“Vua” lan ở Mộc Châu

ANTĐ - Yêu và mê hoa và tình yêu hoa phong lan với thú chơi kỳ công đầy kiên nhẫn đã giúp anh trở thành “vua” phong lan Tây Bắc.

Anh Tuấn chăm sóc chậu Hài hương lan

Nghiệp với “nghề hứng hoa”

Anh là Nguyễn Thanh Tuấn, sinh năm 1962 ở Bản Áng xã Đông Sang (Mộc Châu – Sơn La). Dáng người cao gần 1,9m, nặng trên 100kg. Người khác nghĩ anh hợp với những việc xốc vác nặng nhọc, nhưng không ngờ, anh làm “nghề hứng hoa” chỉ vì suýt là đạo diễn.

Chuyện là hồi nhỏ anh được học hành tử tế nên thi đậu và học khóa 7 trường Sân khấu Điện ảnh. Ước mơ của anh là một diễn viên nổi tiếng và một nhà báo giỏi. Thế nên, khi ra trường, vừa tham gia làm phim, anh vừa đi viết báo. Lăn lộn bao nhiêu năm để học nghề, khi chuẩn bị làm đạo diễn, anh bất ngờ chạy một mạch về cao nguyên Mộc Châu.

Ngày ngày, anh lên rừng chơi lan. Rồi Tuấn thuê một mảnh đất cỡ vài hecta giữa thung lũng chỉ để treo lan. Anh bỏ nhà ra thung lũng sống cùng lan rừng. Tuấn bảo: “Sống với lan như được ngồi thiền, thư thái thảnh thơi lắm, đã vào nghiệp chơi lan thì không bỏ không dứt được đâu”.

Và quả thật, từ đó đến nay ở Mộc Châu, chưa ai thấy anh bước chân ra khỏi vườn lan một giây phút nào. Thế nên Tuấn tự nhận mình là “tù nhân của lan”, còn người dân cao nguyên xứ Mộc lại gọi anh là “vua” lan Tây Bắc.

Suýt chết vì lan

Thăm vườn lan của Tuấn rộng trên 2 hecta bạt ngàn những lan, nào là lan đuôi chồn đuôi cáo, hoàng thảo, cẩm báo, kiều, tam bảo sắc… và nhiều loại không gọi thành tên treo giữa vườn, rạp dưới đất, lủng lẳng trên cây. Tôi hỏi Tuấn tổng cộng có bao nhiêu loài lan và bao nhiêu chậu lan trong vườn? Anh bảo: “Không biết, không đếm được, chỉ biết ngày nào cũng phải đem về vườn một loài lan quý”.

Anh Tuấn cho hay, trước đây để có được lan quý, anh phải lặn lội khắp các cánh rừng già không chỉ vùng Sơn La mà cả Tây Bắc, Đông Bắc. Thậm chí, men theo các cánh rừng, vượt suối băng vào tận miền Trung rồi ven rừng Trường Sơn tìm lan, đến Đà Lạt và anh ngỡ ngàng bởi vẻ đẹp, quy mô của những vườn lan nơi này.

Thế là anh về lại Mộc Châu, nhờ bạn bè tìm lan quý ở nước ngoài như Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước phương Tây để gửi về Việt Nam. Khi có một loài lan đẹp, Tuấn sẽ ngồi nghĩ ra một cái tên cho hợp, rồi nghiên cứu kỹ lưỡng cách trồng trọt, chăm sóc sao cho lan phát triển sinh sôi. Anh chia sẻ từng nhiều lần suýt chết vì lan. Vào rừng leo núi trèo cây rồi sẩy chân ngã không biết bao nhiêu lần. Anh bảo: “Hình như mình càng đau nhiều thì hoa lan càng nở đẹp, càng rộ và lâu tàn”.

Cũng chính vì đam mê và số lượng lan trong vườn khổng lồ nên dân chơi lan nói riêng và người Sơn La nói chung đều coi vườn lan bạt ngàn sắc hương của Tuấn là địa chỉ để dân chơi hoa lan khắp Việt Nam đến tụ họp, cùng nhau bàn luận, bình phẩm về vẻ đẹp và nâng khiếu chơi hoa lan nên thành “đạo”.

Theo anh Tuấn, kẻ thù lớn nhất của hoa lan là bọ xít

Coi lan như tình nhân

Thú chơi hoa lan của Tuấn thì người dân cao nguyên Mộc Châu ai cũng biết. Lịch của anh khá dày đặc, sáng dậy lúc 5 giờ để ra xem vườn lan. 12 giờ trưa mới rời những giỏ lan để về cơm nước, buổi chiều lại dành trọn cho lan. Cứ thế, ngày nào cũng vậy, thậm chí ban đêm, Tuấn còn ngủ luôn ở vườn để “phục vụ” lan rừng.

Cách chăm sóc lan của Tuấn lại càng cầu kỳ và không giống ai. Ngoài việc tưới nước, bón phân đến cắt tỉa, nhân giống đều phải thật tỉ mỉ. Nước “tắm” cho lan phải là nước suối sạch, nước rửa cho hoa lan phải là sương đêm. Khi cắt tỉa lan, Tuấn bao giờ cũng dùng những vật dụng sạch như ngành y tế để thực hiện công đoạn. Anh bảo: “Làm thế cho lan đảm bảo, tránh nhiễm trùng”. 

Khi lan chẳng may bị bệnh, anh chạy đôn chạy đáo tìm thuốc chữa và “phục dịch” còn hơn mẹ đẻ. Vợ Tuấn bảo: “Bao nhiêu người bảo anh ấy yêu lan ít thôi, anh ấy không chịu nên người ta bảo anh ấy hâm”. Còn Tuấn lại bảo: “Tớ hâm nhưng hâm ra tiền, cậu biết không, mỗi giỏ lan của tớ trung bình có giá 6-7 triệu đồng, có giỏ lan cao cấp ghép gỗ lũa lên tới hơn 30 triệu chứ đâu có ít”.

Vườn dâu tây đầu tiên của Tây Bắc

Anh Tuấn cho biết, vào năm 2010 có hai kỹ sư người Nhật đến Mộc Châu trồng thử nghiệm dâu tây, Tuấn hào phóng cho họ mượn 1.000 m2 đất. Hai người Nhật này trồng thất bại và bỏ đi. Tuấn tiếp nhận vườn dâu tây không ra quả kia để nghiên cứu.

Anh đem về vườn một lượng lớn dâu tây và trồng theo cách của mình, tức là “nâng như nâng trứng”, dùng kỹ thuật cao để chăm sóc, cắt tỉa và tưới tắm bằng nước suối lạnh. Theo Tuấn, dâu tây chỉ sống ở xứ lạnh nên nước càng sạch, càng mát thì càng thôi thúc dâu tây phát triển. 

Vậy là từ giữa năm 2011, dâu tây đã đem lại cho Tuấn niềm vui khi đậu quả. Quả to, đỏ tươi và thơm, vườn dâu tây nhỏ bé bước đầu cho thu nhập mỗi tháng 30 triệu đồng. Tuấn bảo: “Sẽ mở rộng vườn dâu tây để trồng bán xuất khẩu, vì giờ đây, cả miền Bắc chỉ có tớ trồng được loại dâu này”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Mạnh Hùng – Trưởng ban Quản lý Nông nghiệp công nghệ cao Mộc Châu cho biết: “Để trồng lai tạo và phát triển được phong lan và dâu tây ở thảo nguyên Mộc Châu hiện nay không phải đơn giản do sự nóng lên của khí hậu. Anh Tuấn là người đầu tiên trồng được dâu tây nhưng đó mới là bước đầu, cần phải thận trọng từng bước để tránh những rủi ro khi chưa có cấp ngành nào thực nghiệm”.

“Ở Mộc Châu có những điều kiện lý tưởng để trồng phong lan, tuy nhiên hầu hết các hộ trồng lan chỉ biết cách chăm sóc theo lối truyền thống, chưa biết và chưa dám áp dụng khoa học kỹ thuật trong việc trồng trọt, nhân giống nên giá trị kinh tế cũng chỉ ở mức trung bình”.

Ông Nguyễn Hồng Thành - Trạm trưởng Trạm khuyến nông Mộc Châu.