Vụ Thủy điện Sông Tranh 2 bị thấm nước: Chắc chắn có lỗi hệ thống

ANTĐ - Đó là nhận định của GS.TSKH Nguyễn Trường Tiến - Chủ tịch Hội Cơ học đất và Địa kỹ thuật công trình Việt Nam, Trưởng Ban Kỹ sư của Tổng hội Xây dựng Việt Nam. 

Công nhân đang dùng ống kết nối xử lý nước rò rỉ trên thân đập chính thủy điện Sông Tranh 2

- Có ý kiến cho rằng việc rò rỉ nước qua thân đập Thủy điện Sông Tranh 2 chỉ là lỗi kỹ thuật, không phải một sự cố lớn, quan điểm của ông về nhận xét này?

- Với tình trạng  nước chảy qua thân đập như đang diễn ra thì rất cần phải có một khảo sát, đánh giá nghiêm túc trên nhiều mặt với nhiều công nghệ khác nhau để kiểm tra chéo làm rõ bản chất hiện tượng. Theo tôi, hiện tượng nước chảy khá nhiều qua thân đập chắc chắn là có lỗi hệ thống chứ không phải lỗi cục bộ hoặc chỉ đơn thuần là thiếu đường ống thoát nước kết nối từ dãy tầng hầm bên trái với dãy bên phải dẫn về phía hạ lưu. Với tư cách là một kỹ sư, tôi khẳng định, bất cứ một hiện tượng nào trong công trình xây dựng đều có gốc của nó.

- Vậy theo ông cần phải đánh giá, khảo sát kỹ thuật nào để bắt đúng bệnh thấm nước qua đập thuỷ điện Sông Tranh 2?

- Chắc chắn phải tiến hành siêu âm thân đập, kiểm tra bằng lỗ khoan… để làm rõ “nội tình” bên trong đập.

- Có chuyên gia cho rằng, hiện tượng thấm nước này chỉ đơn thuần là tắc nước và chỉ cần thông tắc là cũng có thể xử lý được vấn đề?

- Để đi đến kết luận, cơ quan chức năng rất cần một phép thử để đảm bảo chính xác sự việc. Cụ thể ở đây là phải đo được lượng nước ra và lên đường biểu đồ dịch chuyển, lưu lượng dòng nước thì mới có thể kết luận. Để làm được những chẩn đoán này thì thời gian dài hay ngắn phụ thuộc vào trình độ chuyên môn, kinh nghiệm của người tổng chỉ huy chiến dịch để điều hành tổ công tác. Tôi rất băn khoăn khi cho rằng thông tắc xong là hết chảy, bởi đây là một dòng thấm quá lớn tạo thành dòng chảy lưu lượng lớn mà không đơn thuần là do tắc nước trong thân đập. Việc xử lý các lỗ thấm đang được thực hiện không thể giải quyết được vấn đề. 

- Mức độ thấm nước hiện tại có đe đoạ thân đập?

- Việc thấm nước này chưa đến mức độ đe dọa làm sập được đập. Vì việc hư hỏng đập còn phụ thuộc rất nhiều yếu tố như độ ổn định, sức chịu tải, chuyển vị, biến dạng của đập... Tuy nhiên, với áp lực nước hiện nay và mới chỉ một tổ máy hoạt động thì cũng có thể chưa đánh giá được hết tình hình so với mức nước đỉnh.

- Trên thế giới đã có đập thủy điện nào gặp nguy cơ xấu từ lỗi thấm nước như Sông Tranh 2, thưa ông?

- Việc này không phải là hy hữu mà ở Pháp, Mỹ… cũng từng xảy ra sập lở đập thủy điện về nguyên nhân này. Lỗi chủ yếu của các sự cố này là từ khâu thiết kế, khảo sát. Chất lượng công trình phụ thuộc vào người quản lý dự án, người chịu trách nhiệm ký vào dự án và chủ trì dự án. 

 TS. Phạm Hồng Giang - Chủ tịch Hiệp hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam kiến nghị, các bên chịu trách nhiệm xử lý nước thấm đập Thủy điện Sông Tranh 2 cần dùng máy siêu âm dò hiện đại để phát hiện các vết nứt, rò đập để xử lý triệt để.