Vừa quản lý vừa tuyên truyền

ANTĐ - Trước thực trạng học sinh, sinh viên điều khiển xe đạp điện vi phạm giao thông tràn lan, anh Đoàn Công Vĩnh (Tam Trinh, Hoàng Mai) bày tỏ sự lo ngại.

- Anh thấy tốc độ phát triển của loại xe này như thế nào?

- Tốc độ phát triển của loại phương tiện này quá nhanh so với các phương tiện khác. Vài năm trước đây, lượng người sử dụng loại xe này còn ít, phần đông là người già, di chuyển cự ly gần.

- Giờ thì phần đông là học sinh!

- Trên đường phố dễ dàng nhận thấy, rất nhiều học sinh bậc THCS, THPT sử dụng loại xe này, không chỉ không đội mũ bảo hiểm, đi vào đường cấm, các em còn đèo 2-3, đi hàng đôi, hàng ba, cũng đánh võng, lạng lách.

- Xe cũng đa dạng mẫu mã!

- Nhiều kiểu dáng, mẫu mã, nhưng không biết có đảm bảo an toàn, đạt chuẩn hay không vì nhiều xe tôi thấy như xe đồ chơi của trẻ em, chạy băng băng trên phố.

- Tốc độ của xe cũng cao!

- Nhiều loại xe, tốc độ lên tới 40km/h, chẳng khác nào tốc độ xe máy. Mà các em học sinh chạy xe thì ẩu, không quan tâm đến luật lệ giao thông, rẽ trái, rẽ phải, sang đường không có tín hiệu, gây nguy hiểm cho cả phương tiện khác.

- Xử phạt các đối tượng này cũng khó!

- Học sinh thì chưa có thu nhập, chưa làm ra kinh tế, vẫn đang phụ thuộc vào gia đình, nên xử phạt các em thì lại đánh vào kinh tế gia đình. Khi bắt lỗi để xử phạt thì các em lại không có tiền nộp phạt, gây khó cho lực lượng  chức năng.

- Chủ yếu vẫn là tuyên truyền, từ gia đình, nhà trường và xã hội!

- Không phủ nhận tính tiện lợi của loại xe này, lại phù hợp với các em học sinh nhưng nếu để các em tùy tiện, điều khiển xe thiếu ý thức như hiện nay thì cũng trở thành mối lo cho xã hội. Ngoài việc quản lý loại xe này từ phía cơ quan chức năng thì nhà trường, gia đình cũng phải tuyên truyền, khuyên bảo các em, thay đổi hành vi mới là mấu chốt.