Vụ xây nhà vệ sinh 29m2 hết 600 triệu đồng: Phải làm rõ dấu hiệu tham nhũng

ANTĐ - Nói về công trình nhà vệ sinh có diện tích 29m2 nhưng chi phí đầu tư gần 600 triệu đồng tại Quảng Ngãi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục ,Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, ông Trịnh Ngọc Thạch cho rằng, đây không còn là chuyện lãng phí mà là tiêu cực, tham nhũng. 

- Báo chí vừa phát hiện nhà vệ sinh “giá cao” trị giá 600 triệu đồng ở Quảng Ngãi, đây là ví dụ rõ nét nhất cho sự lãng phí trong đầu tư công?

- Tôi xin kể chuyện trước đây ở Thái Bình, các cụ về hưu  đấu tranh với tham nhũng ở xã đã đập cả chục chiếc cống dùng tiền ngân sách xây dựng rồi xây lại chất lượng thậm chí còn tốt hơn nhưng giá thành chỉ bằng một phần mấy. Chuyện nhà vệ sinh “giá cao” như báo chí phát hiện cũng như nhiều công trình sử dụng vốn ngân sách khác đòi hỏi trung thực là rất khó. 

- Người dân rất bức xúc vì sự “không trung thực” này lớn quá, có thể gấp nhiều lần giá trị thực?

- “Kênh” gấp đôi đã là không thể chấp nhận được, đừng nói là 5-7 lần. Các công trình có vấn đề đều có chuyện “cánh hẩu” từ anh cấp tiền đến anh lập dự toán, anh thi công và nghiệm thu. Ai tham gia đều có tiền. 

- Để xảy ra tình trạng công trình đội giá nhiều lần song nhiều khi chẳng thấy ai phải chịu trách nhiệm?

- Đúng là chủ đầu tư công trình ở Trung ương hay tỉnh, huyện nhưng nơi thụ hưởng là cơ sở (cụ thể là các trường) nên cơ sở thường không dám lên tiếng vì tâm lý “đã được công trình còn kêu gì nữa”. Hơn nữa, nếu có kêu lại sợ lần sau sẽ mất lượt. Trong đợt giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng đối với một số trường phổ thông gần đây, một cô hiệu trưởng cho biết, nhà trường được nhận một chiếc điều hòa cây công suất rất lớn, trị giá 100 triệu đồng, nhưng chẳng thể dùng được vì không có đường điện tương ứng, mà nếu có dùng thì không có tiền trả tiền điện. Hỏi cô hiệu trưởng tại sao lại nhận, thì cô nói họ giao mà không nhận thì mất quyền lợi. Vậy là chiếc điều hòa nằm im một chỗ không chạy cả năm nay vô cùng lãng phí.

- Tình trạng lãng phí diễn ra nhiều năm, nhưng cơ quan có trách nhiệm vẫn vô can, phải chăng pháp luật có lỗ hổng, thưa ông?

- Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí ra đời nhiều năm nhưng vấn đề là không ai giám sát mà cũng chưa xử lý được ai. Nếu có lãng phí xảy ra, thủ trưởng cơ quản lý sử dụng nguồn vốn phải chịu trách nhiệm trước hết. Anh là người thay mặt cơ quan quyết định việc sử dụng ngân sách thì phải quản lý cho hiệu quả nhất, còn khi để xảy ra lãng phí, tiêu cực, thất thoát thì phải chịu trách nhiệm. Dù là tiền ngân sách hay vốn hay vốn tài trợ đều là tiền ngân sách của Nhà nước. 

- Nhưng việc “kênh” giá gấp nhiều lần thì có lẽ không đơn thuần chỉ là vi phạm Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí?

- Đây là dấu hiệu tham nhũng. Họ dùng chức vụ quyền hạn để trục lợi. Nếu chuyện xây nhà vệ sinh chỉ có 29m2 mà đội giá lên tới 600 triệu đồng là có thật thì tỉnh Quảng Ngãi và các cơ quan chức năng phải lập ban công tác đặc biệt để truy đến cùng sự việc và xử lý thật nghiêm. Điều tra có khi không chỉ một nhà vệ sinh mà cả chục cái như vậy, thậm chí ở nhiều tỉnh, thành thì số tiền bị bòn rút không hề nhỏ.