“Vui xem hát, nhạt xem bơi, tả tơi xem hội”

ANTĐ - Với rất nhiều động thái của cơ quan chức năng, mùa lễ hội 2013 vừa qua được đánh giá “có nhiều chuyển biến tích cực”. Nhưng chuyển biến tích cực không có nghĩa những “điểm nóng” đã “hạ nhiệt” và không phát sinh những tiêu cực mới.

Lễ hội sẽ thế nào, nếu được trả về cho dân?

Đằng sau những bất thường

Người chen người. Khói hương nghi ngút. Hòm công đức bày la liệt khắp nơi. Tiền lẻ giắt vào tay, xoa vào chân, vào mặt tượng, sẵn tiền trong tay vung cả xuống giếng dù có biển cấm và cả lưới mắt cáo. Chai nước vài nghìn bị đẩy lên tới vài chục nghìn đồng. Con gà đĩa xôi bị thổi lên tiền triệu. Hễ cái gì dính dáng đến “lộc” là cướp: cướp lễ, cướp lương, cướp cả ấn… Đó là hình ảnh vẫn thường diễn ra, năm này qua năm khác, mùa lễ hội này sang mùa lễ hội khác. “Thắc mắc gì? Hội mà! một năm mới có một lần. Người xưa từng bảo: “Vui xem hát, nhạt xem bơi, tả tơi xem hội”. Có nhà quản lý đã từng chống chế như thế về lễ hội. Nhưng rồi trước những màn dẫm đạp chen chúc nhau đến chết ngất, trước màn “hành hình” dê, hươu, lợn mán rồi cắt tiết, xẻo thịt móc ngược, lủng lẳng ở cõi Phật Hương Sơn, trước màn “ấn giả- ấn thật”…, người ta bắt đầu nhìn lại hoạt động lễ hội. Nhiều nhà khoa học đã lên tiếng, rằng hãy trả lễ hội về cho nhân dân, nghĩa là hội của làng nào thì trả về cho làng ấy lo. Xưa tổ chức thế nào, giờ cứ thế mà áp dụng. Đừng sân khấu hóa, đừng nâng tầm, đừng quốc gia hóa lễ hội. 

Có một thực tế, thời gian qua, một số địa phương đã tự đứng ra tổ chức lễ hội. Nhiều tỉnh, huyện đã cố tìm cho ra ở địa phương mình một lễ hội đặc sắc rồi từ đó… nâng cấp vừa là để quảng bá hình ảnh tỉnh nhà, vừa thu hút du lịch và rõ ràng, khách về dự hội càng đông, nguồn thu của tỉnh càng lớn. Đương nhiên, cái nguồn thu kia đã choán hết mục đích phát huy giá trị văn hóa cho đến bảo tồn di sản phi vật thể. Thay cho những màn diễn xướng dân gian là những tiết mục sân khấu hóa, mười lễ hội tổ chức thì cả mười đều “tái hiện một màn sử thi hoành tráng”, cả nghìn nghệ sĩ diễn viên chuyên nghiệp được huy động, khách mời rầm rộ đổ về, khắp các nẻo đường đều… tắc. Người dân - chủ thể của lễ hội bống chốc bị gạt ra ngoài rìa. Không có vé mời thì về nhà xem ti vi, có tường thuật trực tiếp!!!

Hội giờ đã khác ngày xưa

Thế nhưng, ông Đặng Hữu Sơn- Giám đốc Sở VHTT&DL Lào Cai cho rằng, quan điểm trả lễ hội về cho dân cần phải xem xét lại. Bởi, có trả về cho dân thì dân sẽ quản lý thế nào, lễ hội giờ đã biến đổi, không còn như xưa. Đi kèm lễ hội còn các vấn đề như đốt vàng mã thế nào, quản lý tiền công đức, tiền giọt dầu ra sao, vấn đề an toàn thực phẩm, an ninh trật tự, vệ sinh môi trường… “Nếu cứ khăng khăng bảo trả lễ hội cho dân tự quản lý thì các nhà nghiên cứu khác gì ngồi trong tủ kính” – Ông Đặng Hữu Sơn nhấn mạnh. Tiếp tục lý giải về điều này, ông Sơn cho rằng, các lễ hội dân gian nay ngày càng lớn, người tham dự lễ hội ngày càng đông, nếu không có sự ra tay của chính quyền địa phương thì làm sao có thể tổ chức lễ hội được?

Ông Mai Tư - Giám đốc Sở VHTT&DL Thanh Hóa cũng cho rằng, lễ hội ngày nay không chỉ mang giá trị vui chơi giải trí mà còn có tính xúc tiến và phát triển. Cho nên, nhiều nhà nghiên cứu, nhà khoa học, không nên cứ nhìn các hoạt động lễ hội hiện đại dưới góc độ thiếu thiện cảm. Thông qua sự kiện lễ hội mới quảng bá được cho vùng đất đó, địa phương đó. Dẫn tục ngữ, “ma chê cưới trách” ông Mai Tư cho rằng, không có lễ hội nào lại không có vấn đề. Cần nhìn nhận một cách tổng thể, so với 5-10 năm trước, lễ hội ngày nay đã khác rất nhiều. Cho nên cần bình tĩnh khắc phục từng điểm yếu một. Bất kỳ lễ hội nào cũng phải có người đứng đầu, người tổ chức và người tham gia, hãy đừng nói đến chuyện “trả lại cho dân”. Dẫn một ví dụ về chuyện “trả lại cho dân”, ông Mai Tư kể, năm 2007, Thanh Hóa tiến hành thí điểm dự án “trả lại cho dân” ở Lễ hội Lam Kinh. Kinh phí nhà nước đầu tư hơn 600 triệu đồng. Dân làm được đúng một năm, năm sau thì mất sạch không còn gì, từ trang thiết bị, phục trang, cho đến kiệu lọng, trống chiêng… Những người được tập huấn để thực hành lễ hội khi gọi đến thì tất thảy đã đi làm ăn ở xa, người Nam, người Bắc. “Trả lại cho dân là như thế đấy, lúc cần đến thì không còn một ai, tự dưng mất 600 triệu đồng mà chẳng thu lại được gì”- ông Mai Tư bức xúc. 

Không tán thành cả hai ý kiến trên, Giáo sư Lê Hồng Lý- Viện trưởng Viện nghiên cứu văn hóa dân gian bày tỏ quan điểm, trả lễ hội về cho dân là đúng, nhưng không phải lễ hội nào cũng trả, bởi ở thời điểm hiện tại lễ hội không còn là của riêng làng. Vì thế, phần tín ngưỡng nghi lễ thì trả cho dân, nhà nước nên tham gia vào quản lý, tổ chức, giữ gìn ANTT và VSMT. Giáo sư Lê Hồng Lý đề xuất, cần xây dựng một cơ chế quản lý cụ thể, bên cạnh đó tìm ra mô hình hợp lý, áp dụng có chọn lọc cho từng địa phương. 

Đền Trần Nam Định: Đưa nhận dạng, tránh ấn giả

“Vui xem hát, nhạt xem bơi, tả tơi xem hội” ảnh 2
Màn cướp ấn kinh hoàng ở đền Trần năm 2012

Theo thông tin từ Ban Quản lý Đền Trần Nam Định, mùa lễ hội 2014 sẽ có nhiều nét mới, nghi lễ truyền thống “rước nước tế cá” sẽ được phục dựng. Năm 2013, 30 vạn bản ấn đã được phát, năm nay, số lượng này sẽ tiếp tục được gia tăng, nhằm phục vụ nhu cầu của người đi lễ hội.  Để tránh hiện tượng “ấn giả” BQL đền Trần một lần nữa khẳng định: Ấn đền Trần chỉ có một loại in thủ công trên giấy, màu vàng. Vì in thủ công nên ấn đền Trần không sắc nét về đường nét, lẫn màu mực như in bằng công nghiệp. Đồng thời, BQL đền Trần cũng có văn bản đề nghị HĐND, UBND tỉnh Nam Định có chế tài xử lý hành vi in nhái ấn đền Trần và hành vi lợi dụng bán ấn kiếm lời. Dự kiến, năm nay đền Trần sẽ tổ chức phát ấn vào 7h sáng rằm tháng Giêng như năm trước với 4 điểm phát ấn, gồm nhiều dãy bàn, để đảm bảo không chen lấn, xô đẩy.