"Vượt qua nhé, bố 9!"

ANTĐ - Biết viết gì đây khi tâm trạng đang chỉ mong ngóng sao cho nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 tai qua nạn khỏi. Kỷ niệm với ông thì tôi có quá nhiều, điều gì tôi cũng trân quý. Nhưng thôi, viết về Nguyễn Ánh 9 đối với tôi, tôi sẽ bắt đầu từ một con người đời thường.

"Vượt qua nhé, bố 9!" ảnh 1

Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 với tác giả bài viết

1. Bố. Tôi vốn chỉ dành từ ấy cho đấng sinh thành. Cho nên nếu gặp ai mà quý lắm chúng tôi gọi là u, bu và thầy, ông già. Tôi cũng đã giữ nếp như vậy cho đến khi gặp ông. Cùng mấy đứa bạn thân, chúng tôi gọi nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 là bố. Bố 9. Yêu những bài hát của ông từ nhỏ, nhất là “Đêm nay ai đưa em về, đường khuya sao trời lấp lánh…” thành câu hát cửa miệng của tôi từ khi mới chỉ là cậu thiếu niên.

Nên trong hình dung của tôi, ông phải rất nghệ sĩ, lãng tử giống như những anh chàng nghệ sĩ lãng tử đất Sài Gòn hoa lệ thuở xưa. Vậy nên tôi đã hết sức ngạc nhiên khi thực tế ông khác hẳn. Một người đàn ông dáng nhỏ, rất lịch lãm, nhẹ nhàng từ ăn nói đến những bước đi, gần gũi và vô cùng khiêm nhường.

Ngạc nhiên hơn nữa khi một ông già đã trải bao thăng trầm trong gần hết cả cuộc đời vậy mà khi nghe Tuấn Hiệp hát “Bơ vơ” trên chặng đường đón ông từ phi trường Nội Bài về trung tâm Hà Nội, ông đã khóc, khóc như một chàng trai trẻ đang tuổi yêu và thất tình. 

2. Rất yêu quý bố 9 nhưng cũng là những nghệ sĩ hoạt động nghệ thuật chân chính, chúng tôi chẳng có nhiều tiền để mời bố 9 ra chơi, để đưa bố 9 đi khắp nơi.  Nhưng rồi trong cái khó lại nảy ra những ý tưởng hay. Tại sao không dùng đúng sở trường và lợi thế của tất cả mấy bố con chúng tôi để biến mong muốn thành hiện thực?

Vậy là những minishow nho nhỏ được tổ chức, ít nhất một năm cũng phải vài lần và kéo dài suốt vài năm vừa qua. Tuấn Hiệp vốn có một phòng trà mang tên 92 Trấn Vũ, lúc đầu vẫn thường xuyên tổ chức ở đấy. Sau do kinh tế khó khăn, không kham nổi kinh phí thuê địa điểm nên đành bỏ cuộc. Kể từ lúc đó, mấy bố con lại thoải mái rong chơi, tung tẩy khắp các phòng trà, quán cà phê ở Hà Nội. Được thay đổi không gian, cảm hứng nghệ thuật có khi lại thêm phần tươi mới.

3. Cũng vì muốn chơi nghệ thuật với bố 9 mà chúng tôi gần như đã gác nghề diễn lại. Giáng Son vốn bỏ nghề hát từ lâu chỉ để chuyên tâm cho sáng tác và công tác giảng dạy nhưng hầu như lần nào làm minishow của bố, Giáng Son cũng sẵn sàng cất giọng hát. Tôi vốn cả chục năm từ thời còn là sinh viên trường nhạc tung hoành khắp các tỉnh thành với vai trò MC những chương trình ca nhạc hài kịch tạp kỹ, khi ổn định công việc hơn cũng rời sân khấu biểu diễn để chuyên tâm vào lý luận âm nhạc và nhạc dân gian.

Vậy nhưng, tôi cũng đầy hào hứng trở thành người dẫn chuyện trong những minishow của bố 9. Hát chính đương nhiên là Tuấn Hiệp và những nghệ sĩ tài năng chơi thân thiết với nhóm như NSƯT Đức Long, Quỳnh Hoa, Hà Linh, Minh Thu, Ngọc Châm, Hằng Nga, Trọng Hùng…. Bố 9 cũng yêu quý chúng tôi mới sẵn sàng ra Hà Nội để cùng đứng trò chuyện với khán giả trong những không gian bé xinh vốn có lẽ không xứng tầm và vị trí của ông. 

4. Tôi mê nhất cái cách kể chuyện rủ rỉ của bố 9. Dù âm thanh tốt, hay xấu thì âm lượng của bố lúc nào phát ra cũng bé tí xíu, nhẹ nhàng khiến người nghe phải dỏng tai lên và thật chăm chú mới có thể nhập hồn vào những câu chuyện. Dường như tất cả những chuyện của bố 9 đều hấp dẫn.

Từ câu hát bột phát trong lúc bông đùa với Khánh Ly: “Không! Tôi không còn yêu em nữa” trong một lần cả hai đi lưu diễn tại Nhật Bản rồi được nữ danh ca khuyến khích sáng tác thành một bài hát hay khi sáng tác bản nhạc tình “Cô đơn” đã thấm quá sâu vào tâm hồn người yêu nhạc để trở thành một trong những bài hát nói lên nỗi lòng của những người sống nội tâm và đã trải qua những ngọt ngào, mặn đắng của tình yêu…

Tất nhiên, còn nhiều lắm, kể sao cho hết những câu chuyện của “Ai đưa em về”, “Thương nhau ngày mưa”, “Mùa thu cánh nâu”, “Buồn ơi chào mi”… Mỗi bài hát, mỗi câu chuyện lại càng khắc họa lên một con người tình cảm, sâu lắng và có tấm lòng yêu thương, chia sẻ.

5. Tin bố 9 đột ngột phải cấp cứu ngay trong đêm 20-3 vì căn bệnh về hô hấp vốn đã hành hạ bố nhiều năm nhưng với chúng tôi vẫn quá bất ngờ. Tôi, Giáng Son, Mai Tuyết Hoa đã sắp xếp gác lại hết công việc để hôm sau vào thăm bố. Hà Linh đang ở nước ngoài cũng sốt sắng về với chúng tôi.

Bố 9 chính là người đã nâng đỡ Năm Dòng Kẻ, trong đó có Giáng Son khi nhóm nhạc Nam tiến. Bố 9 cũng rất yêu quý và luôn dành những lời khích lệ cho Hà Linh, Tuấn Hiệp vững bước trên con đường ca hát. Bố 9 cũng đã quen với xẩm kể từ khi biết chúng tôi. Thậm chí, từ lâu bố  chẳng khác gì một thành viên của nhóm Xẩm Hà thành. Và vì thế, tất cả chúng tôi phải có mặt bên bố  lúc khó khăn này.