Vượt qua khó khăn bằng chính sách tài khóa "Thắt lưng buộc bụng"

ANTD.VN - Dịch bệnh khiến thu ngân sách Nhà nước ảnh hưởng nặng nề, nhưng để cứu nền kinh tế, Chính phủ đang đưa ra hàng loạt gói chính sách tài khóa khiến bài toán cân đối thu - chi ngân sách trở nên vô cùng khó khăn.

Doanh nghiệp Việt bị tổn thương nặng nề trong và sau dịch Covid-19, do quy mô nhỏ, sức chống chịu yếu

Doanh nghiệp Việt liêu xiêu trong “bão” Covid-19

Theo thống kê, tính đến cuối năm 2019, Việt Nam có khoảng 760.000 doanh nghiệp (DN) đang hoạt động. Nhóm DN có quy mô nhỏ và vừa chiếm khoảng 97%, trong đó DN có quy mô siêu nhỏ chiếm hơn 63%, doanh nghiệp quy mô nhỏ chiếm hơn 30% và doanh nghiệp quy mô vừa chiếm gần 4%. Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế Trung ương (CIEM) cho rằng, với đặc thù các DN trong nước chủ yếu là nhỏ và vừa, khiến đội ngũ DN có khả năng linh hoạt tốt, nhưng sức chống chịu lại rất yếu.

Về mặt tài chính, họ không có dự trữ. Do đó, khi xảy ra dịch bệnh, nhiều công ty không có thu nhập, không còn dòng tiền, trong khi hàng loạt công nợ tới hạn. Còn trong chuỗi cung ứng toàn cầu, vì bị lệ thuộc, chưa đứng được ở vị trí chi phối thị trường, nên khi một mắt xích nào đó trong chuỗi cung ứng bị đứt gãy, thì ngay lập tức nhiều DN Việt sẽ không chống chịu nổi. Chính vì vậy, mức độ ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với doanh nghiệp Việt là rất lớn.

Điều này thể hiện rõ qua kết quả khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới đây. Theo đó, qua khảo sát 126.565 DN thì có tới 85,7% bị tác động bởi dịch Covid-19. Trong đó, khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ chịu tác động mạnh nhất với tỉ lệ lần lượt là 86,1% và 85,9%; khu vực nông lâm nghiệp và thủy sản là 78,7%. Cũng theo khảo sát trên, có tới 57,7% số doanh nghiệp bị ảnh hưởng cho rằng thị trường tiêu thụ bị giảm mạnh; 47,2% doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu khẳng định hàng hóa sản xuất ra không xuất khẩu được.

Còn khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa mới đây cũng cho thấy, đến hết tháng  4, số DN của Hiệp hội này có ý định rút khỏi thị trường là 30% (vẫn có xu hướng tăng); số DN thiếu hụt nguồn vốn sản xuất kinh doanh là 36,7%; thiếu hụt nguồn nguyên liệu là khoảng 18%; thiếu hụt nguồn nguyên liệu từ xuất nhập khẩu là khoảng 29%; tồn đọng hàng hóa 51,2%; ngừng hoạt động sản xuất, kinh doanh là 39,4%; hoạt động sản xuất kinh doanh trì trệ là 51,8%; không có nguồn thu để bù đắp là 43,4%; sụt giảm nguồn thu là hơn 60%... Trong khi đó, khối DN lại là khu vực chính để đảm bảo nguồn thu ngân sách Nhà nước, do đó yêu cầu cấp bách đặt ra là phải cứu DN, cho dù ngân sách đang trong tình trạng vô cùng khó khăn.

Theo đó, Bộ Tài chính đến nay đã và đang đề xuất nhiều gói chính sách tài khóa để hỗ trợ DN trong nước. Cụ thể đã tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 41/2020/NĐ-CP ngày 8-4-2020 của Chính phủ về gia hạn thời hạn nộp thuế và tiền thuê đất có hiệu lực kể từ ngày ban hành và được áp dụng rộng rãi cho hầu hết các DN, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân kinh doanh chịu tác động của dịch Covid-19. Đồng thời, Bộ cũng đã trình Chính phủ để báo cáo Quốc hội cho ý kiến dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế Thu nhập doanh nghiệp phải nộp của năm 2020 đối với DN nhỏ và siêu nhỏ.

Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ chiếm tới hơn 90% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam

Gia hạn nộp thuế cho 98% doanh nghiệp

Theo Nghị định 41, Chính phủ cho phép gia hạn thời hạn nộp thuế 5 tháng đối với thuế Giá trị gia tăng (VAT) và thuế Thu nhập doanh nghiệp (TNDN) của DN; thuế VAT và thuế Thu nhập cá nhân của các hộ kinh doanh và tiền thuê đất của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân. Theo tính toán của Bộ Tài chính, với chính sách này có khoảng 98%, tức khoảng 740.000 DN đang hoạt động và hầu hết các hộ kinh doanh cá thể ngừng kinh doanh đều thuộc diện được gia hạn thuế và tiền thuê đất.

Theo ông Võ Thành Hưng - Vụ trưởng Vụ Ngân sách Nhà nước (Bộ Tài chính) mặc dù giãn hoãn thuế không phải ngân sách “cho không” DN, nhưng trong thời điểm này sẽ giúp DN có thêm dòng tiền để phục vụ các mục đích sản xuất, kinh doanh. Trên thực tế, thống kê của Tổng cục Thuế cho thấy, ước thực hiện thu NSNN tháng 5-2020 chỉ khoảng 58.000 tỷ đồng, bằng 63,1% so với cùng kỳ năm 2019. Việc triển khai thực hiện Nghị định 41 là một trong những nguyên nhân làm sụt giảm sâu ngân sách. Thống kê của Tổng cục Thuế cho thấy, tính đến ngày 1-6-2020 đã tiếp nhận 128.684 Giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất (gồm 101.974 DN và 26.710 hộ, cá nhân kinh doanh) với số tiền được gia hạn khoảng 36.963 tỷ đồng.

93% doanh nghiệp có thể được giảm thuế TNDN

Ngày 1-6 vừa qua, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng đã thay mặt Chính phủ trình bày báo cáo dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về giảm thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với DN nhỏ và siêu nhỏ để Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến. Về cơ bản, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí với các đề nghị của Chính phủ và như vậy sẽ có tới 93% số doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ được giảm thuế TNDN.

Về tiêu chí xác định DN nhỏ và siêu nhỏ được giảm thuế, Bộ Tài chính đề xuất giảm 30% số thuế TNDN phải nộp của năm 2020 đối với DN có tổng doanh thu năm 2020 không quá 3 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm 2020 không quá 10 người (thuộc nhóm DN siêu nhỏ); DN có tổng doanh thu năm 2020 không quá 50 tỷ đồng và có số lao động tham gia bảo hiểm xã hội bình quân năm 2020 không quá 100 người (thuộc nhóm DN nhỏ).

Nếu thực hiện việc giảm thuế trên sẽ làm giảm thu NSNN khoảng 15.840 tỷ đồng. Tuy nhiên, số giảm thu này sẽ được bù đắp từ các loại thuế gián thu và các nguồn thu ngân sách khác, đồng thời sẽ góp phần tăng thu từ thuế TNDN vào giai đoạn tiếp theo do DN có điều kiện để tái đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh. Đề xuất này nhận được sự hưởng ứng lớn từ cộng đồng DN, tuy nhiên cũng có nhiều ý kiến cho rằng mức giảm nên sâu hơn mức 30% thì mới hỗ trợ nhiều được DN.

Trong văn bản góp ý với Bộ Tài chính, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa đã đề xuất miễn 100% thuế TNDN phải nộp của năm 2020 với DN có doanh thu không quá 2 tỷ đồng; Giảm 70% thuế đối với DN có tổng doanh thu từ 2-3 tỷ đồng, có số lao động tham gia BHXH không quá 10 người; giảm 50% thuế TNDN năm 2020 với trường hợp DN có tổng doanh thu không quá 50 tỷ đồng và số lao động tham gia BHXH bình quân không quá 100 người.

Ngoài ra, HTX có quy mô tương đương DN nhỏ và siêu nhỏ thì được áp dụng cơ chế tương tự. Theo ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, đề xuất trên căn cứ tình hình thực tế và kiến nghị của các hội viên. “Tính toán của chúng tôi cho thấy, ngay cả khi chưa có dịch thì khả năng sinh lời của các DN nhỏ và siêu nhỏ đã rất thấp, thế nên thuế TNDN đối với khu vực này không nhiều. Vì vậy, việc miễn giảm thuế như đề xuất của Hiệp hội với Nhà nước cũng không quá ảnh hưởng đến cân đối ngân sách, nhưng với từng DN thì rất có ý nghĩa” - ông Tô Hoài Nam nói.

Ngân sách “thắt lưng, buộc bụng”

Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, một số ý kiến lại cho rằng mức giảm 30% là phù hợp. PGS.TS Lê Xuân Trường, Trưởng khoa Thuế - Hải quan, Học viện Tài chính cho rằng, trong bối cảnh hiện nay nếu khả năng cho phép hỗ trợ được nhiều hơn cho DN thì sẽ rất tốt. Tuy nhiên, việc hỗ trợ còn phải đảm bảo sao cho Nhà nước vẫn có đủ nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ chi Nhà nước. “Trong bối cảnh dịch bệnh, nguồn thu giảm nhưng ngân sách lại phải tăng chi, bao gồm tăng chi cho y tế, chi cho hỗ trợ những đối tượng chính sách. Vì lẽ đó, mức giảm thuế TNDN 30% là hài hòa, vừa hỗ trợ DN nhỏ và siêu nhỏ khắc phục khó khăn, vừa đảm bảo Nhà nước thực hiện các nhiệm vụ chi cho phát triển kinh tế - xã hội” - ông Lê Xuân Trường nêu quan điểm.

Để giải bài toán cân đối ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính đã đưa ra 2 hướng giải pháp. Thứ nhất là tiết kiệm chi như cắt giảm những khoản chi chưa thực sự cần thiết, đặc biệt là các khoản chi hoạt động hành chính, hội họp của các cơ quan Nhà nước, hoãn lộ trình tăng lương cơ sở… Hướng thứ hai là tăng cường các giải pháp chống thất thu ngân sách như tăng cường và nâng cao hiệu quả thanh tra, kiểm tra thuế; nâng cao hiệu quả đôn đốc thu nộp thuế, giảm nợ thuế…

Để giải bài toán cân đối ngân sách Nhà nước, Bộ Tài chính đã đưa ra 2 hướng giải pháp. Thứ nhất là tiết kiệm chi như cắt giảm những khoản chi chưa thực sự cần thiết, đặc biệt là các khoản chi hoạt động hành chính, hội họp của các cơ quan Nhà nước, hoãn lộ trình tăng lương cơ sở… Hướng thứ hai là tăng cường các giải pháp chống thất thu ngân sách như tăng cường và nâng cao hiệu quả thanh tra, kiểm tra thuế; nâng cao hiệu quả đôn đốc thu nộp thuế, giảm nợ thuế…