Vụ tham nhũng 1,3 triệu USD của cựu Chủ tịch Liên hiệp quốc

ANTĐ - John Ashe - 61 tuổi, cựu Đại sứ Antigua và Barbuda (quốc đảo ở phía Đông biển Caribe, thuộc Khối Liên hiệp Anh) tại Liên hiệp quốc (LHQ), cựu Chủ tịch Đại hội đồng LHQ (nhiệm kỳ 9-2013/9-2014), vừa bị FBI bắt giữ để phục vụ cho cuộc điều tra về cáo buộc nhận hối lộ gồm cả tiền mặt và các món hàng xa xỉ lên đến 1,3 triệu USD từ một tỉ phú Trung Quốc. Vụ bê bối hối lộ nghiêm trọng này khiến Tổ chức Các nghị sĩ toàn cầu chống tham nhũng (GOPAC) lên tiếng kêu gọi LHQ cần sớm thành lập một tòa án quốc tế về vấn đề tham nhũng.
Vụ tham nhũng 1,3 triệu USD của cựu Chủ tịch Liên hiệp quốc ảnh 1

Cựu chủ tịch Đại Hội đồng LHQ John Ashe bị cáo buộc nhận hối lộ 1,3 triệu USD từ một tỉ phú Trung Quốc

Móc nối với các doanh nhân Trung Quốc?

Vụ bắt giữ Ashe diễn ra 2 tuần sau khi FBI bắt giữ ông trùm bất động sản của Macao là Ng Lap Seng và trợ lý là Jeff C. Yin với cáo buộc nói dối Cơ quan Hải quan và Biên phòng về “mục đích thực sự” của khoản tiền mặt trị giá 4,5 triệu USD mà họ mang từ Trung Quốc sang Mỹ từ năm 2013. Theo thông tin từ cơ quan tư pháp Mỹ, John Ashe đã nhận hối lộ tổng cộng hơn 1,3 triệu USD từ tập đoàn Sun Kian Ip Group, doanh nhân Ng Lap Seng liên quan tới việc xây dựng trung tâm hội nghị của LHQ ở Macao.

Cụ thể, đầu năm 2011, nhận lời mời của Francis Lorenzo - Phó Đại sứ Cộng hòa Dominique tại LHQ, ông John Ashe đã có chuyến công du sang Macao. Tại đây, Francis Lorenzo đã bố trí để ông John Ashe có cuộc gặp riêng với tỷ phú, đại gia bất động sản Macao Lap Seng. Trong cuộc gặp này, tỷ phú Lap Seng đã tìm cách mua chuộc, nhờ ông John Ashe tác động để LHQ đầu tư xây dựng Trung tâm Hội nghị tại Macao. Đây được cho là khu phức hợp rất lớn, với vốn đầu tư lên tới nhiều tỷ USD.

Sau cuộc gặp gỡ, được sự hỗ trợ từ Francis Lorenzo, ông John Ashe đã đệ trình lên Tổng Thư ký LHQ kế hoạch cấp thiết về việc xây dựng một trung tâm hội nghị tại Macao. Theo thông tin chính thức từ LHQ, kế hoạch này được “trình” đủ các ban bệ trong nội bộ LHQ và đã được đại diện nhiều quốc gia ở LHQ đồng ý thông qua, nhưng lạ ở chỗ kế hoạch xây dựng này không hề xuất hiện trong phòng lưu trữ của Đại hội đồng LHQ cũng như trên bàn làm việc của Tổng Thư ký LHQ. Ngoài nhận hối lộ bằng tiền trị giá hơn 1,3 triệu USD, cựu Chủ tịch Đại hội đồng LHQ còn bị cáo buộc đã nhận của tỷ phú Macao Lap Seng 59.000 USD để mua các bộ vest may tay tại Hong Kong trong 2 năm này; mua 2 đồng hồ Rolex đầu năm 2014 trị giá 54.000 USD và hồi cuối năm 2014 đã chi 40.000 USD để mua trả góp một chiếc xe hạng sang hiệu BMW X5.

Bên cạnh đó, tỷ phú Macao Lap Seng được cho là đã hỗ trợ xây dựng miễn phí 1 sân bóng rổ ngay trong khuôn viên khu biệt thự riêng của ông John Ashe ở thị trấn Dobbs Ferry, ngoại ô TP New York, trong khi vợ của ông cũng nhận số tiền “lương” 2.500 USD mỗi tháng với chức danh “nhân viên tư vấn về biến đổi khí hậu” tại tổ chức phi Chính phủ của Sheri Yan và Heidi Park. Ngoài ra, Ashe cũng nhận khoảng 800.000 USD tiền hối lộ từ rất nhiều doanh nhân Trung Quốc qua môi gới của Yan và Piao và chuyển số tiền hối lộ của mình vào một tài khoản ngân hàng riêng rồi sau đó viết séc chuyển cho mình trên danh nghĩa “tiền lương”.

Bên cạnh đó, ông Ashe còn tổ chức nhiều cuộc họp với các quan chức Chính phủ đảo quốc Antigua Barbuda, Kenya để giúp những nhà đầu tư bất động sản giành được hợp đồng phát triển kếch xù. Đồng thời, ông Ashe cũng bị cáo buộc trốn thuế với khoản tiền tham nhũng ông nhận được và cho phép các doanh nhân trả tiền cho ông cùng gia đình ở tại một khách sạn giá 850 USD mỗi đêm ở New Orleans (bang Louisiana, Mỹ).

Kêu gọi  lập tòa án quốc tế chống tham nhũng

Liên quan đến vụ bê bối này, cơ quan tư pháp Mỹ cho biết, ngoài ông John Ashe và doanh nhân Lap Seng còn có những người khác liên quan, gồm: Francis Lorenzo - Phó Đại sứ Cộng hòa Dominique tại LHQ, chủ tịch danh dự của một tổ chức phi Chính phủ (tổ chức này là đơn vị trung gian chuyển số tiền “trích” từ dự án xây dựng trung tâm hội nghị tại Macao của LHQ cho các cá nhân có liên quan, 1 doanh nhân người gốc Trung Quốc; 1 chủ tịch điều hành của tổ chức phi Chính phủ nói trên; 1 giám đốc tài chính của tổ chức phi Chính phủ này. Những người này hiện đã bị giám sát và phải có mặt tại Tòa án Liên bang khi có yêu cầu. 

Người phát ngôn của Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon, Stephane Dujarric ngày 9-10 cho biết ông Ban Ki-moon đã yêu cầu cơ quan có thẩm quyền tiến hành một cuộc điều tra nội bộ một cách chi tiết về các giao dịch giữa LHQ với hai công ty có liên quan đến vụ bê bối hối lộ nghiêm trọng gắn với cái tên John Ashe. Cụ thể, ông Ban Ki-moon yêu cầu Văn phòng Dịch vụ Giám sát Nội bộ (OIOS) ngay lập tức khởi động một cuộc kiểm toán các giao dịch hợp tác giữa LHQ và Quỹ Phát triển bền vững toàn cầu (GSF) và Tập đoàn Sun Kian Ip và việc sử dụng các khoản tiền mà LHQ nhận từ các tổ chức này.

“Nếu được chứng minh là đúng, các cáo buộc nhận hối lộ và tham nhũng này một lần nữa cho thấy rằng căn bệnh tham nhũng đã lây lan ra rất nhiều quan chức địa phương và Chính phủ cũng như cả LHQ. Ông John Ashe với tư cách là một lãnh đạo của LHQ đã bán đi danh dự của bản thân và tổ chức toàn cầu mà ông ta phục vụ để nhận được những tài sản và lợi ích rõ ràng. Sự liên minh có tổ chức và hợp pháp giữa giới kinh doanh và quan chức đã biến LHQ thành một tổ chức lợi nhuận. Giờ đây, chúng ta sẽ làm tất cả những gì chúng ta có thể để đưa ra ánh sáng những hành vi tham nhũng ở bất cứ nơi đâu, dù là hội đồng thành phố, ở nông thôn hay ngay tại đây, LHQ” - ông Preet Bharara, đại diện cơ quan tư pháp Mỹ nói.

Trong một động thái khẩn cấp, Tổ chức Các nghị sĩ toàn cầu chống tham nhũng (GOPAC) mới đây đã lên tiếng kêu gọi LHQ thành lập một tòa án quốc tế về vấn đề tham nhũng sau vụ bê bối John Ashe.