Vừa tệ lại vừa bạc

ANTĐ - Thú thực, đã hai thứ tóc trên đầu mà nhiều chuyện không biết dạy dỗ, khuyên bảo con cháu nên ứng xử như thế nào cho phải đạo làm người.

- Đời sống vật chất lên cao dần, nhu cầu, đòi hỏi càng tăng vọt, mà đạo lý, đạo đức không “leo” theo kịp, đương nhiên chuyện giáo dục, giáo huấn càng khó hơn. Ông bí, tôi bí, chúng ta cùng bí cả.

- Ví như chuyện tiền bạc. Thỉnh thoảng lại xảy ra vài vụ án mạng kinh hoàng của trẻ vị thành niên chỉ vì thiếu vài trăm nghìn đồng chơi game, thậm chí vì vài chục nghìn. Thế nên không biết có nên cho trẻ con cầm tiền, tiêu tiền sớm hay không?

- Ông nên ghi tên “dự thính” lớp học dạy kỹ năng sống cho trẻ đang mọc lên như nấm sau mưa, để xem họ dạy cách “chạm” vào tiền tệ, tiền bạc như thế nào.

- Thôi xin vái ông, tiền mất chả biết có mang được gì về không. Làm sao dạy cho trẻ con hiểu được đồng tiền nào cũng có hai mặt. Đồng tiền lương thiện thấm mồ hôi, nước mắt kiếm được từ những bàn tay lao động chai sần, lấm láp. Đồng tiền bất chính, bất lương, lừa đảo, tiền bẩn, gian lận, vơ vét…

- Dạy cho người lớn còn khó huống chi dạy cho trẻ con chỉ biết tiêu tiền, vòi tiền, phá tiền chứ làm sao đã hiểu được giá trị của đồng tiền.

- Ấy thế mà nghe nói ở Đà Nẵng, chính quyền đã sử dụng đồng tiền “dưỡng liêm” để làm trong sạch xã hội, trong sạch công chức. Thưởng 200 nghìn cho ai phát hiện người lang thang, ăn xin; thưởng 1 triệu cho ai phát hiện đổ trộm phế thải, nhưng mức phạt lên tới 10 triệu đồng. Mới đây còn hỗ trợ 5 triệu đồng/tháng cho CSGT làm nhiệm vụ tuần tra kiểm soát. Rồi thưởng gấp 5 lần lương cho bác sỹ vừa có y đức, vừa có tài.

- Dùng tiền làm đòn bẩy liệu có bị cho là “phạm luật”, là “vị tiền” không?

- Xưa nay thường gán cho đồng tiền vừa tệ lại vừa bạc. Nếu dùng đồng tiền để giúp con người vượt qua cám dỗ, không bị sa ngã vì phong bì, đút lót, giữ trong sạch, thì đồng tiền ấy đáng giá, đáng nâng niu trân trọng lắm chứ.