Vụ phát hiện hàng tấn phân bón giả: Thêm hàng chục hộ dân trình báo

ANTĐ - Ngay sau khi báo chí thông tin vụ người trồng dưa hấu ở thôn Suối Cối 1, huyện Đồng Xuân phát hiện 48 bao phân giả, từ chiều ngày 20-2, CAH Đồng Xuân, Bình Định và các ngành chức năng đã vào cuộc tiếp cận hiện trường, gặp người dân thu thập thông tin để phục vụ điều tra.
Cùng ngày gần 20 người dân ở xã Xuân Quang 1 cũng đã đến 5 trại dưa ở thôn Suối Cối 1, khu vực đầu tiên phát hiện 48 bao phân bón đầu trâu NPK giả mang nhãn hiệu “Công ty phân bón Bình Điền” nhờ các ngành chức năng cứu xét.

“Họ mang theo hóa đơn mua hàng đến đối chiếu, mới tá hỏa biết mình bị lừa dùng phân giả. Tất cả đều mua phân, thuốc trừ sâu và bạt nhựa từ các đại lý của tỉnh Bình Định, bình quân mỗi hộ không dưới 30 triệu đồng. Người dân tha thiết mong các ngành chức năng điều tra làm rõ để xử lý các đối tượng theo pháp luật; đồng thời yêu cầu các chủ cơ sở cung cấp phân giả, kém chất lượng sớm bồi thường thiệt hại”, ông Võ Trung Trực (trú ở xã Nhân Tân, TX An Nhơn, tỉnh Bình Định), chủ một trong 5 trại dưa ở thôn Suối Cối 1 phát hiện phân bón giả, cho biết.

Vụ phát hiện hàng tấn phân bón giả: Thêm hàng chục hộ dân trình báo ảnh 1
5,6 ha dưa tại trại dưa ở thôn Suối Cối 1 không phát triển do bón phải phân giả


Trong một diễn biến khác có liên quan, đến nay UBND xã Xuân Quang cũng đã tiếp nhận 5 lá đơn của 5 hộ trồng dưa ở thôn Suối Cối 1, chủ yếu là người Bình Định nhờ chính quyền can thiệp. “Theo đơn người dân trình bày, hầu hết họ mua phân của đại lý phân bón A.T. ở tỉnh Bình Định và cho là phân giả, chất lượng kém. Công an xã đang tiếp tục phối hợp với cảnh sát kinh tế CAH Đồng Xuân điều tra, xử lý”, ông Lê Hồ Phú, Trưởng công an xã Xuân Quang 1, cho hay.
Ngày 21-2, người đại diện tại Phú Yên, ông Lê Bá Cung, cán bộ marketing thuộc CTCP phân bón Bình Điền cho biết, từ trước Tết Nguyên đán, công ty này đã báo cáo bằng văn bản lên công an tỉnh Bình Định về việc nghi ngờ 3 đại lý đều ở tỉnh này có hành vi sản xuất phân bón giả của công ty, gồm đại lý phân bón A.T., ở TP Quy Nhơn; đại lý phân bón K. và đại lý phân bón T. ở huyện Phù Mỹ. Hiện công ty đang tiếp tục phối hợp với lực lượng công an lên phương án điều tra tích cực, thu thập đủ chứng cứ, sớm phanh phui vụ việc để bảo vệ người tiêu dùng và thương hiệu của công ty. Ông Cung khẳng định, loại phấn bón giả thương hiệu đầu trâu của CTCP phân bón Bình Điền, đem bán cho người trồng dưa tại thôn Suối Cối 1, xã Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân là phân giả. 

Vụ phát hiện hàng tấn phân bón giả: Thêm hàng chục hộ dân trình báo ảnh 2
Nhiều người mua phải phân bón giả đến trại dưa ở thôn Suối Cối 1 để đối chiếu, kiểm tra


Để tìm hiểu rõ ngọn nguồn vụ việc, phóng viên đã liên hệ với bà N.T.T., đại diện đại lý phân bón A.T. Qua trao đổi, bà T. thừa nhận đã bán 48 bao phân cho 5 hộ dân đang sản xuất dưa tại xã Xuân Quang 1, huyện Đồng Xuân. Sau khi nghe người dân phản ánh, bà T. đã khắc phục bằng cách đem 48 bao phân của CTCP phân bón Bình Điền đến tận các trại dưa bồi hoàn.

Tuy nhiên, khi được hỏi về nguồn gốc của loại phân này, bà T. cho biết, phân được mua lại từ một số đại lý khác trên địa bàn tỉnh Bình Định, rồi cung cấp cho người trồng dưa. Còn việc mua, bán, số lượng bao nhiêu bà T. không biết, vì trong thời gian diễn ra vụ việc, bà đang đi nuôi chồng bị bệnh tại TP Hồ Chí Minh nên không kiểm soát được công việc ở nhà. Theo bà T., 48 bao phân đã bán cho những hộ trồng dưa ở thôn Suối Cối 1 là bán nợ, sau thu hoạch mới thu tiền. Mỗi bao phân có giá từ 720.000-730.000 đồng.  

Phong trào trồng dưa hấu phủ bạt cho năng suất cao phát triển mạnh trong vài năm trở lại đây tại các huyện miền núi của tỉnh Phú Yên và các tỉnh lân cận, với diện tích hàng nghìn hécta. Tại tỉnh Phú Yên, khởi nguồn, dưa hấu được những người Bình Định đến thuê đất hoặc hợp tác với người dân ở huyện Đồng Xuân để trồng, sau đó lan sang huyện Sơn Hòa và Sông Hinh. Do thiếu vốn, nhiều người trồng dưa đến các đại lý ở tỉnh Bình Định ứng trước vật tư, phân bón, khi thu hoạch xong mới hoàn trả theo mức lãi suất thỏa thuận.

Lợi dụng lòng tin của nông dân, một số đại lý hám lợi, tung ra thị trường sản phẩm kém chất lượng, thậm chí giả thương hiệu để thu lợi bất chính, làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của nhà sản xuất chân chính, gây thiệt hại lớn về kinh tế cho người dân. Đề nghị các ngành chức năng của tỉnh Phú Yên và Bình Định khẩn trương phối hợp điều tra, xử lý, sớm ngăn chặn thực trạng này.