Vươn ra để giữ biển

(ANTĐ) - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) PGS.TS Nguyễn Chu Hồi cho biết, Việt Nam là quốc gia có nguồn lợi và tiềm năng kinh tế biển rất lớn. Do đó, Việt Nam cần vươn ra biển, tìm kiếm nguồn lực kinh tế mới, đảm bảo các nhu cầu về nguyên liệu, năng lượng, thực phẩm cũng như không gian sinh tồn...

Vươn ra để giữ biển

(ANTĐ) - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường) PGS.TS Nguyễn Chu Hồi cho biết, Việt Nam là quốc gia có nguồn lợi và tiềm năng kinh tế biển rất lớn. Do đó, Việt Nam cần vươn ra biển, tìm kiếm nguồn lực kinh tế mới, đảm bảo các nhu cầu về nguyên liệu, năng lượng, thực phẩm cũng như không gian sinh tồn...

Nguồn năng lượng tương lai

PGS.TS Nguyễn Chu Hồi một chuyên gia hàng đầu kinh tế biển nhìn nhận, tài nguyên biển đối với Việt Nam vô cùng lớn. Cụ thể là tiềm năng băng cháy (một hợp chất rắn, được hình thành từ sự kết hợp giữa chất khí methane, ethane, propane… và nước ở điều kiện áp suất cao và nhiệt độ thấp - vốn được xác định là nguồn năng lượng thay thế trong tương lai). Trước hết phải khẳng định, băng cháy ở vùng Biển Đông và vùng biển Việt Nam có quyền làm chủ là 1 trong 5 khu vực có trữ lượng lớn nhất thế giới. Ngoài băng cháy, Việt Nam còn nhiều tài nguyên khoáng sản giá trị khác.

Việt Nam có tiềm năng kinh tế biển, đảo vô cùng lớn

Việt Nam có tiềm năng kinh tế biển, đảo vô cùng lớn

Vùng biển Việt Nam trên Biển Đông là 1 trong 10 vùng biển đa dạng sinh học hàng đầu. Đặc sản đặc hữu nhất được xem là cơ sở hạ tầng tự nhiên trên Biển Đông và khu vực thuộc chủ quyền Việt Nam là rất tiềm năng, như khu vực vùng biển san hô, rừng ngập mặt, đầm phá… rất phù hợp cho phát triển du lịch biển, đảo. Đánh giá dưới góc độ tài nguyên, đó chính là “của để dành” cho con cháu sau này.

Với cái nhìn tương tự, bà Phạm Thị Điệp - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch cho biết, với bờ biển dài trên 3.260km, hơn 2.773 đảo ven bờ và nhiều bãi biển, vịnh, đảo đẹp nhất thế giới, Việt Nam có những ưu thế đặc biệt để thúc đẩy du lịch biển, đảo phát triển. Ông Nguyễn Chu Hồi cho rằng, chính tiềm năng vô cùng to lớn của Biển Đông đã kích thích tham vọng xâm chiếm của một số nước. Mục tiêu cuối cùng của sự “bành trướng” chính là nhằm làm chủ khu vực nước sâu ở Biển Đông, hay có thể hiểu là nhằm độc chiếm, hưởng trọn vẹn nguồn lợi này.

Đột phá tư duy khai thác biển

Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, năm 2005, kinh tế biển đóng góp khoảng 48% GDP, năm 2007 là 49% và năm 2010, mặc dù các lĩnh vực kinh tế khác gặp khó khăn, kinh tế biển vẫn đảm bảo tăng trưởng khá. Các ngành kinh tế biển cho đóng góp lớn có thể liệt kê không xuể như dầu khí 64%; hải sản 14%; vận tải biển và dịch vụ cảng biển 11%; du lịch biển 9%...

Tuy nhiên, theo nhìn nhận của các chuyên gia, việc khai thác tiềm năng kinh tế biển hiện còn rất hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng. Ông Nguyễn Chu Hồi phân tích: “Cần phải vươn xa mạnh mẽ ra biển dù có phải đối mặt với nhiều thách thức, cản trở. Chúng ta chỉ cần áp dụng theo đúng những quy định tại Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982”. PGS.TS Nguyễn Chu Hồi kiến nghị, để khai thác tiềm năng kinh tế biển, trước hết, cần có đột phá về tư duy. Tiếp đó, cần có cơ chế chính sách thúc đẩy và chuẩn bị kỹ lưỡng điều kiện thu hút đầu tư.

Cần thay đổi quan niệm khai thác tài nguyên biển sang khai thác giá trị sinh vật thể nhằm đem lại giá trị, hiệu quả kinh tế lớn hơn. Cùng với đó, cần có đột phá trong quản lý phát triển kinh tế biển. PGS.TS Nguyễn Chu Hồi nói: “Chúng ta cần có chính sách tổng thể hoạch định tốt, để điều chỉnh các địa phương, không khuyến khích chạy theo tăng trưởng nóng và khai thác kinh tế biển theo kiểu phong trào. Đặc biệt, Luật Biển cần sớm được xem xét, ban hành. Đây được xem là bộ luật để “nội địa hóa” Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và các cơ chế khác đối với vấn đề biển quốc tế. Từ đó, sẽ xây dựng các luật ngành, lĩnh vực để cụ thể hóa như Luật Thủy sản, Dầu khí, Sinh thái biển, Quản lý vùng bờ...”.

Việt Nam có bờ biển dài 3.260km, khoảng 100km2 đất liền có 1km bờ biển, cao gấp 6 lần tỷ lệ trung bình của thế giới. Việt Nam còn có hơn 3.000 hòn đảo lớn nhỏ. Tổng trữ lượng dầu khí dự báo của toàn thềm lục địa Việt Nam khoảng 10 tỷ tấn. Bên cạnh dầu, Việt Nam có tiềm năng khí đốt với khả năng khai thác trên 3 nghìn tỷ m3/năm. Dưới lòng đáy biển và dọc bờ biển còn có nhiều tài nguyên khoáng sản quý. Tổng trữ lượng hải sản của Việt Nam khoảng 3-4 triệu tấn, có thể cho phép khai thác 1,5-1,8 triệu tấn/năm.

Thành Nam