Vụ rơi giàn giáo ở Lê Văn Lương: Trách nhiệm thuộc về ai khi xảy ra tai nạn lao động?

ANTD.VN - Vụ tai nạn lao động nghiêm trọng xảy ra trên đường Lê Văn Lương hôm 27-9 đã thêm một lần nữa gióng hồi chuông cảnh báo về tình trạng mất an toàn lao động trong lĩnh vực xây dựng tại Việt Nam hiện nay. Và người ta cũng đặt ra câu hỏi về trách nhiệm của những người có liên quan khi liên tiếp để xảy ra những vụ việc đáng tiếc tương tự trong thời gian qua.

Vụ sập giàn giáo khiến 1 người phụ nữ đi đường thiệt mạng tại chỗ

Như ANTD đã đưa tin, chiều tối 27-9-2018, một vụ tai nạn nghiêm trọng đã xảy ra trên đường Lê Văn Lương (đoạn thuộc phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội). Trong đó, một giàn giáo từ công trình xây dựng bị rơi xuống đường, khiến một phụ nữ đi đường thiệt mạng tại chỗ.

Hiện trường sự việc tại đường Lê Văn Lương

Ngay sau khi xảy ra sự việc, lực lượng công an phường Nhân Chính và các chiến sĩ cảnh sát giao thông đã lập tức có mặt để bảo vệ hiện trường, điều tiết giao thông.

Một thông tin đăng trên trang Kinh tế đô thị cho biết, ngày 20/8, khi công nhân thuộc dự án tổ hợp văn phòng thương mại dịch vụ nhà trẻ và căn hộ The Sun trên đường Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm) đang thi công xây dựng, bất ngờ sợi cáp của cẩu trục bị đứt, làm nhiều vật liệu xây dựng từ trên cao rơi xuống khu nhà điều hành. Vụ tai nạn xảy ra làm ít nhất 1 người bị thương phải đưa đi cấp cứu.

Trước đó, vào trung tuần tháng 7, bà Vũ Thị Minh Ngọc (ngõ 55 Lê Đại Hành, quận Hai Bà Trưng) bức xúc, hoảng loạn khi nhiều viên gạch to từ dự án chung cư HDI Tower làm vỡ mái tôn, trần nhà rơi xuống giường ngủ. Rất may, không thiệt hại về người. Nhưng đây không phải lần đầu tiên xảy ra sự việc này, công trình từng làm rơi một thanh sắt dài đâm thủng mái nhà. Lần nào xảy ra sự việc, phía chủ đầu tư cũng làm bản cam kết bảo đảm an toàn, nhưng tính mạng của người dân vẫn… ngàn cân treo sợi tóc.

Những vụ việc trên tiếp tục gióng hồi chuông cảnh báo về tình hình mất ATLĐ tại các công trình xây dựng. Theo thống kê, trên phạm vi cả nước cứ 3 ngày lại có một người chết vì TNLĐ. Tai nạn về thi công xây dựng hiện đang đứng thứ 2 về số người chết, sau TNGT. Nguy hiểm là vậy, song người lao động rất thiếu ý thức tự bảo vệ bản thân, cũng không nhận được sự quan tâm đúng mức của các chủ đầu tư lẫn nhà thầu. Thậm chí, còn có dấu hiệu bưng bít thông tin tai nạn để giữ hình ảnh dự án.

Trách nhiệm thuộc về ai khi để xảy ra tai nạn lao động tại các công trình xây dựng?

Theo thông tin trên Báo mới, các báo cáo từ Cục An toàn Lao động - Bộ LĐTBXH cho biết, các nguyên nhân chủ yếu gây ra tai nạn chết người có nguyên nhân từ người sử dụng lao động (chiếm 33,8%) bao gồm: Người sử dụng lao động không huấn luyện an toàn lao động hoặc huấn luyện an toàn lao động chưa đầy đủ cho người lao động chiếm 12,9% tổng số vụ; Người sử dụng lao động không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn chiếm 12,9% tổng số vụ; Thiết bị không đảm bảo an toàn lao động chiếm 4,8% tổng số vụ; Do tổ chức lao động và điều kiện lao động chiếm 1,6% tổng số vụ; Do người sử dụng lao động không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động chiếm 1,6%.

Không nghiêm túc trong huấn luyện an toàn lao động

là một trong những nguyên nhân quan trọng gây tai nạn chết người

Các nguyên nhân từ người lao động chiếm 29%, cụ thể: Người lao động bị nạn vi phạm quy trình quy chuẩn an toàn lao động chiếm 27,4% tổng số vụ; Người lao động không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân chiếm 1,6% tổng số vụ; Còn lại 37,2% là những vụ tai nạn lao động xảy ra do các nguyên nhân khác.

Các chuyên gia xây dựng cho rằng: Chất lượng công trình là một trong những nguyên nhân quan trọng trong sự cố sập giàn giáo, công tác thi công cốt thép chiếm tới 60% chi phí công tác thi công và quyết định cả mặt tiến độ công trình tuy nhiên không ít những nhà quản lý phớt lờ tiêu chí về chất lượng, tự ý bớt xén các vật liệu thi công.

Ngoài ra còn có việc hiểu sai về sơ đồ và tổ hợp tải trọng tính toán hệ giàn giáo là nguyên nhân dẫn tới những tai nạn nghiêm trọng. Trong các trường đại học những giáo trình viết về tính toán giàn giáo thi công cho các ngành xây dựng đều viết sơ sài, thậm chí sai sót về sơ đồ và tải trọng tính toán... Chưa kể, hệ thống các tiêu chuẩn kỹ thuật xây dựng phục vụ công tác thiết kế hệ giàn giáo cốp pha hiện đã quá lạc hậu khiến việc thiết kế, thẩm định, tính toán giàn giáo của các kỹ sư xây dựng gặp nhiều khó khăn.

Cuối cùng, nguyên nhân có thể là chất lượng dàn giáo đã quá cũ mà vẫn đưa vào sử dụng, hoặc mua giàn giáo mới nhưng là hàng trôi nổi không uy tín dẫn tới việc tính toán tải trọng bị sai sót không tới nơi tới chốn.

Doanh nghiệp dùng tiền để giảm nhẹ trách nhiệm?

Một thông tin trên VOV hồi giữa năm 2018 cho biết, theo báo cáo của Bộ LĐ-TB-XH, năm 2017 cả nước xảy ra gần 9.000 vụ tai nạn lao động. Tuy nhiên, ngoài những vụ tai nạn nghiêm trọng làm chết nhiều người đang trong quá trình điều tra, đến nay mới chỉ có 4 vụ được khởi tố.

Nói về vấn đề này, ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động cho biết, theo quy định, việc điều tra các vụ tai nạn lao động nghiêm trọng thuộc thẩm quyền của địa phương, trong đó có sự phối hợp của Sở LĐ-TB-XH. Trong quá trình điều tra, nếu phát hiện có dấu hiệu hình sự, hồ sơ sẽ được chuyển sang cho cơ quan công an để xem xét khởi tố vụ án. Như vậy, việc khởi tố hay không không thuộc thẩm quyền của Bộ LĐ-TB-XH.

“Bộ LĐ-TB-XH và thanh tra Bộ rất sốt ruột khi thấy nhiều tai nạn lao động nhưng số vụ khởi tố lại ít. Nhiều khi Bộ phải can thiệp, nhưng không thể quyết định có khởi tố hình sự hay không. Điển hình như vụ tai nạn lao động ở Fomosa Hà Tĩnh, chúng tôi đã có rất nhiều ý kiến với tư cách chuyên gia, đơn vị quản lý để cuối cùng phải khởi tố vụ án”, ông Thắng cho biết.

Cục trưởng Cục An toàn lao động cũng thẳng thắn cho rằng hiện nay có những vụ tai nạn lao động nghiêm trọng, nhưng công ty lại được giảm nhẹ, không bị đưa ra khởi tố.

Ông Hà Tất Thắng thông tin, để xử lý nghiêm các vụ về tai nạn lao động, trong thời gian tới, ngoài các biện pháp xử phạt hành chính, hình sự, sẽ công khai kết luận điều tra, hành vi vi phạm về an toàn lao động của các đơn vị trên phương tiện thông tin đại chúng.