Vừa mở rộng quốc lộ 1, sao vẫn cần xây cao tốc Bắc - Nam?

ANTD.VN - Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Nhật cho biết, giai đoạn 2016 - 2020, nguồn vốn Chính phủ phân bổ cho Bộ GT-VT khoảng 75.000 tỷ đồng, trong đó, sẽ dùng 55.000 tỷ đồng cho đường cao tốc Bắc - Nam.

Nhiều ý kiến phản biện do vừa mở rộng quốc lộ 1

Thông tin tại buổi tọa đàm trực tuyến “Xây dựng cao tốc Bắc - Nam nhánh Đông từ chủ trương, chính sách đến hiện thực” do Báo Giao thông tổ chức sáng nay (1-11), đại diện Báo Giao thông cho biết, việc Chính phủ trình Quốc hội chủ trương đầu tư một số đoạn tuyến cao tốc Bắc - Nam nhánh phía Đông giai đoạn 2017-2020 đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của dư luận.

Chủ trương này nhận được nhiều ý kiến ủng hộ nhưng cũng có không ít ý kiến phản biện, đặc biệt trong bối cảnh toàn bộ tuyến quốc lộ 1 vừa được nâng cấp mở rộng, tốc độ lưu thông được cải thiện đáng kể.

“Tuy nhiên, có thể thấy có nhiều ý kiến phản biện mang nặng cảm tính cũng như đang bị ảnh hưởng bởi tâm lý kỳ thị BOT và trạm thu phí đang trở thành một trào lưu trên mạng xã hội. Chính vì vậy rất cần những thông tin chính xác và ý kiến đóng góp, phản biện mang tính xây dựng cho dự án”, đại diện Báo Giao thông chia sẻ.

Nhiều đoạn ô tô chỉ được chạy 40-50km/h

Chia sẻ về tính cấp thiết của dự án cao tốc Bắc - Nam, Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Nhật cho biết: “Trên cơ sở quy hoạch mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, chúng ta có 6.114km đường cao tốc. Trong quy hoạch cũng ghi rõ, dự kiến đến năm 2020, phấn đấu có 2.000 - 2.500 km đường cao tốc”.

Những năm vừa qua và đã hoàn thành được 746km/6.114km, con số này so với quy hoạch và nhu cầu thực tế còn rất hạn chế. Vì vậy, để bảo đảm cơ sở hạ tầng giao thông đi trước một bước, Bộ GT-VT đã nghiên cứu và tiếp tục phát triển cơ sở hạ tầng giao thông nói chung, trong đó có 5 lĩnh vực chứ không chỉ riêng đường bộ.

Thứ trưởng Bộ GT-VT khẳng định, Bộ đã nghiên cứu xây dựng tuyến cao tốc này từ năm 1997 - 1998. Đến năm 2016, Bộ GT-VT đã rà soát lại tổng thể và phân kỳ theo Nghị quyết 13, làm những đoạn cấp bách trước. Một số đoạn nếu không đầu tư, đến năm 2020 sẽ tắc nghẽn.

“Quốc lộ 1 dù mới được nâng cấp, mở rộng nhưng xe đi qua các đô thị chỉ chạy được 40 - 50km. Gần một nửa đường quốc lộ xuyên Bắc - Nam hiện nay chỉ chạy được tốc độ này. Giao thông trên quốc lộ 1 hiện là giao thông hỗn hợp, có 30-40% số người chết do tai nạn giao thông trên quốc lộ 1 trong tổng số gần 9.000 người chết do tai nạn giao thông mỗi năm”, Thứ trưởng Nguyễn Nhật cho hay.

Mặt khác, chi phí logistics của Việt Nam vẫn rất cao do giao thông chưa thực sự thuận lợi. Điều này khiến hàng hoá của Việt Nam bị đội giá cao, kém cạnh tranh. “Nếu đầu tư được hệ thống cao tốc theo đúng quy hoạch, những bất cập này sẽ được giải quyết”, đại diện Bộ GT-VT đánh giá.

55.000 tỷ đồng xây các đoạn cấp bách dài 654km

Thứ trưởng Bộ GT-VT Nguyễn Nhật cho biết, căn cứ nhu cầu vận tải và quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt, để đảm bảo hiệu quả đầu tư, khả năng cân đối nguồn lực, Chính phủ dự kiến lộ trình đầu tư dự án theo 3 giai đoạn.

Trong đó, giai đoạn 2016 - 2020, Chính phủ phân cho Bộ GT-VT 75.000 tỷ đồng, trong đó 5.000 tỷ đồng dành cho sân bay Long Thành; 55.000 tỷ cho đường cao tốc Bắc – Nam và 15.000 tỷ đồng còn lại sử dụng cho các dự án bị đình, giãn, hoãn theo Nghị quyết của Quốc hội.

Trong số 55.000 tỷ đồng làm đoạn cấp bách trước, cụ thể là 654 km, sẽ đầu tư các đoạn Cao Bồ (Nam Định) - Bãi Vọt (Hà Tĩnh), Cam Lộ (Quảng Trị) - La Sơn (Thừa Thiên-Huế), Nha Trang (Khánh Hòa) - Dầu Giây (Đồng Nai) và cầu Mỹ Thuận 2.

Giai đoạn 2021 - 2025: Đầu tư và đưa vào khai thác các đoạn Bãi Vọt - Cam Lộ, Quảng Ngãi - Nha Trang và mở rộng đoạn La Sơn - Túy Loan lên thành quy mô 4 làn xe. Giai đoạn sau 2025, đầu tư và đưa vào khai thác đoạn Cần Thơ - TP Cà Mau.