Vừa chặt, vừa lỏng

(ANTĐ) - Trong một văn bản đánh giá sơ bộ về việc thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư nhận định rằng, việc kiểm soát chặt chẽ tiền tệ bước đầu đã mang lại những kết quả tích cực. Diễn biến trên thị trường tiền tệ gần đây cho thấy chính sách của Ngân hàng Nhà nước bắt đầu có tác dụng tích cực. Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới cũng cho rằng, lần đầu tiên trong 27 tháng qua, tỷ giá hối đoái chính thức và thị trường tự do có chênh lệch ít. Rõ ràng đây là thay đổi đáng kể.

Phải thừa nhận là, ngay sau khi có Nghị quyết 11, Ngân hàng Nhà nước đã gấp rút họp bàn với các nhà hoạch định chính sách, từ đó đã ban hành Chỉ thị số 01. Đây chính là hành lang pháp lý đặt ra cho hệ thống ngân hàng thương mại trong năm 2011, theo hướng thắt chặt đến mức “siết chặt” mạnh nhất trong mười năm gần đây. Tinh thần “siết chặt” này đã được kéo căng suốt từ tháng 3 tới nay, cụ thể là ban hành hàng loạt các văn bản có tính pháp lệnh như kiểm soát ngoại tệ, kiểm soát tín dụng, quản lý vàng trên thị trường.

Theo dõi sát sao chính sách tiền tệ, các chuyên gia kinh tế đều thừa nhận, Ngân hàng Nhà nước đã thực sự “chèo lái” chính sách tiền tệ mở rộng liên tục, khiến cho tăng trưởng tín dụng lên tới trung bình hơn 30% trong vòng gần 10 năm nay. Thế nhưng, theo nhận định của Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, chính sách tiền tệ thắt chặt lại có mặt trái là đã làm cho lãi suất hiện tại đang ở mức “cao nhất trong vài chục năm nay”. Một nguồn tin trích dẫn số liệu của Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho biết, lãi suất huy động tăng 17-19% cho các kỳ hạn, cá biệt lên đến 20%. Lãi suất cho vay vào khoảng 20-25%, cá biệt lên tới 27%. Lãi suất cao ngất, chi phí vốn tăng cao, đương nhiên giới doanh nghiệp lao đao, không biết xoay xở ra sao.

Chống lạm phát, không có cách nào khác là phải thực hiện chính sách tiền tệ thắt chặt, nhưng đồng thời dứt khoát phải cùng tiến hành chính sách tài khóa thắt chặt. Không thể thắt chặt tiền tệ quá chặt, trong khi chính sách tài khóa thiếu chặt chẽ, nếu không muốn nói là khá lỏng. Mặc dù Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch - Đầu tư liên tục đưa ra tuyên bố “chính sách tài khóa đang khá chặt chẽ”, thể hiện trong các con số cắt giảm hai khoản chi lớn nhất là chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển. Tuy nhiên, chính những con số lại “biết nói” nhiều hơn hành động.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch - Đầu tư gửi Chính phủ, tiền cắt giảm chi thường xuyên là 3.857,7 tỷ đồng gồm cả các cơ quan Trung ương và địa phương. Nếu so với tổng chi thường xuyên trong năm 2011 là 442.100 tỷ đồng, theo yêu cầu của Nghị quyết 11 phải cắt giảm 10% chi thường xuyên của những tháng còn lại, thì rõ ràng con số cắt giảm chỉ là một góc nhỏ của chiếc bánh. Còn về vốn đầu tư từ ngân sách thì sao? Theo Tổng cục Thống kê, trong 5 tháng đầu năm nay, nguồn vốn này ước đạt khoảng 73.400 tỷ đồng, tăng 14,8% so với cùng kỳ. Con số này cũng “biết nói” rằng, trong khi chính sách tài khóa được tuyên bố “thắt chặt” nhưng đầu tư công vẫn tăng trong 3 tháng thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ. Đến mức Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng phải nói: “Áp lực tăng chi vẫn còn rất lớn, nhu cầu đòi hỏi cao cả về chi thường xuyên và chi đầu tư”. Bản thân cộng đồng doanh nghiệp cũng đã lên tiếng kêu ca về tình trạng lãi suất tăng cao buộc họ phải đình hoãn các dự án mở rộng sản xuất, hoặc chỉ hoạt động cầm chừng, thu hẹp quy mô kinh doanh, thậm chí đóng cửa…

Cho đến nay, chính sách tài khóa vẫn chưa được triển khai đồng thời với chính sách tiền tệ trong việc kiềm chế lạm phát. Một khi chính sách tiền tệ quá chặt, chính sách tài khóa lại quá lỏng, quả thật chẳng khác gì tình cảnh “buộc bụng” mà không “buộc mồm”.