Vườn quốc gia Yok Đôn: Rừng vẫn "chảy máu"

ANTĐ - Sớm 2-8, nhận nguồn tin báo của quần chúng: “Hàng chục cây gỗ quý ở Vườn quốc gia Yok Đôn mới bị lâm tặc đốn hạ mà chủ rừng không hề hay biết!”, nhóm phóng viên chúng tôi tức tốc lên đường vào rừng làm rõ hư - thực.
Vườn quốc gia Yok Đôn: Rừng vẫn "chảy máu" ảnh 1
Hiện trường những cây căm xe bị mới bị đốn hạ tại tiểu khu 484

Đang là mùa mưa, đường tuần tra trong rừng lầy lội, gốc cây lổm chổm, cành lá nhằng nhịt…khó đi. Từ bìa rừng vào đến tiểu khu 484 chừng 30 km, chúng tôi phải vật vã với hai chiếc xe mô-tô tới gần 2 giờ đồng hồ, lúc thì cưỡi xe bon bon, khi lại đẩy xe, khênh xe ì ạch. Đường khó đi là thế, mà âm tặc vẫn vào rừng với đủ thứ công cụ, phương tiện để khai thác và vận chuyển gỗ lậu với khối lượng lớn ra hỏi rừng thì quả là tài thật. Nhất là rừng ở đây luôn được “bảo vệ nghiêm ngặt!”
Vườn quốc gia Yok Đôn: Rừng vẫn "chảy máu" ảnh 2
Vết xẻ vẫn còn mới

Tới tiểu khu 484, trước mắt chúng tôi là một khoảnh rừng nguyên sinh khá đẹp, địa thế bằng phẳng, có nhiều cây cổ thụ, phần lớn là căm-xe, cà chít, bằng lăng và giáng hương. Nhưng rừng ở đây đã và đang bị lâm tặc xâm hại nghiêm trọng. Cách đường tuần tra không xa, hàng loạt cây căm-xe cổ thụ mới bị lâm tặc đốn hạ, cành lá còn giữ màu xanh. Lội rừng trong vòng bán kính chừng 100m, chúng tôi đã đếm được hơn 20 cây căm-xe cổ thụ, đường kính gốc từ 40-60cm bị lâm tặc đốn hạ trong khoảng thời gian cuối tháng 7. Một số gốc cây căm-xe bị lâm tặc đốn hạ có dấu bút kiểm đếm của kiểm lâm Trạm 3 (Hạt kiểm lâm Vườn quốc gia Yok Đôn) ghi ngày phát hiện là 1-8. Nhưng cũng còn khá nhiều gốc gỗ tươi mới, chưa có bút tích của kiểm lâm. Điều này cho thấy, số lượng gỗ bị khai thác trái phép ở các tiểu khu 484 và 477 nhiều đến nỗi mà ngay cả lực lượng kiểm lâm hàng ngày túc trực bảo vệ rừng khu vực này cũng không kiểm đếm hết (!).

Đường kính gốc từ 40-60cm

Tiếp tục đi sâu vào các tiểu khu 484 và 477, chúng tôi phát hiện thêm các điểm khai thác gỗ quý hiếm, mà theo dấu vết để lại tại hiện trường cho thấy, phần lớn gỗ quý được khai thác trong khoảng thời gian cuối tháng 7 vừa qua. Như vậy, mới lội rừng ở hai tiểu khu 477 và 484, chúng tôi đã phát hiện có ít nhất hơn 50 cây gỗ căm-xe cổ thụ (thuộc nhóm 2) vừa bị lâm tặc khai thác trái phép với khối lượng gỗ vận chuyển chót lọt ra khỏi rừng lên đến hơn 50m3.

Những gốc căm xe lâm tặc khai thác trái phép, mà kiểm lâm chưa kịp kiểm đếm

Thực trạng trên cho thấy, lâm tặc đang hoạt động khá công khai và đã qua mặt kiểm lâm. Thậm chí, trong buổi làm việc với chúng tôi vào chiều 2-8, đồng chí Trần Văn Thành, Quyền Giám đốc Vườn quốc gia Yok Đôn khẳng định: “Ngày nào Vườn quốc gia Yok Đôn cũng bị lâm tặc tấn công!”. Từ ngày ông nhậm chức quyền Giám đốc, đầu tháng 7-2012 đến nay, bình quân mỗi ngày lực lượng bảo vệ rừng ở vườn phát hiện 2 vụ khai thác gỗ trái phép.

Trong đó có vụ quy mô lớn, như vụ phát hiện lân tặc khai thác 2 cây giáng hương tại tiểu khu 421 vào các ngày 6 và 7-7 phải chuyển cơ quan công an điều tra; hoặc vụ sử dụng biển số xe cơ quan Nhà nước vận chuyển 0,933m3 gỗ cẩm lai, cà te tại buôn Giang lành, xã Krông Na, huyện Buôn Đôn; vụ lâm tặc tập kết hơn 6,2m3 gỗ quý hiếm trong vườn của một số hộ dân ở buôn Giang Lành và buôn Trí B, xã Krông Na.

Cành lá cây căm-xe mới bị lâm tặc đốn hạ nên vẫn còn xanh

Yok Đôn là vườn quốc gia rộng nhất nước, với diện tích hơn 115 nghìn ha và được biên chế 226 cán bộ, nhân viên quản lý bảo vệ rừng; trong đó có tới 173 cán bộ kiểm lâm trực tiếp giữ rừng. Vậy mà rừng ở đây vẫn mất hàng ngày, hàng giờ. Những năm trước, lâm tặc hoạt động lén lút, quy mô nhỏ lẻ trong mùa khô và chỉ dám khai thác trộm ở bìa rừng, khu vực gần sông Sê-rê-pốk. Thì nay, lâm tặc hoạt động công khai, quy mô lớn, có khi đưa cả phương tiện hiện đại, dựng lán trại để khai thác gỗ cả trong mùa mưa và sẵn sàng tấn công vào các tiểu khu nằm ở vùng lõi của vườn.

Kiểm lâm Trạm 3 thường xuyên tuần tra mà rừng vẫn "chảy máu"

Được biết, để chấn chỉnh công tác quản lý bảo vệ rừng ở Vườn quốc gia Yok Đôn, mấy năm gần đây Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện nhiều biện pháp, trong đó có bổ sung thêm 100 biên chế kiểm lâm viên; đầu tư mua sắm thêm phương tiện, trang thiết bị để vườn lập mới các chốt, trạm kiểm lâm ở những điểm nóng.

Thậm chí từ năm 2008 đến nay, có tới 4 lần Vườn quốc gia Yok Đôn phải thay đổi vị trí Giám đốc vườn (!). Nhưng thực tế công tác quản lý bảo vệ rừng ở đây sau mỗi lần được chỉnh đốn vẫn không mang lại hiệu quả tích cực. Tình trạng mất rừng, mất đất rừng, gỗ quý bị khai thác trộm và động vật rừng bị săn bắt trong vườn quốc gia rộng nhất nước này vẫn nóng lên từng ngày.