Vụ việc nhỏ nhưng hậu quả lớn

ANTĐ - Mấy ngày này, dư luận có nhiều luồng ý kiến, cảm xúc khác nhau về vụ án “nhân bản” kết quả xét nghiệm vừa được xét xử. Người thì cho rằng hình phạt dành cho các bị cáo là tương xứng với mức độ phạm tội nhưng cũng có người cảm thấy hẫng hụt mất niềm tin từ hành vi của một số cán bộ y tế vô trách nhiệm và lợi dụng chức vụ, quyền hạn.

Rất đông phóng viên tác nghiệp trước khi các bị cáo bước vào vành móng ngựa

Những lời khai… đọng lại

Mở đầu phần thẩm vấn, bị cáo Vương Thị Lan (SN 1988, cựu nhân viên Khoa Xét nghiệm – Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức) trình bày, sau khi đi học truyền máu ít ngày, cô ta được chuyển xuống làm việc tại Khoa Xét nghiệm. Trong thời gian ngắn làm công việc cận lâm sàng, bị cáo thực hiện hơn 200 phiếu xét nghiệm, nhưng không nhớ chính xác đã “nhân bản” bao nhiêu kết quả “rởm”. “Bị cáo biết rõ việc làm của mình là sai trái, song vì là nhân viên nên buộc phải thực hiện lệnh của lãnh đạo” – Vương Thị Lan khai. Nói về mục đích việc làm đó, Lan lúng búng: “Bị cáo được bảo làm thế để tăng thu nhập cho cán bộ, nhân viên bệnh viện. Và tất cả các nhân viên khác trong khoa cũng đều làm như vậy”.

Cũng nằm trong nhóm 7 bị cáo bị truy tố về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, Nguyễn Thị Hồng Nhung (SN 1990, kỹ thuật viên Khoa Xét nghiệm) vắn tắt, cô ta được nhận làm hợp đồng từ tháng 9-2012. Hàng ngày, Nhung phải làm việc theo sự sắp xếp của kỹ thuật viên chính cùng trưởng khoa. Khi lãnh đạo khoa sai bảo hay ai đó đến xin kết quả xét nghiệm để hoàn thiện bệnh án thì sẽ điền tên tuổi bệnh nhân vào phiếu xét nghiệm có sẵn. Cho rằng mình chỉ là nạn nhân, bị cáo quả quyết: “Lãnh đạo bảo sao thì làm vậy”… 

Hồi đáp vị hội thẩm nhân dân về việc “có hay không chuyện lấy kết quả xét nghiệm máu của ông lão “lắp” vào trẻ hơn 2 tuổi?”, bị cáo Vương Thị Kim Thành (SN 1959) – nguyên Trưởng Khoa Xét nghiệm luống cuống thừa nhận “có ạ”. “Vậy, theo bị cáo việc lấy kết quả xét nghiệm của một người cao tuổi áp vào một đứa bé thì có chữa khỏi bệnh không?” – vị hội thẩm tiếp tục hỏi. “Dạ, khi chữa bệnh, các bác sỹ còn căn cứ vào nhiều tiêu chí khác ạ. Vả lại, cháu bé đó chỉ đến khám về hô hấp thôi”. “Đề nghị bị cáo trả lời thẳng câu hỏi, việc dùng kết quả xét nghiệm như vậy có khỏi bệnh được không?” – thành viên HĐXX gắt. Đến lúc đó, bị cáo mới chịu lí nhí: “Dạ không ạ”.

Với trọng trách quản lý Khoa Xét nghiệm, Nguyễn Thị Nhiên (SN 1959) – nguyên Phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức bị truy tố về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Bà ta  thanh minh rằng từng phát hiện quy trình xét nghiệm không đúng, vì theo quy định phiếu trả kết quả xét nghiệm phải có chữ ký xác nhận của trưởng khoa. Tuy nhiên, khi bà ta vặn hỏi các nhân viên là vì sao hàng loạt kết quả xét nghiệm lại không có chữ ký của chị Thành thì nhận được câu trả lời là “từ trước đến nay vẫn làm vậy”.

Hình phạt cụ thể

Nguyễn Trí Liêm – nguyên Giám đốc bệnh viện bị phạt cảnh cáo; Nguyễn Thị Nhiên – nguyên Phó giám đốc bị phạt 10 tháng cải tạo không giam giữ. Cả hai cùng về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”. Vương Thị Kim Thành – cựu Trưởng Khoa Xét nghiệm bị phạt 12 tháng tù giam; Nguyễn Thị Ngà, Nguyễn Thị Thu Trang, Nguyễn Thị Hồng Nhung, Nguyễn Sơn Đông cùng bị phạt 6 tháng tù; Nguyễn Thị Xuyên, Vương Thị Lan cùng bị phạt 8 tháng tù, nhưng đều được hưởng án treo và cùng về tội “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Không nhiều tranh cãi

Mặc dù vụ án có tới 9 bị cáo và bị truy tố ở 2 tội danh, song chỉ có 2 vị luật sư được mời tham gia phiên tòa. Trong phần tranh luận của mình, luật sư Lê Huy Thiệp – Văn phòng Luật sư Toàn Cầu (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) bào chữa cho bị cáo Nguyễn Trí Liêm (nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức) cho rằng, cáo trạng truy tố thân chủ ông về tội “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” là không thỏa mãn các dấu hiệu cấu thành tội phạm. Cụ thể là không thỏa mãn yếu tố chủ thể của tội phạm. 

Luật sư này viện dẫn: Quy chế khám chữa bệnh của Bộ Y tế đã quy định rõ trách nhiệm từng vị trí, chức danh trong bệnh viện. Theo đó, trách nhiệm quản lý, thực hiện công tác xét nghiệm, ký các giấy tờ liên quan đến xét nghiệm đều thuộc về Trưởng Khoa Xét nghiệm. Và đây cũng thuộc phạm vi chuyên môn của những cá nhân và Khoa Xét nghiệm. Ở trách nhiệm quản lý về mặt hành chính công vụ thì Ban giám đốc bệnh viện đã phân công cho bà Nhiên khi đó là Phó giám đốc bệnh viện phụ trách Khoa Xét nghiệm. Theo luật sư Thiệp, Nguyễn Trí Liêm vô can trong trường hợp này. Bởi hành vi của bị cáo Thành cùng đồng phạm không có yếu tố “nhân - quả” với chức năng, nhiệm vụ của giám đốc bệnh viện và không thể lấy sai phạm của người này làm căn cứ để buộc tội và định tội cho người khác. 

Bào chữa cho bị cáo Vương Thị Kim Thành, luật sư Bùi Ngọc Chất lập luận, nếu đem số tiền bị thiệt hại chia đều cho các nhân viên của bệnh viện thì trung bình mỗi người chỉ nhận được 60.000 đồng/tháng. Luật sư cho rằng, thiệt hại là quá nhỏ, do vậy áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ là “vừa phải” với thân chủ của ông. Trước đó, cựu Trưởng Khoa nghiệm bị VKSND TP Hà Nội đề nghị tòa án tuyên phạt từ 15 tháng đến 18 tháng tù giam.

Bác lại quan điểm của các luật sư, nữ kiểm sát viên khẳng định, dù số tiền thiệt hại không lớn, cũng như chưa xác định được bệnh nhân nào “có vấn đề” về sức khỏe, nhưng hành vi của Vương Thị Kim Thành cùng đồng phạm đã xâm hại nghiêm trọng uy tín, đạo đức nghề nghiệp của ngành y, làm giảm lòng tin của nhân dân đối với các y bác sỹ, do vậy cần xử lý nghiêm minh. Ngoài ra, đại diện VKS còn bác quan điểm của luật sư bào chữa cho bị cáo Thành khi cho rằng thân chủ ông đáng được hưởng thêm tình tiết giảm nhẹ hình phạt được quy định tại điểm h, khoản 1, Điều 46-BLHS là “phạm tội lần đầu”. Bởi theo trích dẫn luật của kiểm sát viên, tình tiết “phạm tội lần đầu” chỉ được áp dụng là tình tiết giảm nhẹ nếu bị cáo chỉ bị truy tố ở loại tội ít nghiêm trọng. Trong khi đó, bị cáo Thành cùng đồng phạm bị cáo buộc vào loại tội phạm nghiêm trọng.   

Vụ việc nhỏ nhưng hậu quả lớn ảnh 2

Trước sự quanh co của bị cáo Vương Thị Kim Thành, thẩm phán - chủ tọa phiên tòa Nguyễn Bích Ngân buộc phải giảng giải, phân tích: “Bị cáo nói không chỉ đạo trực tiếp, nhưng với vị trí Trưởng Khoa Xét nghiệm thì bị cáo có thể chỉ đạo bằng văn bản, lời nói hoặc hành động. Bản thân bị cáo đã trực tiếp in ra hàng chục kết quả xét nghiệm khống thì bảo sao nhân viên dưới quyền không làm vậy? Chừng mực nào đó, việc làm của bị cáo cũng là một cách chỉ đạo”.