Vươn xa, khẳng định chủ quyền Quốc gia lâu dài tại biển Đông

ANTĐ - Trong hai ngày 12 và 13-9, tại TP. Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), Viện Hải dương học Nha Trang phối hợp với Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam tổ chức hội nghị Quốc tế biển Đông năm 2012. Tham gia hội nghị ngoài các học giả, nhà nghiên cứu khoa học trong nước còn có sự tham dự của của các nhà khoa học đến từ 14 nước đến từ: Nhật Bản, Philippines, Đức, Hoa Kỳ, Thái Lan… Ủy ban Hải dương học liên Chính phủ (IOC).
Tại hội nghị, hơn 150 báo cáo, đề tài nghiên cứu khoa học, hội nghị đã đánh giá lại chặng đường 90 năm hoạt động hải dương học trên vùng biển Việt Nam và lân cận của Viện Hải dương học Nha Trang. Hội nghị cũng đã thảo luận, đề xuất định hướng phát triển nghiên cứu biển và các chương trình hợp tác giữa Việt Nam với các nước. Nhiều nhà nghiên cứu khoa học đều có chung nhận định rằng, Việt Nam cần đánh giá đúng những lợi ích từ biển. 
Các đại biểu cho rằng, trong xu thế “vươn ra biển” hiện nay của các nền kinh tế trên thế giới, đặc biệt là các quốc gia có đường biên giới tiếp giáp với biển, thì việc nghiên cứu và đánh giá đúng những lợi ích từ biển cả về mặt kinh tế, an ninh quốc phòng là rất quan trọng. Các chuyên gia, nhà khoa học đồng ý rằng, Việt Nam cần một chiến lược đồng bộ để đạt hiệu quả cao trong việc nghiên cứu khoa học về biển, từ đó để đảm bảo chủ quyền quốc gia.

Ông Bùi Hồng Long - Viện Trưởng Viện Hải dương học Nha Trang, khẳng định việc nâng tầm hoạt động nghiên cứu cơ bản về hải dương học, tài nguyên và môi trường biển để đạt được những hiểu biết toàn diện về biển Đông và tăng cường hướng khoa học ứng dụng trong quản lý, công nghệ, bảo vệ môi trường biển phục vụ phát triển kinh tế và bảo vệ chủ quyền quốc gia. Năng lực nghiên cứu biển xét về trình độ, tư duy khoa học thì Việt Nam không hề thua kém các nước trong khu vực và trên thế giới nhưng vấn đề đặt ra là làm thế nào để chúng ta tổ chức được đồng bộ, hiệu quả quy hoạch để vươn ra biển.

Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Tác An - Chủ tịch IOC tại Việt Nam cho rằng, các nhiệm vụ nghiên cứu biển của Việt Nam cần phải lồng ghép vào khung chiến lược trung hạn của IOC, đặc biệt là liên kết, phối hợp với các chương trình nghiên cứu khu vực Tây Thái Bình Dương (IOC/Westpac) trong thời gian tới. Trong đó cần chú trọng các điểm như: Giảm nhẹ những tác động do biến đối khí hậu toàn cầu và thích ứng; cảnh báo và giảm thiểu tác hại của thiên tai; giữ gìn sức khỏe của các hệ sinh thái đại dương và xây dựng thể thức, chính sách phục vụ quản lý biền vững môi trường, tài nguyên vùng ven bờ, vùng biển và đại dương trong chủ quyền Tổ quốc. Cũng theo ông An, việc Việt Nam thực hiện các điểm nằm trong chiến lược trung hạn của IOC không chỉ mang lại những giá trị thực tiễn, mà còn tạo ra vị thế, nâng cao tầm vóc, uy tín của Việt Nam trong nghiên cứu hải dương học trong khu vực và quốc tế. Có thể coi đây là một trong những nội dung quan trọng của chính sách quốc gia về biển.

Ông Trần Đức Thạnh - Viện trưởng Viện tài nguyên và môi trường biển (Viện KH&CN Việt Nam), nhấn mạnh song song với việc nghiên cứu phát triển kinh tế biển, chúng ta phải tạo ra một mô hình quản lý tổng hợp vùng bờ biển, đây là mẫu hình mới nhất về quản lý vùng bờ biển, hướng tới cân bằng các mục tiêu kinh tế, xã hội và môi trường, hài hoà với các quá trình tự nhiên. Nó có chức năng quản lý thống nhất, tập trung và liên kết các cấp từ Trung ương đến địa phương. Muốn như vậy chúng ta cần có cam kết chính trị của các cấp chính quyền từ Trung ương đến địa phương và sự vận dụng sáng tạo trong điều kiện thực tiễn của Việt Nam.

Nhiều tham luận tại hội nghị cũng chỉ ra rằng, việc nghiên cứu về biển Đông sẽ cho ta thêm nhiều bằng chứng về chủ quyền quốc gia trên biển Đông. Nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Sejong (Seoul, Hàn Quốc) trong khi nghiên cứu về thiềm lục địa Việt Nam đã phát hiện ra rằng có mối tương quan chặt chẽ về lịch sử phát triển và các cơ chế hình thành giữa các bồn trũng dầu khí ngoài khơi biển Đông và trên đất liền, đều này được chứng minh trong các tài liệu địa chất và địa vật lí mà nhóm thu thập được. 
Theo đó, các các bồn trầm tích Đệ Tam nằm ở vị trí tiếp nối, cấu thành liên tục và kéo dài từ Bắc xuống Nam và một phần nước sâu ở biển Đông Việt Nam, bao gồm các bồn trũng Sông Hồng, Phú Khánh, Cửu Long, Nam Côn Sơn, Mã Lai - Thổ Chu, Tư Chính - Vũng Mây và nhóm bồn trũng Trường Sa và Hoàng Sa. Theo nhóm nghiên cứu, việc Việt Nam đang thăm dò và đặt giàn khoan ở biển Đông là tài sản vô giá và như khẳng định chủ quyền vùng đặc quyền kinh tế trong vòng 200 hải lý. Đồng thời, trong chiến lược hợp tác kinh doanh, sự lựa chọn cẩn trọng với các đối tác quốc tế hợp lý sẽ mang lại ý nghĩa thiết thực quan trọng trong việc bảo vệ các lợi ích kinh tế và khẳng định chủ quyền quốc gia lâu dài tại biển Đông.

Theo dự kiến, các đại biểu tại hội nghị sẽ tiếp tục tham gia thảo luận đến hết ngày 14-9.