Vụ rơi thanh sắt khiến người đi đường tử vong: Trách nhiệm thuộc về nhà thầu thi công?

ANTD.VN - Trong lúc đang điều khiển xe máy trên đường, chị H và ông C bị cần trục tại công trình đang thi công rơi trúng người khiến chị H tử vong tại chỗ, còn ông C bị trọng thương…

Hiện trường xảy ra vụ việc khiến chị H tử vong

Vụ việc đau lòng xảy ra vào khoảng 18h30 ngày 27-9, tại đường Lê Văn Lương, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội.

Họa vô đơn chí

Nhận được tin báo, CAQ Thanh Xuân đã phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành các biện pháp điều tra xác minh, bước đầu xác định nội dung vụ việc như sau: công trình xây dựng Trung tâm thương mại và văn phòng cho thuê (lô đất 4.6 đường Lê Văn Lương) do Công ty TNHH xuất nhập khẩu và đầu tư Sao Mai (địa chỉ: số 7/10/16 Kim Mã Thượng, phường Cống Vị, quận Ba Đình, Hà Nội) làm chủ đầu tư, nhà thầu phụ thi công lắp kính mặt ngoài là Công ty cổ phần thương mại phát triển công nghệ Hà Nội mới DHP (địa chỉ: tổ 3 Trần Phú - quận Hoàng Mai - Hà Nội).

Công trình có thiết kế 16 tầng nổi và 2 tầng hầm đã thi công xong phần thô và đang trong quá trình hoàn thiện, lắp kính mặt ngoài tòa nhà. Vào thời điểm trên, Nguyễn Văn Tài (SN 1986), Cao Tuấn Anh (SN 1999) và Lê Văn Vinh (SN 1992) cùng ở TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang; Nguyễn Đình Duẩn (SN: 1988, ở huyện Thái Thụy, Thái Bình) là công nhân lắp kính thuộc Công ty cổ phần thương mại phát triển công nghệ Hà Nội mới DHP được phân công lắp kính mặt ngoài tầng 5, 6, 7 của tòa nhà.

Quá trình lắp kính, các công nhân sử dụng hệ thống Gondola (sàn làm việc chuyên dụng trên cao) để di chuyển phía ngoài tòa nhà. Đến khoảng 15h00 cùng ngày, Tài, Tuấn Anh, Duẩn và Vinh lên tầng 16 (nơi lắp đặt bộ phận cần trục Gondola có cấu tạo bằng kim loại, tổng chiều dài là 5,3m, một đầu gắn dây cáp nối với sàn thao tác, một đầu gắn với bộ phận đối trọng) căn chỉnh cần trục để sàn thao tác ở khoang giữa của tầng 5, 6, 7. Sau đó, Tài, Vinh và Duẩn đứng trên sàn thao tác và tiếp tục làm việc tại khu vực này. Đến khoảng 18h00 cùng ngày, khi lắp kính đến tầng 7, Tài thấy đã đến giờ nghỉ nên điều khiển để sàn thao tác xuống tầng 6 cho mọi người xuống nghỉ.

Công trình đang thi công tại lô đất 4.6 đường Lê Văn Lương

Lúc này, Tài và Vinh bước ra khỏi sàn thao tác trước, còn Duẩn vừa bước được một chân vào sàn của tầng 6 thì bất ngờ cần trục bên trái của Gondola tuột ra khỏi bộ phận đối trọng rơi từ tầng 16 xuống mặt đường Lê Văn Lương, trúng vào đầu chị Dương Thị H (SN 1987, ở huyện Lương Tài, tỉnh Bắc Ninh) đang điều khiển xe mô tô nhãn hiệu Honda Lead BKS: 99R1-69XX và trúng vào phần cẳng tay của ông Nguyễn Hùng C (SN 1956, ở phố Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) đang điều khiển xe mô tô nhãn hiệu Honda BKS: 30K-40XXX lưu thông trên đường Lê Văn Lương hướng đi Láng Hạ.

Trách nhiệm thuộc về nhà thầu thi công

Hậu quả khiến chị H ngã xuống đường tử vong tại chỗ, còn ông C bị xây xát, bầm tím ở hai bên cẳng tay và được cấp cứu tại Bệnh viện Đống Đa, Hà Nội. Hiện ông C đã xuất viện.

Quá trình khám nghiệm hiện trường xác định tại tầng 16 của công trình, bộ phận đối trọng của cần trục bên trái hệ thống Gondola bị tuột ra khỏi cần trục và đổ xuống sàn, còn cần trục bên phải ở tình trạng bình thường, sàn thao tác bị đổ nghiêng phía bên trái xuống khu vực mặt ngoài tầng 5. Hiện Cơ quan CSĐT - CAQ Thanh Xuân đang tiếp tục thu thập tài liệu chứng cứ, làm rõ nguyên nhân vụ việc và xử lý những người có liên quan theo quy định của pháp luật.

Luật sư Trịnh Anh Dũng, Trưởng Văn phòng luật sư Trịnh cho rằng, có thể thấy, trong thời gian qua rất nhiều vụ các công trình thi công bị sập giàn giáo, sập cẩu, nhiều công nhân bị tử vong do tai nạn lao động… khá phổ biến.

Thanh sắt được xác định rơi từ trên tầng 16 đường

Mới đây nhất là vụ việc đau lòng xảy ra vào chiều tối 27-9 tại công trình đang xây dựng tại lô đất 4.6 đường Lê Văn Lương đã khiến cho một nạn nhân nữ tử vong và một người bị trọng thương đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về an toàn lao động, xây dựng cần phải được quản lý chặt chẽ hơn nữa.

Dưới góc độ pháp lý thì để xảy ra vụ việc trên, Luật sư Trịnh Anh Dũng cho rằng, trách nhiệm đầu tiên thuộc về nhà thầu thi công xây dựng công trình. Bởi trước khi khởi công, thi công xây dựng công trình, nhà thầu tổ chức lập, trình chủ đầu tư chấp thuận kế hoạch tổng hợp về an toàn lao động phù hợp với thực tế thi công trên công trường.

Bên cạnh đó, nhà thầu phải tổ chức lập biện pháp thi công riêng, chi tiết đối với những công việc đặc thù, có nguy cơ mất an toàn lao động cao được quy định trong quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về an toàn trong xây dựng công trình; nhà thầu có bộ phận quản lý an toàn lao động để hướng dẫn người lao động nhận diện các yếu tố nguy hiểm có nguy cơ xảy ra tai nạn và các biện pháp ngăn ngừa tai nạn trên công trường.

Trong quá trình thi công, nhà thầu có BQL, tổ giám sát yêu cầu người lao động sử dụng đúng và đủ dụng cụ, phương tiện bảo vệ cá nhân trong quá trình làm việc; kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các yêu cầu về an toàn lao động đối với người lao động; quản lý số lượng người lao động làm việc trên công trường.

Sau khi xảy ra vụ việc, thông tin về chủ đầ tư cũng như nhà thầu thi công bị gỡ bỏ tại biển thông tin về công trình

Đủ căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự

Luật sư Trịnh Anh Dũng cũng viện dẫn, tại Điều 298 BLHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về "Tội vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" như sau:

"1. Người nào vi phạm quy định về xây dựng trong lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, sử dụng nguyên liệu, vật liệu, máy móc, giám sát, nghiệm thu công trình hoặc lĩnh vực khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 224 và Điều 281 của Bộ luật này, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 1 năm đến 5 năm: 

a) Làm chết người;

Ngoài ra, công tác quản lý an toàn lao động trong thi công xây dựng công trình được được điều chỉnh bởi pháp luật về xây dựng như: Luật Xây dựng năm 2014, Nghị định 59/2015/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 04/2017/TT-BXD của Bộ Xây dựng.

Theo các quy định trên, người nào vi phạm pháp luật xây dựng để thanh sắt giàn giáo của một công trình xây dựng trên đường Lê Văn Lương (Hà Nội) rơi trúng đầu của người đi đường, khiến 1 cô gái tử vong tại chỗ xảy ra tối 27/9 có thể bị xem xét xử lý trách nhiệm hình sự về tội danh "Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng" quy định tại Điều 298 BLHS. 

Bên cạnh việc truy cứu trách nhiệm hình sự, đối chiếu Điều 597 Bộ luật dân sự 2015 quy định về bồi thường thiệt hại do người của pháp nhân gây ra cũng thể hiện.

“Pháp nhân phải bồi thường thiệt hại do người của mình gây ra trong khi thực hiện nhiệm vụ được pháp nhân giao; nếu pháp nhân đã bồi thường thiệt hại thì có quyền yêu cầu người có lỗi trong việc gây thiệt hại phải hoàn trả một khoản tiền theo quy định của pháp luật”.

Do vậy, nhà thầu thi công của người trực tiếp phụ trách an toàn lao động công trình sẽ phải có trách nhiệm bồi thường toàn bộ thiệt hại về vật chất và tinh thần cho người bị nạn theo quy định tại các điều 591 Bộ luật dân sự.