Vụ tàu hỏa tông xe máy tại Hà Đông: Gác chắn thiếu an toàn?

ANTĐ -Vụ tàu hỏa tông xe máy sau đó va chạm với ôtô vào 18h ngày 20-11 tại địa bàn quận Hà Đông, Hà Nội khiến người điều khiển xe máy chết tại chỗ, một phần lỗi do gác chắn.

Cú nhấn ga định mệnh

Ngày 21-11, PV có mặt tại phòng cấp cứu Khoa chấn thương chỉnh hình, BV Đa khoa Hà Đông, Hà Nội, chị Trần Thị Dung - nạn nhân của vụ tai nạn chiều tối qua đang nằm bất động, thở bằng bình ô xy. Chị Trần Thị Điệp, chị gái của chị Dung nước mắt lã chả vì thương em. “Khổ quá, hai vợ chồng nó đi ăn đám cưới con một người bạn, khi đến địa điểm trên thì bị tai nạn. Đến giờ nó chưa biết chồng đã chết, gia đình cũng chưa giám báo tin dữ, sợ nó bị sốc…” - chị Điệp khóc nghẹn.

Theo chị Điệp, chị Trần Thị Dung (40 tuổi) và chồng là anh Nguyễn Văn Hiển (42 tuổi) làm nghề buôn bán. Trước khi về Hà Nội, vợ chồng chị Dung sinh sống ở xã Nguyên Lý, huyện Lý Nhân, Hà Nam. Chị Dung có 3 người con, con gái lớn năm nay đang là sinh viên năm thứ nhất của một trường đại học, đứa bé mới vừa tròn 2 tuổi.

Nạn nhân đang nằm điều trị trong bệnh viện

Xác người chồng xấu số được đưa khỏi hiện trường

Về tình hình sức khỏe của chị Dung, bác sĩ Tuệ, người trực tiếp điều trị cho chị Dung, cho biết: Bệnh nhân được đưa vào cấp cứu trong tình trạng sốc, đa chấn thương, bất tỉnh, huyết áp giảm chỉ còn 85/50. Sau khi thăm khám xác định chị Dung bị gãy 1 xương sườn trái, gãy 1/3 xương đùi phải, tràn dịch màng phổi. Để trách sốc do mất nhiều máu, chúng tôi đã truyền cho bệnh nhân 4 đơn vị huyết tương. Hiện sức khỏe của bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, có tiến triển tốt lên.

Trở lại câu chuyện về vụ tai nạn, chị Điệp kể: Khi tôi đến hiện trường thì nghe người ta nói rằng do bị một chiếc ôtô đi cùng chiều che khuất tầm nhìn, nên chú Hiển đã không quan sát được tàu hỏa đang tới. Khi bánh xe máy vừa nhích lên được khoảng 50cm thì tàu hỏa cũng vừa tới, cuốn theo xe máy và hai người ngồi trên xe, chú Hiển ngã đập đầu xuống đường ray, tử vong tại chỗ…

Chị Nguyễn Diệu Hương, nhà gần với điểm giao cắt giữa đường tàu với QL6 cho biết, khi tàu đến, mặc dù barie đã được kéo ra, nhưng nhiều người vẫn cố tình lách qua khe để cố băng qua đường tàu.

Gác chắn thiếu an toàn

Để tìm hiểu rõ hơn tình huống tai nạn bất ngờ, cùng lúc giữa tàu hỏa với xe máy và một ôtô tải khác, PV đã có mặt tại “điểm đen”, nơi xảy ra tai nạn liên hoàn vào chiều tối ngày 20-11. Nhiều ý kiến trái chiều của người dân về nguyên nhân dẫn đến cái chết của anh Nguyễn Văn Hiển, trong đó có ý kiến cho rằng gác chắn thiếu an toàn.

Nơi xảy ra vụ tai nạn thương tâm

Ý thức kém của người dân là nguyên nhân không nhỏ gây ra
những vụ tai nạn hậu quả đau lòng

Một người dân dấu tên cho biết, nguyên nhân sâu xa dẫn đến vụ tai nạn vừa qua ngoài ý thức của người tham gia giao thông chưa tốt, còn do gác chắn thiếu sự an toàn, đèn và còi tín hiệu không hoạt động.

Sáng ngày 21-11, sau khi quan sát một chuyến tàu chạy qua, ghi nhận của phóng viên cho thấy, ý kiến của người dân về mức độ thiếu an toàn của hệ thống barie, đèn tín hiệu không đảm bảo an toàn là có cơ sở.

Khi tàu đến, mặc dù barie đã được nhân viên gác chắn kéo ra, nhưng chưa che chắn toàn bộ mặt cắt giữa QL6 với hàng rào sắt hai bên đường. Khoảng cách trống giữa barie và hàng rào bảo vệ còn khoảng 1,5 mét, dẫn đến việc các phương tiện cố tình lách qua khe hở để băng qua đường tàu.

Hậu quả để lại từ vụ tai nạn....

...là thiệt hại không nhỏ về người và tài sản

Bên cạnh đó, theo quan sát của chúng tôi, hệ thống đèn tín hiệu đã không còn hoạt động. Một người dân cho biết, hệ thống đèn tín hiệu đã bị hỏng nhiều ngày nay, nhưng không hiểu tại sao ngành đường sắt không thay thế hay sửa chữa?.

Trong thời gian gần đây đã liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn liên quan đến tàu hỏa. Trước đó 9 ngày, tại khu vực đường Lê Duẩn, quận Hai Bà Trưng, đã xảy ra vụ tai nạn giữa tàu hỏa và người đi bộ, khiến một cụ ông 79 tuổi tử vong. Ngày 30-3 tại khu vực huyện Thường Tín cũng xảy ra vụ tai nạn kinh hoàng giữa tàu hỏa và 1 xe ôtô làm 9 người tử vong…

Thiết nghĩ, tình trạng tai nạn giao thông đường sắt đang ở mức đáng báo động. Ngành đường sắt cũng như các cơ quan chức năng liên quan cần tiến hành khảo sát, chấn chỉnh lại hệ thống biển báo, gác chắn, hàng rào bảo vệ… để tránh những vụ tai nạn đáng tiếc có thể tiếp tục xảy ra.