Vừa chèo lại vừa lái

ANTĐ - Tại Hội nghị quốc tế tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước vừa diễn ra ở Hà Nội và Hội thảo đầu tư 2012 ở TP.HCM, vấn đề tái cơ cấu nền kinh tế, đã trở thành điểm “nóng” hơn bao giờ hết. Vấn đề được đặt ra là, tái cơ cấu ở lĩnh vực nào trong doanh nghiệp Nhà nước và tái cơ cấu như thế nào, khi mà quá trình này đang bước vào giai đoạn khó khăn hơn trước. Việc tái cơ cấu nền kinh tế sẽ đem lại nhiều cơ hội như làm sống động thị trường chứng khoán, thu hút nhà đầu tư nước ngoài thông qua hoạt động mua bán, cổ phần hóa doanh nghiệp. Các doanh nghiệp phải thoái vốn đầu tư ngoài ngành và việc cổ phần hóa các tập đoàn, ngân hàng thương mại… được đẩy mạnh, tạo cú huých cho thị trường tài chính…

Theo báo cáo của Ngân hàng Thế giới, mặc dù số lượng doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) đã giảm, song tỷ trọng của khu vực này vẫn tương đối lớn và hoạt động kém hiệu quả, có những tác động tiêu cực tới nền kinh tế. Tỷ lệ sử dụng các nguồn lực so với đầu ra của khu vực DNNN kém hiệu quả so với các khu vực khác. Cứ 1 đồng vốn tại DNNN chỉ tạo ra được 1 đồng doanh thu, trong khi ở các khu vực khác, một đồng vốn tạo ra tới 21 đồng doanh thu. Một chuyên gia kinh tế cấp cao từng ví von, công cuộc tái cấu trúc nền kinh tế chẳng khác gì “thay động cơ máy bay khi đang bay”, vì thế cần phải có quyết tâm chính trị cao, cải cách hệ thống quản lý Nhà nước. Theo ông, Nhà nước không thể vừa kinh doanh, vừa quản lí, vừa sở hữu lại vừa giám sát. Nhà nước cần tổ chức tốt chức năng hoạt động nền kinh tế , “lái thuyền chứ không thể vừa chèo, vừa lái, có khi ham chèo bỏ lái”.

Vị chuyên gia đề xuất một giải pháp kết nối cả ba lĩnh vực tái cấu trúc (ngân hàng, đầu tư công và DNNN), đó là tái cấu trúc bộ máy Nhà nước. Trong lĩnh vực tái cơ cấu ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đã công khai minh bạch, chia nhóm ngân hàng nào được tăng trưởng tín dụng, ngân hàng nào không được tăng trưởng tín dụng, nhất là nhóm ngân hàng yếu kém không được tăng trưởng tín dụng thì chắc chắn không có lãi hoặc có lãi rất hạn chế. Vì thế nhu cầu huy động vốn sẽ giảm, sẽ hạn chế cuộc chạy đua lãi suất. Đây là biện pháp tạo nên sức ép buộc các ngân hàng phải tái cơ cấu và sáp nhập. Thách thức và khó khăn lớn nhất trong tiến trình tái cơ cấu nền kinh tế là khu vực DNNN. Nếu không tính số doanh nghiệp đã cổ phần với tỉ lệ trên 51%, số DNNN hiện chỉ chiếm 1% tổng số doanh nghiệp cả nước, nhưng lại chiếm tới 39% tổng nguồn vốn và 45% tài sản cố định.

Theo Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, cái khó nhất trong việc cơ cấu lại khu vực DNNN hiện nay là quá trình này đã chuyển sang một giai đoạn khó khăn hơn và phức tạp hơn. Việc cổ phần hoá các DNNN hiện trở nên không dễ dàng. Theo vị giám đốc này, Nhà nước cần phải cho phép các hoạt động cạnh tranh để doanh nghiệp làm ăn hiệu quả hơn. Bởi vì ở nhiều nước trên thế giới người ta thường tỏ ra quan ngại đối với việc nâng thuế, phí ở những nhóm hàng thiết yếu. Việc bao cấp cho một số nhóm hàng này là không cần thiết và không khả thi. Vấn đề là Nhà nước phải tạo điều kiện cho môi trường cạnh tranh thực sự của nền kinh tế thị trường, thúc đẩy các DNNN hoạt động hiệu quả hơn. Việc tái cơ cấu DNNN phải tính toán  “tái” ở lĩnh vực nào, doanh nghiệp nào, toàn bộ hay chỉ một vài bộ phận nào đó. Phó Ban Chỉ đạo đổi mới và Phát triển doanh nghiệp cho rằng, mặc dù khá cởi mở ở những lĩnh vực khá nhạy cảm, song đầu tư nước ngoài và tư nhân chưa thực sự mặn mà.

Tựu trung lại, tái cơ cấu DNNN là phải tách sở hữu, phần nào giao cho doanh nghiệp tư nhân quản lí, phần nào Nhà nước giữ độc quyền. Nói cách khác là Nhà nước không thể vừa kinh doanh, vừa quản lý; vừa chèo lại vừa lái thuyền.