mekong, đông đảo các doanh nghiệp, Tập đoàn thành viên WEF và các nước Mekong cùng các chuyên gia, học giả quốc tế.

Trong 5 phiên họp, các đại biểu đã tập trung thảo luận nhiều vấn đề xoay quanh việc phát triển và hội nhập của các nước Mekong như: Tầm nhìn, định hướng phát triển khu vực Mekong; huy động nguồn lực cho phát triển cơ sở hạ tầng; tạo thuận lợi thương mại, đầu tư, du lịch, thúc đẩy công nghiệp hóa và phát triển bền vững trong khu vực Tiểu vùng Mekong trong bối cảnh cách mạng công nghiệp lần thứ tư…

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng như lãnh đạo các nước và các đại biểu đều nhấn mạnh tiềm năng khu vực Mekong trở thành một trung tâm sản xuất mới của khu vực và thế giới; các nước Mekong có nhiều lợi thế bổ sung cho nhau, tạo thuận lợi cho thúc đẩy hội nhập và liên kết kinh tế, phát triển các chuỗi giá trị trong khu vực cũng như kết nối các nước Mekong với kinh tế khu vực và toàn cầu.

Tại các phiên thảo luận của hội nghị, các đại biểu đã thảo luận và nêu nhiều ý tưởng, khuyến nghị về tăng cường liên kết kinh tế, kết nối cơ sở hạ tầng trong khu vực Mekong, đặc biệt là hạ tầng giao thông trên các hành lang kinh tế tiểu vùng; thuận lợi hóa thương mại, đầu tư, du lịch; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; tăng cường hợp tác thu hút các nguồn vốn trong và ngoài khu vực, trong đó có đầu tư của các doanh nghiệp theo hình thức quan hệ đối tác công - tư…

Phát biểu tại phiên bế mạc hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã nhấn mạnh phát triển bền vững và bao trùm là mục tiêu ưu tiên hàng đầu đối với khu vực Mekong. Để đạt mục tiêu này, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng các nước Tiểu vùng Mekong cần tăng cường hợp tác để thu hẹp khoảng cách phát triển và thúc đẩy phát triển bền vững, nhất là quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong.

Ngoài ra, các nước Mekong cần tranh thủ các thỏa thuận kinh tế khu vực và toàn cầu để tham gia hiệu quả các chuỗi giá trị, từ đó thúc đẩy tăng trưởng và kết nối kinh tế với thế giới.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh nhấn mạnh sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ mới đang tạo ra nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp của các nước đang phát triển trong Tiểu vùng Mekong.

Do đó, các nước Mekong cần nỗ lực tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp, khuyến khích khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để tranh thủ cơ hội của các cách mạng công nghiệp mới.

Hội nghị WEF-Mekong 2016 là sáng kiến của Việt Nam được WEF và các nước Mekong ủng hộ. Thành công của WEF-Mekong mở ra nhiều cơ hội thúc đẩy các tập đoàn hàng đầu tăng cường đầu tư vào khu vực WEF-Mekong, đồng thời thể hiện vai trò và đóng góp tích cực của Việt Nam vào phát triển và hội nhập trong khu vực WEF-Mekong.

4 ưu tiên trong quan hệ hợp tác nội khối

WEF-MEKONG 2016: Thúc đẩy kết nối, phát triển bền vững trong khu vực ảnh 2

Phát biểu tại Hội nghị WEF-Mekong 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định: Hiện nay, khu vực Tiểu vùng Mekong là một trung tâm phát triển năng động ở châu Á với nhiều nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhờ đẩy mạnh cải cách và hội nhập quốc tế.

Khu vực này là điểm kết nối quan trọng ở châu Á và là một thị trường giàu tiềm năng với dân số 240 triệu người và quy mô GDP trên 660 tỷ USD. Tuy nhiên, khu vực Mekong đang gặp không ít thách thức. Đó là khoảng cách phát triển với các nền kinh tế khác trong ASEAN còn lớn, lợi thế lao động chi phí thấp đang giảm dần, biến đổi khí hậu diễn ra nhanh hơn dự báo...

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, cùng với tiến trình xây dựng Cộng đồng ASEAN tự cường, phát triển năng động, bền vững và gắn kết, các nước Tiểu vùng Mekong xác định mục tiêu phát triển trở thành một khu vực hòa bình, ổn định về an ninh - chính trị, năng động và kết nối về kinh tế, bền vững về môi trường và hài hòa về xã hội.

Để hiện thực hóa mục tiêu này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh đến 4 vấn đề: Kết nối kinh tế là một trọng tâm ưu tiên; Hợp tác thương mại, đầu tư và du lịch là động lực quan trọng; Đổi mới sáng tạo nâng cao sức cạnh tranh; Phát triển bền vững và bao trùm là mục tiêu hàng đầu. 

Tổng thống Myanmar Htin Kyaw: Hợp tác với tinh thần hợp lực, đoàn kết

WEF-MEKONG 2016: Thúc đẩy kết nối, phát triển bền vững trong khu vực ảnh 3

“Tôi muốn thúc giục tất cả các nước Tiểu vùng Mekong cùng nhau hợp tác với một tinh thần hợp lực và đoàn kết khu vực để theo đuổi mục tiêu chung là phát triển bền vững, nhằm đảm bảo rằng mục tiêu đó là của dân, do dân và vì dân. Với chủ đề hội nghị là tìm kiếm sự hợp lực, tôi tin tưởng rằng bằng việc xây dựng dựa trên sự tương đồng, chúng ta sẽ đạt được thành tựu lớn lao hơn. Khu vực Mekong sẽ thịnh vượng hơn trong tương lai”.

Thủ tướng Campuchia Samdech Hunsen: Tạo ra một trung tâm sản xuất lớn

WEF-MEKONG 2016: Thúc đẩy kết nối, phát triển bền vững trong khu vực ảnh 4

“Tôi nhận thấy khu vực Mekong có tiềm năng trở thành một trung tâm sản xuất lớn của khu vực và toàn cầu trong các thập niên tới. Sự kết nối của mạng lưới sản xuất sẽ tạo điều kiện cho phát triển công nghệ thông qua vai trò của các nước dẫn đầu về công nghệ như Việt Nam, Thái Lan, sau đó là các nền công nghiệp đi sau như Campuchia, Lào, Myanmar. Điều này sẽ tạo ra một mạng lưới sản xuất khu vực rất năng động”. 

Phó Thủ tướng Thái Lan Somkid Jatuspiritak: Cần sự hợp tác từ mọi nguồn lực

WEF-MEKONG 2016: Thúc đẩy kết nối, phát triển bền vững trong khu vực ảnh 5

“Tôi cho rằng tiểu vùng của chúng ta muốn hoàn thành những mục tiêu cao cả về phát triển bền vững và bình đẳng, chỉ một mình khu vực công là không đủ. Chúng ta cần sự hợp tác từ mọi nguồn lực, đặc biệt là khu vực tư nhân và người dân. Diễn đàn Kinh tế thế giới về khu vực Tiểu vùng Mekong thực sự là sự khởi đầu cho kết nối giữa khu vực công, tư và người dân, từ đó tăng thêm tình đoàn kết giữa các quốc gia thành viên dọc sông Mekong”.

Thủ tướng Lào Thongloun Sisoulith: Tăng cường hội nhập kinh tế sâu rộng 

WEF-MEKONG 2016: Thúc đẩy kết nối, phát triển bền vững trong khu vực ảnh 6

“Mọi lợi thế và tiềm năng của khu vực Mekong chỉ trở thành hiện thực nếu các nước trong khu vực tăng cường hợp tác hơn nữa theo hướng hội nhập kinh tế sâu rộng hơn trong tiểu vùng, hội nhập với ASEAN và các khu vực bên ngoài. Điều đó sẽ giúp tập hợp mọi tiềm lực của các nước trong và ngoài khu vực nhằm hỗ trợ và hoàn thiện thêm tiềm lực của các nước Mekong”.