Vực dậy "quả đấm thép"

ANTD.VN - Chính phủ đã có động thái hiếm thấy từ trước đến nay, đó là chủ động đề nghị Kiểm toán Nhà nước vào cuộc quyết liệt kiểm toán tại một số doanh nghiệp Nhà nước (DNNN). Dường như đã đến lúc Chính phủ muốn chấm dứt thời kỳ cưng chiều những “con đẻ” vốn được nuôi dưỡng bằng “bầu sữa” ngân sách cùng với nhiều ưu đãi, ưu ái so với các doanh nghiệp ngoài Nhà nước, nhất là doanh nghiệp tư nhân.

Thực tế, việc kiểm toán các DNNN đã được quy định từ 3 năm trước tại Nghị định 189/CP về chuyển doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước thành công ty cổ phần. Dù vậy, không hiểu sao tiền của nước, của dân vẫn cứ “tự nhiên” chảy đi đâu đó.

Mới đây, khi cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án hình sự cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng tại Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí Việt Nam, thì dư luận mới “giật mình” biết được hàng nghìn tỷ đồng làm ăn thua lỗ.

Trong một công văn mới đây gửi Kiểm toán Nhà nước, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã đề nghị kiểm toán kết quả định giá doanh nghiệp và xử lý các vấn đề tài chính trước khi định giá công ty mẹ của một số Tổng công ty, Tập đoàn kinh tế Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ.

Hơn thế, Chính phủ còn yêu cầu các công ty, đôn đốc doanh nghiệp khẩn trương đăng ký giao dịch và niêm yết trên thị trường chứng khoán. Rõ ràng Chính phủ đã thể hiện một động thái cứng rắn chưa từng có để vực dậy khu vực DNNN vốn được coi là những “quả đấm thép”, nhưng không những làm ăn thua lỗ mà còn để lại hậu quả xấu cho nền kinh tế.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã khẳng định: “Kiên quyết chống tiêu cực, lợi ích nhóm”. Việc Thủ tướng yêu cầu các DNNN phải niêm yết trên sàn chứng khoán trước khi bán vốn Nhà nước, được giới chuyên gia nhận xét là “điểm đúng huyệt”, bởi nhiều DNNN đã cổ phần hóa vẫn cố tình lờ việc niêm yết vì lợi ích riêng.

Họ nói là minh bạch, nhưng thông tin công bố rất mù mờ, tùy tiện, không đủ để Nhà nước và xã hội giám sát. Thực trạng lâu nay nhiều DNNN cổ phần hóa chỉ mang tính chất khép kín, thậm chí “hôn nhân cùng huyết thống”, doanh nghiệp này mua cổ phần của doanh nghiệp kia, biểu hiện lợi ích nhóm rất rõ.

Quyết tâm, quyết liệt với những giải pháp đúng và trúng để “trị bệnh” DNNN được cộng đồng doanh nghiệp cả nước hoan nghênh và chờ đợi. Dư luận xã hội nhắc lại câu nói rất hợp với thực trạng DNNN hiện nay: “Chiều quá hóa hư”. Chính phủ mạnh tay chấm dứt tình trạng cưng chiều “con đẻ” của mình,  chính là các Tập đoàn kinh tế, Tổng công ty Nhà nước.