Vụ tờ vé số độc đắc trị giá 1,35 tỷ đồng: Hợp đồng giao dịch có hợp pháp?

ANTĐ - Ngày 21-12-2014, Nguyễn Bùi (70 tuổi), ở P.3, thành phố Vũng Tàu, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có mua một tờ vé số đài Tiền Giang từ người bán vé số dạo. Tới chiều, ông kiểm tra thấy trúng giải độc đắc trị giá 1,35 tỷ đồng.

Ảnh: Internet

Nội dung vụ việc

Sáng 22-12-2014, con dâu của ông Nguyễn Bùi là Nguyễn Thị Mười gọi cho anh Trần Minh Thắng - người làm trong tiệm vàng Kim Bình do ông Lưu Tiến Bình (51 tuổi) để đổi vé trúng. Hai bên thống nhất số tiền hoa hồng trích cho tiệm vàng là 3,5 triệu đồng. Con ông Nguyễn Bùi là Nguyễn Đức Tâm cùng anh Trần Minh Thắng đã ra đại lý vé số Kế Đáo (đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa, thành phố Vũng Tàu) để xem vé số có bị cạo sửa gì không thì được chủ đại lý vé số này cho biết tờ vé số không bị cạo sửa hay tẩy xóa.

Sau đó, tại nhà ông Nguyễn Bùi, Thắng giao đủ số tiền 1,35 tỷ đồng (đã trừ thuế) để ông Nguyễn Bùi đếm lại. Sau đó, Thắng đưa mặt sau tờ vé số để anh Tâm ghi số chứng minh thư của ông Bùi và ông Bùi ký tên vào. Ông Bùi đưa lại một số tiền cho Thắng để mua 5 cây vàng. Thắng cầm tiền và tờ vé số để đi về, sau đó mang sang 5 cây vàng cho ông Bùi như đã thỏa thuận.

Khi Thắng cầm tờ vé số về, ông Lưu Tiến Bình cho người đến Công ty Xổ số kiến thiết tỉnh Tiền Giang để đổi thì được thông báo vé số không trúng bất kỳ giải nào vì bị sai 2 chữ số. Tờ vé trúng là TG 349721 nhưng tờ mà mang đi đổi lại là TG 347921 (tức số 97 thành 79). Phát hiện ra vụ việc, nhân viên tiệm vàng đã báo lại cho ông chủ và Thắng đến nhà của ông Bùi thông báo rằng tờ vé số trên không trúng giải, yêu cầu ông Bùi trả lại tiền nhưng ông Bùi không đồng ý. Ông Lưu Tiến Bình sau đó đã khởi kiện ông Nguyễn Bùi ra tòa để đòi lại tiền.

Vấn đề cần đặt ra ở đây là hợp đồng giao dịch giữa ông Nguyễn Bùi và tiệm vàng Kim Bình có hợp pháp hay không? 

 Bình luận của luật sư 

Ông Lưu Tiến Bình không có quyền đòi lại tiền

Trong vụ việc này, quan hệ giao dịch mua và bán tờ vé số trúng giải đặc biệt đã hoàn thành từ lúc bên bán đã nhận được tiền, bên mua nhận được tờ vé số. Việc mua bán tờ vé số và 5 lượng vàng SJC là tự nguyện, không bên nào ép buộc bên nào, không có ai lừa dối ai. Vé số đã trao, tiền đã nhận, vàng đã mua, tiền đã trả sòng phẳng. Do đó, khi hợp đồng, giao dịch giữa hai bên đã hoàn thành, thiệt hại nếu có sau đó thì bên mua phải chịu, người bán không phải chịu trách nhiệm nếu thiệt hại không do lỗi của bên bán. 

Mặt khác, việc giao kết hợp đồng là công khai, ngay thẳng và thời điểm đó hai bên đều thừa nhận tờ vé số - đối tượng của giao dịch là tờ vé số TG 349721 trúng giải đặc biệt. Ngoài ra, ngay từ đầu tiệm vàng đã kiểm tra kỹ lưỡng và tự nguyện bỏ tiền ra mua tờ vé số độc đắc này để lấy hoa hồng chứ gia đình ông Bùi không ép, lừa gạt họ.

Ông Lưu Tiến Bình không giao dịch với ông Nguyễn Bùi mà tất cả việc giao dịch là do ông Trần Minh Thắng giao dịch với ông Bùi. Vì vậy quan hệ giao dịch chỉ có ông Bùi với ông Thắng. Quyền khởi kiện không phải là của ông Bình và ông Bình không có quyền đòi lại tài sản từ ông Bùi. Căn cứ khoản 1, Điều 439 và khoản 1, Điều 440 của Bộ luật Dân sự năm 2011, khi hợp đồng, giao dịch giữa hai bên đã hoàn thành, thiệt hại nếu có sau đó thì bên mua phải chịu. Người bán không phải chịu trách nhiệm nếu thiệt hại không do lỗi của bên bán. 

Luật sư  Bùi Quốc Tuấn,(Văn phòng Luật sư Quốc Tuấn)

Vụ việc xảy ra 2 trường hợp 

Thứ nhất, nếu đúng tờ vé số mà tiệm vàng đã mua của ông Nguyễn Bùi không trúng thưởng, nhưng do ông Bình và gia đình vô ý nhầm lẫn đó là tờ vé số trúng thưởng, đồng thời trong quá trình thực hiện giao dịch thì tiệm vàng cũng nhầm lẫn rằng tờ vé số đó trúng thưởng thì khi này giao dịch mua bán tờ vé số sẽ vô hiệu theo quy định tại Điều 131, Bộ luật Dân sự.

Lúc này nếu ông Bùi không đồng ý trả lại tiền thì tiệm vàng có quyền yêu cầu tòa án cấp có thẩm quyền tuyên bố giao dịch vô hiệu và buộc ông Bùi phải trả lại số tiền đã nhận theo Điều 131, Bộ luật Dân sự quy định về giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn. 

Thứ hai, trong trường hợp tờ vé số đó không trúng thưởng, ông Bùi và gia đình đều biết điều này nhưng có hành vi cố ý làm cho tiệm vàng hiểu sai rằng tờ vé số đó trúng thưởng thì tiệm vàng có quyền yêu cầu Tòa án cấp có thẩm quyền tuyên bố giao dịch này là vô hiệu và buộc ông Nguyễn Bùi phải trả lại số tiền trên theo quy định tại Điều 132, Bộ luật Dân sự quy định về giao dịch dân sự vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa.

Luật sư  Mạc Kính Thi (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Chưa thể khẳng định tờ vé số tiệm vàng đưa là của ông Bùi

Trong giao dịch mua bán chiếc vé số giữa ông Nguyễn Bùi và tiệm vàng Kim Bình, các bên đã giao kết một hợp đồng dân sự. Do vậy, khi hợp đồng giữa hai bên hoàn thành, thiệt hại nếu có sau đó thì bên mua phải chịu, người bán không phải chịu trách nhiệm nếu thiệt hại không do lỗi của bên bán. Ngoài ra ngay từ đầu, tiệm vàng đã kiểm tra kỹ lưỡng và tự nguyện bỏ tiền ra mua tờ vé số độc đắc này để lấy hoa hồng.

Do đó, nếu cho rằng giao dịch đó vô hiệu do nhầm lẫn theo Điều 131, Bộ luật Dân sự thì chủ tiệm vàng có nghĩa vụ chứng minh việc nhầm lẫn số hiệu của tờ vé số là do lỗi của bên bán.

Trường hợp kết quả trưng cầu giám định tại Phòng Kỹ thuật Hình sự Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xác định chữ ký và dãy số trên tờ vé số 347921 là do ông Bùi và con trai viết là chưa đủ cơ sở để tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu và yêu cầu ông Bùi trả lại tiền vì điều này không thể chứng minh được việc ông Bùi chưa từng sở hữu tờ vé số 349721, cũng chưa chứng minh được tờ vé số đã trao cho tiệm vàng không phải là tờ vé số trúng giải độc đắc. 

Nói cách khác, với kết quả này, chưa thể khẳng định được tờ vé số ông Bùi giao cho tiệm vàng và tờ vé số tiệm vàng nói không trúng là một. Việc kiểm tra dấu vân tay trên tờ vé trúng số độc đắc thật, nếu có dấu vân tay của ông Bùi cũng chưa đủ để chứng tỏ ông đã mua tờ vé số độc đắc và là chủ sở hữu của nó vì trên thực tế tờ vé số đã qua tay nhiều người, không thể lập luận rằng ai có dấu vân tay trên tấm vé số là chủ sở hữu của nó.

Mặt khác, trên thực tế việc kiểm tra dấu vân tay là không khả thi vì dấu vết này rất có khả năng đã bị “cố ý xóa”. Để chứng minh là ông Bùi có tờ vé số trúng giải độc đắc thật, phía ông Bùi cùng cơ quan công an cần phải liên hệ với Công ty Xổ số kiến thiết tỉnh Tiền Giang, đại lý xổ số, người bán vé số và những người làm chứng có liên quan để làm rõ các vấn đề liên quan, làm việc với các nhân chứng được cho là người cùng kiểm tra vé số trước khi trao tiền cho ông Bùi.

Ngoài ra, cần phải điều tra khi ông Bùi và tiệm vàng giao dịch thì có ai làm chứng không, có bằng chứng nào ghi nhận lại dãy số trong tờ vé số như chụp ảnh, quay camera lưu lại không. 

          Luật sư  Nguyễn Hồng Quân (Đoàn Luật sư TP Hà Nội)

Cần phải xem xét kỹ tờ vé số

Điều 131, Bộ luật Dân sự quy định về giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn: “Khi một bên có lỗi vô ý làm cho bên kia nhầm lẫn về nội dung của giao dịch dân sự mà xác lập giao dịch thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu bên kia thay đổi nội dung của giao dịch đó, nếu bên kia không chấp nhận thì bên bị nhầm lẫn có quyền yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu...”.

Theo quy định của pháp luật thì kể cả trong trường hợp giao dịch đã được hoàn thành, nhưng sau đó một bên phát hiện ra họ bị nhầm lẫn và sự nhầm lẫn đó không phải xuất phát từ sự cố ý lừa dối, đe dọa của bên kia thì vẫn có quyền yêu cầu bên kia thay đổi lại nội dung giao dịch.

Trong vụ việc liên quan đến giao dịch trao đổi tờ vé số trúng giải độc đắc giữa ông Nguyễn Bùi và tiệm vàng, theo quy định của pháp luật thì kể cả trong trường hợp giao dịch đã hoàn thành, kể cả vào thời điểm thực hiện giao dịch, một bên đã “kiểm tra kỹ lưỡng” tờ vé số nhưng không phát hiện được vé số đó không phải là vé trúng thưởng độc đắc, sau này mới phát hiện ra và việc nhầm lẫn đó là do “lỗi vô ý” thì bên trả tiền vẫn có quyền yêu cầu bên nhận tiền hoàn lại tiền và nhận lại tờ vé số, bởi vì mục đích của giao dịch hai bên hướng tới là “đổi tờ vé số trúng thưởng độc đắc lấy tiền”. 

Nếu bên nhận tiền không chấp nhận thì bên trả tiền có quyền khởi kiện nhờ Tòa án giải quyết. Trong vụ án này, điều quan trọng để tòa án đưa ra quyết định là các bên phải có nghĩa vụ chứng minh việc nhầm lẫn, chứng cứ cụ thể chính là: Tờ vé số. Nếu như bên khởi kiện chứng minh được tờ vé số họ nhận từ ông Nguyễn Bùi đúng là tờ vé số không trúng thưởng.

Theo thông tin thì khi thực hiện giao dịch bên tiệm vàng đã yêu cầu ông Nguyễn Bùi ký tên vào mặt sau của tờ vé số đó. Nếu tờ vé số là chứng cứ của vụ án, do bên khởi kiện nộp cho Tòa, mà đúng là tờ vé số ở mặt sau có chữ ký của ông Bùi (có thể cho giám định chữ ký, hoặc ông Bùi thừa nhận) mà là tờ vé số không trúng thưởng (có dãy số 347921) thì sẽ là căn cứ để tòa án quyết định là giao dịch vô hiệu do nhầm lẫn, và phán quyết này là có cơ sở pháp lý.

Tuy nhiên, trong trường hợp tờ vé số mà bên khởi kiện cung cấp cho tòa án không phải là tờ vé số mà ông Bùi đã mang đổi thì chưa đủ cơ sở để xác định giao dịch dân sự vô hiệu do bị nhầm lẫn. Cần phải thận trọng xem xét, bởi vì từ lúc ông Bùi giao tờ vé số của mình cho tiệm vàng, tờ vé số đó có thể qua tay những ai, có còn đúng là tờ vé số của ông Bùi mang đổi hay không?

Về vấn đề tiệm vàng đã tự nguyện tham gia giao dịch, đã kiểm tra kỹ lượng, gia đình ông Nguyễn Bùi không lừa dối họ và giao dịch đã hoàn thành. Kể cả trong trường hợp này, nếu sau này phát hiện nhầm lẫn, phía tiệm vàng vẫn có quyền yêu cầu tòa án giải quyết. Về vấn đề “Ai là người thực hiện giao dịch, và ai có quyền khởi kiện”, tòa án sẽ căn cứ vào bản chất của giao dịch, chứng cứ liên quan, các quy định của pháp luật liên quan để xác định và đưa vào tham gia tố tụng.

Luật sư  Chu Mạnh Cường (Trưởng Văn phòng Luật sư Danh Chính, Đoàn Luật sư TP Hà Nội)