Vụ việc chiếm đoạt xe ô tô Range Rover đỗ trên phố: Phạm tội trộm cắp hay cướp tài sản?

ANTD.VN - Khoảng 22h20 ngày 28-4, anh B., ở quận Thanh Xuân, TP Hà Nội đỗ chiếc xe ô tô nhãn hiệu Range Rover trị giá khoảng 8 tỷ đồng trên phố Tây Sơn, quận Đống Đa, TP Hà Nội. 

Nội dung vụ việc

Vừa vào hiệu thuốc, chủ xe phát hiện có người lạ bước lên cabin đang nổ máy lái ôtô bỏ chạy nên đã tri hô. Trước sự việc trên, người dân đã nhanh chóng giúp chủ xe bám đuổi theo chiếc ô tô. Đối tượng cầm lái điên cuồng bỏ chạy qua nhiều tuyến phố, sau chừng 7km thì chiếc xe ô tô đâm liên tiếp 4 chiếc xe máy rồi dừng lại. Đối tượng cầm lái dừng xe, mở cửa định tẩu thoát thì bị người dân giữ lại. Tại cơ quan công an, đối tượng khai là Nguyễn Duy Linh (33 tuổi, trú ở TP Yên Bái).

Nguyễn Duy Linh khai tối 28-4, phát hiện chiếc xe ô tô Range Rover màu trắng, gắn biển số đẹp đi ra từ khu đô thị trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân nên nảy sinh ý đồ ăn cắp để có tiền trả nợ. Sau khi thuê “xe ôm” đeo bám đến phố Tây Sơn, thấy chủ xe rời khỏi cabin nhưng vẫn cắm chìa khóa điện đã lẻn vào khởi động rồi lái xe chạy đi. Quá trình khám nghiệm hiện trường, cơ quan công an xác định Nguyễn Duy Linh lái ô tô gây ra 3 vụ tai nạn liên hoàn khiến 2 phụ nữ và 1 cháu nhỏ bị thương, 6 xe máy hư hỏng.  

Vấn đề đặt ra là trong vụ việc này Nguyễn Duy Linh phạm tội trộm cắp tài sản hay cướp tài sản?

Ý kiến bạn đọc 

Tội trộm cắp tài sản

Trong vụ việc này, tôi cho rằng Nguyễn Duy Linh đã phạm tội trộm cắp tài sản theo Điều 138, Bộ luật Hình sự. Theo quy định của pháp luật hành vi chiếm đoạt của tội trộm cắp tài sản có 2 dấu hiệu cơ bản đó là dấu hiệu lén lút và dấu hiệu đang có chủ. Lén lút được hiểu là hành vi có ý thức che giấu hành vi chiếm đoạt tài sản đối với chủ tài sản. Xét hành vi của đối tượng Nguyễn Duy Linh khi thấy chủ sở hữu dừng xe để xuống mua thuốc đã lợi dụng sơ hở để chiếm đoạt ô tô rồi bỏ chạy đã đủ cơ sở để cấu thành tội trộm cắp tài sản.

Hành vi này của Nguyễn Duy Linh không thể là dấu hiệu của cướp tài sản theo Điều 133, Bộ luật Hình sự. Bởi theo quy định của pháp luật cướp tài sản là dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc hoặc có hành vi khác làm cho người bị tấn công lâm vào tình trạng không thể chống cự được nhằm chiếm đoạt tài sản. Trong trường hợp của vụ việc này Nguyễn Duy Linh chỉ thực hiện hành vi lén lút mà không hề có việc dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực đối với anh B. để cướp xe.

Việc Nguyễn Duy Linh phóng xe bỏ chạy và gây tai nạn sau khi bị truy đuổi là tình tiết tăng nặng thuộc điểm đ, khoản 2, Điều 138, Bộ luật Hình sự. Theo đó, việc bỏ chạy và gây ra 3 vụ tai nạn liên hoàn là hành vi dùng vũ lực đối với người đuổi bắt để những người này không dám đuổi bắt hoặc không thể bắt giữ được nhằm tẩu thoát. Do đó Nguyễn Duy Linh chỉ phạm tội trộm cắp tài sản.

Nguyễn Hải Phong (Bố Trạch - Quảng Bình)

Phạm tội cướp tài sản

Trong trường hợp của vụ việc này, mặc dù ban đầu khi Nguyễn Duy Linh có hành vi lén lút đột nhập vào cabin chiếc xe của anh B. nhằm lấy tài sản đã thỏa mãn việc cấu thành tội trộm cắp tài sản. Tuy nhiên, sau khi bị anh B. phát hiện, Nguyễn Duy Linh đã phóng xe bỏ trốn bất chấp sự truy đuổi của anh B. và người dân. Đây chính là hành vi quyết định, khiến tội phạm mà Nguyễn Duy Linh thực hiện bị chuyển biến từ trộm cắp tài sản sang cướp tài sản. Nếu khi Linh bị anh B phát hiện, Linh không lái xe để bỏ chạy thì chỉ phạm tội trộm cắp.

Tuy nhiên với những tình tiết như trên hành vi của Nguyễn Duy Linh đã chuyển hóa cấu thành tội cướp tài sản. Nếu lo đến việc chạy trốn, Linh đã vứt lại tài sản, cố gắng để chạy trốn nhưng trong trường hợp này Linh đã cùng với tài sản là chiếc xe ô tô bỏ chạy đến cùng. Chỉ đến khi đâm phải 4 chiếc xe khiến phương tiện không thể di chuyển được nữa mới dừng lại. Trong quá trình bỏ trốn Linh đã gây ra 3 vụ tai nạn liên hoàn khiến 2 phụ nữ và 1 cháu nhỏ bị thương, 6 xe máy hư hỏng. Hành vi này cấu thành tội phạm của tội cướp tài sản theo Điều 133, Bộ luật Hình sự. 

          Hoàng Tuấn Anh (Kim Môn - Hải Dương)

 Bình luận của luật sư 

Trong những tội phạm xâm phạm quyền sở hữu chúng ta hay gặp phải những vấn đề phức tạp đó là khi người thực hiện tội phạm bị phát hiện và có những hành vi chống trả nhất định đối với người phát hiện và ngăn chặn. Việc phức tạp ở đây là phải xác định được hành vi đó cấu thành tình tiết tăng nặng, cấu thành thêm tội phạm hay chuyển hóa thành tội phạm mới?

Để xác định được rõ điều này cần nhìn nhận được hành vi của người thực hiện tội phạm, mục đích và hậu quả xảy ra. Cụ thể, điều cần làm rõ trong vụ việc này là hành vi của Nguyễn Duy Linh là “hành hung để tẩu thoát”, một tình tiết tăng nặng trong Điều 138, Bộ luật Hình sự (Tội trộm cắp tài sản) hay là tình tiết để chuyển hóa thành tội mới theo Điều 133, Bộ luật Hình sự (Tội cướp tài sản).

Tội cướp giật tài sản và tội trộm cắp tài sản quy định tại các Điều 133, 138, Bộ luật Hình sự. Đối với các tội phạm này, hành vi khách quan ban đầu khác nhau. Người có hành vi cướp giật tài sản là hành vi công khai, không có ý định che giấu, lợi dụng sơ hở của chủ sở hữu tài sản, người pham tội nhanh chóng tiếp cận chủ sở hữu tài sản để chiếm đoạt và lẩn tránh. Đối với tội trộm cắp tài sản thì người phạm tội lén lút chiếm đoạt tài sản.

Do đặc điểm của tội trộm cắp tài sản, nên người phạm tội chỉ có một hành vi khách quan duy nhất là “chiếm đoạt”, nhưng chiếm đoạt bằng hình thức lén lút, với thủ đoạn lợi dụng sơ hở, mất cảnh giác của người quản lý tài sản, không trông giữ cẩn thận hoặc lợi dụng vào hoàn cảnh khách quan khác như: chen lấn, xô đẩy, nhằm tiếp cận tài sản để thực hiện hành vi chiếm đoạt mà người quản lý tài sản không biết để chiếm đoạt tài sản. 

Pháp luật hình sự Việt Nam cho rằng do tính chất lén lút của hành vi, nên khi bị phát hiện và bị giằng lại tài sản, người trộm cắp thường hoảng sợ và sẽ lo thoát thân để chạy trốn. Trong cấu thành tội phạm của tội trộm cắp tài sản cũng có một tình tiết tăng nặng tại điểm đ, khoản 2 là “Hành hung để tẩu thoát”. Tình tiết này đòi hỏi là người phạm tội gây thương tích cho người truy đuổi với mục đích là để tẩu thoát chứ không phải là để giành bằng được tài sản.

Tuy nhiên nếu người phạm tội sau khi đã trộm cắp được tài sản mà bị đuổi bắt hoặc đã bị chủ sở hữu tài sản bị trộm cắp hay người khác bắt giữ nhưng cố tình giữ bằng được tài sản đã trộm cắp bằng cách hành hung người đuổi bắt hoặc người đang bắt giữ thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cướp tài sản. Trong trường hợp này, khoa học luật hình sự gọi là chuyển hóa từ tội trộm cắp sang tội cướp tài sản (hay còn gọi là đầu trộm đuôi cướp).

Trong mục 6, Phần I, Thông tư Liên tịch số 02/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA-BTP có quy định:

“6. Khi áp dụng tình tiết “hành hung để tẩu thoát” (điểm đ, khoản 2, Điều 136; điểm a, khoản 2, Điều 137; điểm đ, khoản 2, Điều 138, Bộ luật Hình sự) cần chú ý:

6.1. Phạm tội thuộc trường hợp “hành hung để tẩu thoát” là trường hợp mà người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản hoặc đã chiếm đoạt được tài sản, nhưng bị phát hiện và bị bắt giữ hoặc bị bao vây bắt giữ thì đã có những hành vi chống trả lại người bắt giữ hoặc người bao vây bắt giữ như đánh, chém, bắn, xô ngã… nhằm tẩu thoát.

6.2. Nếu người phạm tội chưa chiếm đoạt được tài sản hoặc đã chiếm đoạt được tài sản, nhưng đã bị người bị hại hoặc người khác giành lại, mà người phạm tội tiếp tục dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc tấn công người bị hại hoặc người khác nhằm chiếm đoạt cho được tài sản, thì trường hợp này không phải là “hành hung để tẩu thoát” mà đã có đầy đủ các dấu hiệu cấu thành tội cướp tài sản”.

Trong vụ việc này có thể thấy hành vi ban đầu của đối tượng Nguyễn Duy Linh là lợi dụng sơ hở do chủ xe ô tô xuống mua thuốc nên đã lén lút mở cửa xe lên ghế lái và chốt cửa điều khiển xe ô tô bỏ chạy để chiếm đoạt. Hành vi này của Linh đã cấu thành tội trộm cắp tài sản theo Điều 138, Bộ luật Hình sự. Tuy nhiên sau khi chiếm đoạt được xe ô tô và bị chủ phương tiện ngay lập tức phát hiện cùng mọi người dân truy đuổi thì Nguyễn Duy Linh không dừng lại mà bỏ chạy qua nhiều tuyến phố và gây tai nạn tại nhiều điểm.

Hậu quả gây thiệt hại đến sức khỏe và tài sản của người dân đi trên đường. Theo quy định của pháp luật, thì trường hợp này không thể coi là tình tiết “hành hung để tẩu thoát” theo điểm đ, khoản 2, Điều 138, Bộ luật Hình sự được vì trường hợp hành hung để tẩu thoát là người phạm tội đã có hành vi dùng sức mạnh chống trả lại việc bắt giữ để tẩu thoát. Mục đích của việc chống trả là nhằm để tẩu thoát chứ không phải nhằm mục đích giữ bằng được tài sản vừa mới chiếm đoạt được.

Theo tình tiết của vụ việc, sau khi chiếm đoạt được chiếc xe của anh B. trong lúc lái xe, Linh gây 3 vụ tai nạn liên hoàn khiến 2 phụ nữ và 1 cháu nhỏ bị thương, 6 phương tiện hư hỏng. Trong trường hợp này có thể thấy Linh không phải nhằm mục đích tẩu thoát mà trước việc anh B. tìm cách giành lại tài sản, Linh đã có dấu hiệu dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực tấn công người khác nhằm chiếm đoạt cho được tài sản. Như vậy, trong trường hợp này, hành vi trộm cắp ô tô Range Rover của đối tượng Nguyễn Duy Linh đã chuyển hóa sang tội cướp tài sản. 

Luật sư  Đoàn Mạnh Hùng,(Văn phòng Luật sư Hùng Mạnh)