WB dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam đạt 4,8% trong năm nay

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - WB dự báo GDP năm nay Việt Nam tăng trưởng 4,8% nếu dịch Covid-19 được kiểm soát trong quý III và biện pháp cách ly dần được nới lỏng trong quý IV.

Báo cáo cập nhật tình hình kinh tế Đông Á và Thái Bình Dương kỳ mùa thu năm 2021 của Ngân Hàng Thế giới (WB) vừa công bố dự báo GDP năm nay Việt Nam tăng trưởng 4,8% nếu dịch Covid-19 được kiểm soát trong quý III và biện pháp cách ly dần được nới lỏng trong quý IV.

Trước đó, Ngân hàng Châu Á (ADB) đưa ra dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam chỉ đạt 3,8% trong năm nay.

Các tổ chức quốc tế đều hạ mạnh dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay

Các tổ chức quốc tế đều hạ mạnh dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam trong năm nay

Cũng theo nhận định của WB, nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức: Dù Chính phủ Việt Nam đã nỗ lực đẩy nhanh và mở rộng chiến dịch tiêm vaccine nhưng sự xuất hiện của các biến chủng mới có thể tiếp tục làm gián đoạn hoạt động của nền kinh tế.

Tốc độ tiêm vaccine của Việt Nam hiện chưa đồng đều giữa các tỉnh thành do nguồn cung được ưu tiên cho những vùng đang có nguy cơ cao. Nếu đợt dịch bùng phát vào tháng 4 vừa qua không sớm được kiểm soát, những biện pháp hạn chế đi lại tiếp tục kéo dài sẽ dẫn đến tăng trưởng GDP thấp hơn kỳ vọng và ảnh hưởng hơn nữa đến tình trạng nghèo và bất bình đẳng.

WB còn nhận định rằng một thách thức mà kinh tế Việt Nam phải đối mặt đó là rủi ro trong nước tăng cao. Việc cung cấp các hỗ trợ nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu hàng ngày của các hộ gia đình ở khu vực đô thị có mật độ cao sẽ trở thành thách thức ngày càng lớn nếu phải tiếp tục kéo dài hoặc mở rộng cách ly xã hội.

Ngoài ra, khu vực tài chính có thể phải đối mặt với rủi ro nợ xấu ngày càng cao và các cơ quan điều hành chính sách tiền tệ sẽ cần tiếp tục thận trọng, nhất là với những ngân hàng có tỷ lệ an toàn vốn thấp từ trước dịch Covid-19.

Mặc dù rủi ro tài khóa hiện không lớn và nợ công vẫn ở mức bền vững, nhưng WB khuyến nghị Chính phủ phải tiếp tục thận trọng, kể cả với các khoản nợ tiềm tàng có thể phát sinh từ phía các doanh nghiệp nhà nước.

Nền kinh tế cũng phải đối mặt với những rủi ro có thể xảy ra từ bên ngoài. Mặc dù các thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như Mỹ, Trung Quốc, EU có vẻ đang trên đà phục hồi, nhưng quá trình phục hồi còn gặp nhiều bất định liên quan đến sự xuất hiện của biến chủng Covid-19 mới và tiến độ tiêm vaccine chưa đồng đều trên toàn cầu.

Ngoài ra, các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đang phải đối mặt với cạnh tranh ngày càng tăng từ các quốc gia có các hoạt động sản xuất đang bật dậy mạnh mẽ hơn.