Vượt tầm khu vực

ANTĐ - Tranh chấp chủ quyền biển đảo tại châu Á-Thái Bình Dương có thể vượt tầm quan hệ song phương trong khu vực và trở thành một vấn đề hòa bình và an ninh tầm cỡ toàn cầu khi Nhật Bản tính đưa vấn đề tranh chấp lãnh thổ ra phiên họp toàn thể của Đại hội đồng LHQ khóa 67.

Vấn đề tranh chấp lãnh thổ được đưa ra trước Đại hội đồng LHQ ngày 25-9 tới

Các hãng thông tấn của Nhật Bản và quốc tế cho biết, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda sẽ đưa vấn đề tranh chấp lãnh thổ vào bài phát biểu tại phiên khai mạc Đại hội đồng LHQ khóa 67 với sự tham gia của nguyên thủ, người đứng đầu các quốc gia thành viên LHQ vào ngày 25-9. Đây là lần đầu tiên người đứng đầu chính phủ Nhật Bản đưa vấn đề tranh chấp lãnh thổ ra trước diễn đàn LHQ và động thái rất đáng chú ý này diễn ra khi quan hệ của Nhật Bản với Trung Quốc đang xấu đi.

Nguyên nhân xuống dốc của quan hệ Nhật Bản-Trung Quốc không có gì khác ngoài cuộc tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Senkaku theo cách gọi của Nhật Bản hay Điếu Ngư theo cách gọi của Trung Quốc. Cuộc tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo không người ở này vốn đã có từ lâu, song đã bùng phát dữ dội sau khi Chính phủ Nhật Bản ngày 11-9 công bố đã hoàn tất thỏa thuận mua lại (quốc hữu hóa) 3 trong số 5 hòn đảo thuộc quần đảo Senkaku từ một chủ sở hữu tư nhân người Nhật Bản.

Yêu cầu Chính phủ Nhật Bản rút lại quyết định trên với lý do quần đảo này thuộc chủ quyền của Trung Quốc không được, Trung Quốc phái hàng chục tàu hải giám và ngư chính tới khu vực quần đảo tranh chấp, đồng thời tuyên bố đưa tới đây 1.000 tàu đánh cá nhằm khẳng định chủ quyền. Trong khi đó, những cuộc biểu tình, đập phá văn phòng công ty, tẩy chay hàng hóa Nhật Bản… diễn ra hầu khắp các thành phố lớn của Trung Quốc đã dẫn tới nguy cơ một thảm họa thương mại Trung-Nhật mà có chuyên gia ước tính rằng nếu tiếp tục kéo dài có thể gây thiệt hại cho các công ty Nhật Bản lớn hơn cả thảm họa “kép” động đất và sóng thần tháng 3-2011.

Nguy cơ vượt tầm kiểm soát của mối căng thẳng trong quan hệ giữa Nhật Bản và Trung Quốc - hai cường quốc kinh tế lớn thứ 2, thứ 3 thế giới và có tiềm lực quân sự rất mạnh - đã khiến cả thế giới lo ngại. Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon trong phát biểu ngày 19-9 đã phải lên tiếng bày tỏ mối quan ngại sâu sắc về tranh chấp lãnh thổ giữa Nhật Bản và Trung Quốc, đồng thời mong hai cường quốc này đối thoại hòa bình.

Trong bối cảnh đó, việc Thủ tướng Noda dự tính đưa vấn đề tranh chấp lãnh thổ vào phát biểu trong phiên khai mạc của Đại hội đồng LHQ càng thu hút sự quan tâm chú ý với sự lo ngại của toàn thế giới. Sự lo ngại này càng sâu sắc hơn khi ngoài tranh chấp Trung-Nhật thì căng thẳng do tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông thời gian dài qua cũng là một vấn đề nóng vượt khỏi tầm mức khu vực.

Tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng và bất ổn đã khiến không chỉ các nước trong khu vực mà cả thế giới lo ngại về sự an toàn cũng như tự do hàng hải của tuyến vận tải biển huyết mạch quan trọng bậc nhất toàn cầu này. Hiện mỗi ngày có từ 150-200 tàu thương mại các loại qua lại Biển Đông để vận chuyển, 45% trong số 90% lượng vận tải thương mại của thế giới thực hiện bằng đường biển.

Tranh chấp lãnh thổ ở châu Á-Thái Bình Dương vào chương trình nghị sự của LHQ sẽ tạo áp lực quốc tế đòi hỏi phải giải quyết vấn đề này thông qua đối thoại hòa bình vào theo luật pháp cũng như thông lệ quốc tế.