Vượt "sóng" đầu năm, lãi suất cuối năm có hứng "gió"?

ANTD.VN - Dù vẫn phải chịu nhiều áp lực, nhưng thời điểm này các chuyên gia cho rằng việc ổn định mặt bằng lãi suất là khả quan.

Nhiều tín hiệu cho thấy mặt bằng lãi suất sẽ ổn định 

Chỉ số CPI bất ngờ giảm mạnh trong tháng 5-2017, làn sóng tăng lãi suất huy động tạm lắng, thanh khoản hệ thống dồi dào... được cho là những tín hiệu tích cực giúp lãi suất những tháng cuối năm có thể ổn định, thậm chí giảm nhẹ.

“Sóng” tạm lắng

Trong quý I-2017, lãi suất huy động ghi nhận mức tăng cục bộ khoảng vài chục điểm cơ bản ở các kỳ hạn tại một số ngân hàng vừa và nhỏ. Tuy nhiên, khi xét chung cả hệ thống, mặt bằng lãi suất huy động không có nhiều thay đổi so với đầu năm, trần lãi suất huy động 5,5% cho các kỳ hạn dưới 6 tháng được đảm bảo, phổ biến trong khoảng 4,3- 5,5%/năm. Lãi suất huy động từ 6 tháng đến dưới 12 tháng trong khoảng 5,3-7%/năm, từ 12 tháng trở lên trong khoảng 6,5-8%/năm. 

Trong khi đó, mặt bằng lãi suất cho vay khá ổn định, phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-7%/năm đối với ngắn hạn và 9-10%/năm đối với trung và dài hạn. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn;           9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn.

“Lãi suất đã vượt qua “sóng” trong giai đoạn đầu năm, thường là giai đoạn căng thẳng về nguồn vốn kinh doanh và thanh khoản của các ngân hàng cũng chịu nhiều áp lực, thì kỳ vọng lãi suất trong thời gian tới tiếp tục ổn định hoặc thậm chí giảm thêm là không phải không có cơ sở, nhất là khi nguồn vốn huy động trong quý III và quý IV của các ngân hàng thường tăng trưởng nhanh hơn so với giai đoạn đầu năm”.

Chuyên gia ngân hàng Bùi Quang Tín

Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay từ 4-5%/năm. Có thể thấy, áp lực tăng lãi suất huy động cục bộ tại một số ngân hàng những tháng đầu năm chủ yếu đến từ việc một số ngân hàng nhỏ liên tục phát hành chứng chỉ tiền gửi với lãi suất cao, làm gia tăng đáng kể áp lực cạnh tranh huy động vốn trung và dài hạn. 

Bên cạnh đó, đối với các ngân hàng này, áp lực còn đến từ việc thiếu hụt thanh khoản. Cùng lúc lãi suất liên ngân hàng luôn được giữ ở mức cao khiến các ngân hàng này gặp khó khăn với việc tiếp cận nguồn vốn trên thị trường liên ngân hàng.

Ngoài ra, tăng trưởng tín dụng tốt hơn cùng kỳ cũng được xem là một trong những nguyên nhân khiến nhu cầu huy động tăng trưởng. Mặc dù vậy, áp lực tăng lãi suất huy động chỉ đang diễn ra cục bộ tại một số ngân hàng. Tình trạng thiếu hụt thanh khoản không diễn ra tại các ngân hàng lớn và Ngân hàng Nhà nước vẫn còn dư địa để điều tiết thị trường. 

Tại các ngân hàng lớn, thanh khoản nửa đầu năm lại khá dồi dào. Lãi suất huy động trên thị trường 1 của nhóm 4 Ngân hàng thương mại Nhà nước là Agribank, BIDV, Vietinbank, Vietcombank vẫn duy trì ổn định ở mức thấp kể từ tháng 9-2016 đến nay, huy động vốn vẫn có sự tăng trưởng. Thống kê báo cáo tài chính quý I cho thấy tiền gửi khách hàng của BIDV tăng 5%, Vietinbank tăng 1,8%, Vietcombank tăng 3,2%. 

Theo chuyên gia ngân hàng Bùi Quang Tín, không phải ngẫu nhiên mà mặt bằng lãi suất hiện nay ổn định trở lại sau giai đoạn chịu nhiều áp lực kể từ cuối năm trước cho đến đầu quý I vừa rồi. Trong đó, việc điều hành nhịp nhàng trên thị trường mở (OMO) và tín phiếu của NHNN để hỗ trợ thanh khoản cũng giúp các ngân hàng không phải chịu quá nhiều áp lực đẩy lãi suất huy động trên thị trường 1 (dân cư và tổ chức). Thậm chí một số ngân hàng có nguồn vốn dồi dào tiếp tục rót vốn mạnh vào thị trường trái phiếu.

“Thống kê cho thấy, từ đầu năm đến gần cuối tháng 5-2017 đã có hơn 102.000 tỷ đồng đổ vào thị trường trái phiếu Chính phủ, tỷ lệ giá trị trúng thầu trên giá trị gọi thầu ở mức tương đối cao là 76%. Đáng chú ý là tỷ lệ giá trị đăng ký trên giá trị gọi thầu lên đến 235%, riêng kể từ đầu tháng 4 đến nay, tỷ lệ này đến 250%, cho thấy nguồn vốn các ngân hàng gần đây đã dồi dào trở lại, do đó mới mạnh dạn đổ tiền vào thị trường trái phiếu” - chuyên gia Bùi Quang Tín nhận định.

Tín hiệu khả quan

Phân tích các yếu tố tác động tới xu hướng lãi suất 2 quý còn lại của năm 2017, các chuyên gia đánh giá, với thị trường hiện nay, việc ổn định mặt bằng lãi suất những tháng còn lại của năm 2017 sẽ chịu nhiều thách thức hơn năm 2016. Có nhiều nguyên nhân như kỳ vọng về lạm phát và tỷ giá gia tăng khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến tăng lãi suất ít nhất 3 lần trong năm nay. Nợ xấu chưa được xử lý triệt để tiếp tục là rào cản lớn cho hạ lãi suất, khiến lãi suất huy động có sức ép tăng cao hơn mức tăng của năm ngoái. 

Bên cạnh đó, các ngân hàng tiếp tục phải cân đối nguồn vốn để đảm bảo theo lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn xuống còn 40% kể từ ngày 1-1-2018. Tính đến 31-12-2016, tỷ lệ này của toàn hệ thống chỉ đạt khoảng 35%, và vẫn còn một số ngân hàng vượt quá quy định này của NHNN.

Tuy nhiên, theo chuyên gia Bùi Quang Tín, với nguồn lực của các ngân hàng thương mại với các tín hiệu của thị trường như thị trường chứng khoán, bất động sản và các chỉ số về kinh tế vĩ mô, sự quan tâm của Chính phủ đối với các doanh nghiệp, đặc biệt thực hiện Nghị quyết 35 của Chính phủ về hỗ trợ doanh nghiệp và các chiến lược thu hút khách hàng của các ngân hàng, tổ chức tín dụng, lãi suất từ nay đến cuối năm đồng Việt Nam ổn định thì lãi suất có thể giảm từ 0,5 đến 1% ở các kỳ hạn so với năm 2016.

Ngoài ra, một số dự báo trước đây cho rằng lạm phát và tỷ giá sẽ là 2 yếu tố gây áp lực đáng kể lên mặt bằng lãi suất trong năm 2017, tuy nhiên với những gì đang diễn ra cho thấy, 2 yếu tố này vẫn trong tầm kiểm soát. Cụ thể, về tỷ giá USD/VND, dù theo xu hướng đi lên nhưng vẫn tăng chậm và trong tầm kiểm soát của NHNN. So với đầu năm, tỷ giá trung tâm chỉ mới tăng gần 1%, trong khi tỷ giá mua bán tại các NHTM và trên thị trường tự do thậm chí còn giảm so với đầu năm nay.

Ngoài ra, việc 4 ngân hàng TMCP Nhà nước duy trì lãi suất ổn định ở mức thấp hơn so với mặt bằng chung của thị trường là rất quan trọng, vì nguồn tiền gửi từ khách hàng ở những ngân hàng này có thể chảy sang những ngân hàng nhỏ với lãi suất cao hơn một chút, do đó giúp các ngân hàng nhỏ đảm bảo được thanh khoản mà không cần tăng lãi suất lên cao hơn nữa. Thực tế thời gian qua cho thấy, lãi suất của các NHTM Nhà nước gần như là công cụ được sử dụng để định hướng lãi suất thị trường.

 “Lãi suất đã vượt qua “sóng” trong giai đoạn đầu năm, thường là giai đoạn căng thẳng về nguồn vốn kinh doanh và thanh khoản của các ngân hàng cũng chịu nhiều áp lực, thì kỳ vọng lãi suất trong thời gian tới tiếp tục ổn định hoặc thậm chí giảm thêm là không phải không có cơ sở, nhất là khi nguồn vốn huy động trong quý III và quý IV của các ngân hàng thường tăng trưởng nhanh hơn so với giai đoạn đầu năm.

Nếu như lạm phát và tỷ giá tiếp tục ổn định và nằm trong tầm kiểm soát của nhà điều hành thì các ngân hàng càng có điều kiện thuận lợi để tăng trưởng nguồn tiền gửi VND. Nếu lãi suất huy động đầu vào ổn định thì sẽ là cơ sở để lãi suất cho vay ổn định theo hoặc thậm chí là giảm thêm theo định hướng của cơ quan điều hành” - ông Bùi Quang Tín nhận định.

Cũng cho rằng lãi suất cuối năm không phải đón những đợt “gió” mới mà khả năng ổn định lãi suất là khả quan, nhưng chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng áp lực lãi suất vẫn còn rất lớn: “Áp lực tăng lãi suất cuối năm vẫn tăng chứ không hề giảm khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự kiến sẽ còn tăng lãi suất, áp lực lạm phát vẫn lớn đặc biệt trong bối cảnh giá cả hàng hóa trong và ngoài nước có xu hướng tăng... Tuy nhiên, với quyết tâm của Chính phủ thì khả năng ổn định lãi suất là rất khả quan, tất nhiên với điều kiện các ngân hàng phải đẩy nhanh hơn xử lý nợ xấu”.