Vụ rơi QZ8501: Tranh cãi nảy lửa giữa giới phi công và Bộ trưởng GTVT

ANTĐ -“Cuộc chiến” giữa Bộ trưởng Giao thông vận tải Indonesia, Ignasius Jonan và giới phi công đã nổ ra vài ngày qua. Nguyên nhân là do các phi công đã rất tức giận khi vị bộ trưởng cáo buộc phi công của AirAsia Indonesia đã vi phạm các quy trình về hàng không, do đó đã khiến cho máy bay QZ8501 gặp nạn. 

Vụ rơi QZ8501: Tranh cãi nảy lửa giữa giới phi công và Bộ trưởng GTVT ảnh 1Bộ trưởng Giao thông vận tải Indonesia, Ignasius Jonan 

Tờ Wall Street Journal đưa tin, AirAsia Indonesia tuyên bố rằng các phi công của chuyến bay QZ8501 đã “tự thông báo tóm tắt” về điều kiện thời tiết bằng cách sử dụng thông tin từ Cục khí tượng BKMG. Trong khi đó, hãng hàng không này  đã không thực hiện cuộc họp giao ban giữa các cán bộ điều hành hoạt động bay (FOO) để cung cấp thông tin cho các phi công giống như  hãng bay lớn Garuda Indonesia, Lion Air, Sriwijaya và Citilink.

Theo The Jakarta Globe, Bộ trưởng Jonan đã dọa sẽ trừng phạt các lãnh đạo hãng hàng không AirAsia Indonesia trong buổi làm việc tại văn phòng hãng này ở Banten tuần trước. Ông đã tỏ ra giận dữ sau khi một giám đốc của AirAsia Indonesia tuyến bố, phi công không cần thiết phải nghe nhân viên điều hành bay chỉ dẫn về thời tiết trước khi cất cánh. 

Trang tin Kompas dẫn lời vị bộ trưởng: “Khi chúng ta có quy định, các anh phải tuân theo, đừng cố vi phạm. Tôi có thể tước giấy phép của các anh”.

Ngay sau đó, giới phi công Indonesia đã phản ứng mạnh đối với câu nói này của ông Jonan. Một số phi công đã viết thư ngỏ cho bộ trưởng để phản ứng lại câu nói của ông và đăng tải những lá thư này lên mạng. 

Phi công kỳ cựu Sardjono Jhony Tjitrokusumo gọi lời quở trách của ông Jonan là “vô căn cứ”, và nhận định đó là lời nói của một người không có chút kiến thức nào về hàng không. Trong một tuyên bố trước báo giới, ông Sardjono nói: “Đừng dựng chuyện và nói phi công có lỗi nếu họ không được chỉ dẫn về thời tiết. Đó không phải là một phần bắt buộc trong quy trình trước khi cất cánh”.

Ông Sardjono  tiếp tục nhấn mạnh rằng, các phi công thường trao đổi thông tin thời tiết với nhau. Ở Indonesia các thông tin thời tiết đều dựa vào cơ quan khí tượng quốc gia. Vì vậy không có chuyện phi công được nhân viên điều hành bay chỉ dẫn về thời tiết trước khi bay.

Phi công khắp thế giới đều tự trao đổi và tìm hiểu thông tin này. Theo đó, họ có các bản thông tin thời tiết được in ra giấy từ một hệ thống của hãng hàng không và thông tin đó sẽ được cung cấp trước khi họ bay.

Trong lá thư ngỏ, phi công Sardjono bày tỏ: “Bộ trưởng có tưởng tượng được nếu tất cả phi công đều phải nghe chỉ dẫn thời thiết trước khi bay thì bao nhiêu người phải xếp hàng không? Họ sẽ xếp hàng ở đâu? Đừng tỏ ra như vậy, đặc biệt là những người không có kiến thức hàng không”.

Bên cạnh đó, người phi công kỳ cựu này cũng kêu gọi các bên đợi kết quả điều tra vụ rơi máy bay của AirAsia hôm 28-12-2014 và tránh bình luận những câu không cần thiết. 

Một phi công khác cũng lên tiếng, trong thời đại Internet mọi phi công đều có thể tiếp cận dễ dàng thông tin thời tiết từ cơ quan khí tượng quốc gia chứ không cần phải đến nghe chỉ dẫn thời tiết.

Về phần mình, ngày 4-1, phát ngôn viên của Bộ Giao thông vận tải Indonesia, J. A. Bharata cho biết, bộ này sẽ ra quy định mới bắt buộc phi công phải nghe theo chỉ dẫn thời tiết từ nhân viên điều hành bay. Đồng thời khẳng định rằng chuyện này không phải là vô căn cứ theo như lời của các phi công.

Chuyên gia hàng không, Ruth Hanna Simatupang  trao đổi rằng, cuộc họp buộc các phi công của FOO là một thủ tục theo quy định, buộc phi công phải tuân thủ.

Bà Hanna nhấn mạnh: “Đây không phải là quy định mới. Đó là một tiêu chuẩn được áp dụng thường xuyên trên thế giới. Sự việc lần này là một trong những vấn đề rối rắm trong hệ thống hàng không của chúng tôi.  Và có rất nhiều vấn đề cần phải được quy định trong hệ thống hàng không của chúng tôi”.

Chuyên gia cho biết, theo quy định, cuộc họp sẽ không quá 20 phút và FOO sẽ cung cấp tất cả tài liệu cần thiết cũng như là bản dự báo thời tiết cho các phi công để nghiên cứu. Sau đó, các phi công sẽ  soạn thảo kế hoạch bay của họ rồi gửi đến FOO để xin ý kiến. Khi nhận được kế hoạch bay, FOO sẽ nộp kế hoạch bay đã thảo luận với kiểm soát không lưu bổ nhiệm.

Sau vụ việc này, Bộ Giao thông vận tải Indonesia cần phải thanh tra nhiều hơn để đảm bảo rằng chính sách này được thực hiện nghiêm túc bởi các hãng hàng không. Hiện, Bộ Giao thông vận tải của Indonesia đã có những cuộc họp giao ban bắt buộc giữa FOO trước khi máy bay cất cánh.

Djoko Murjatmodjo, Tổng giám đốc đương nhiệm của cơ quan vận tải hàng không Indonesia nói: “Cuộc họp của FOO không chỉ là về thời tiết mà qua đó chúng còn phát hiện ra một phi công trên chuyến bay QZ8501 có sức khỏe không tốt”.

Vấn đề về  việc không có các cuộc họp giao ban để hỗ trợ cho các phi công không phải là duy nhất của AirAsia Indonesia. Hiện hãng đang phải đối mặt với sự kiểm soát kỹ lưỡng sau khi Bộ Giao thông vận tải nước này tuyên bố, máy bay QZ8501 đã thực hiện bay trái phép.