Vụ nữ sinh ở Hưng Yên bị hành hạ: "Kẻ tội đồ" đáng trách nhất là ai?

ANTD.VN - Một vụ hành hạ dã man bạn học lại vừa xảy ra ở trường THCS Phù Ủng (huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên). Rất nhiều vụ bạo lực học đường khiến dư luận phẫn nộ, làm cho người trong cuộc phẫn uất như vậy đã xảy ra, nhưng dường như chẳng có gì đảm bảo những vụ việc đó không tiếp diễn. Bởi đằng sau đó, luôn có những "kẻ tội đồ" đáng trách nhất, và vẫn chưa được xử lý một cách đích đáng!

Hình ảnh khiến tất cả những người có lương tri đều cảm thấy phẫn nộ 

Nếu là một người có lương tri, thử hỏi có ai không cảm thấy phẫn nộ, khi xem video clip quay lại cảnh nhóm nữ sinh lớp 9 ở trường THCS Phù Ủng (Ân Thi, Hưng Yên) hành hạ bạn học của mình? Từ cảnh lột quần áo để hạ nhục nhẫn tâm tới tiếng khóc oan ức của nạn nhân, và những cú ra đòn chí mạng vào đầu, vào mặt người bạn học cùng lớp...

Nhưng lạ lùng thay! Khi sự việc trở nên “bung bét”, báo chí vào cuộc, người ta mới biết chi tiết thậm chí còn gây phẫn uất hơn cả những cú đấm, cú đá, cú lột đồ dã man ấy: Giáo viên chủ nhiệm biết rõ sự việc, nhưng lại yêu cầu các học sinh liên quan phải xóa clip, giữ im lặng về hành vi bạo lực học đường nhắm vào một nữ sinh yếu thế!

Ngôi trường xảy ra sự việc

Nếu không có sự rò rỉ ngoài ý muốn, thì có lẽ, hành vi bạo lực phi nhân tính ấy vẫn tiếp diễn, và để lại vô số vết sẹo tâm hồn cho tất cả: Cho nạn nhân, cho những học sinh ra tay đánh bạn dã man, cho những bạn học chứng kiến sự việc, chứng kiến cách hành xử “bịt miệng” của vị giáo viên chủ nhiệm.

Đáng buồn hơn nữa, sự việc trên xảy ra sau khi câu hỏi về trách nhiệm của giáo viên  trong vụ hiệu trưởng dâm ô các nam sinh ở trường phổ thông dân tộc nội trú THCS huyện Thanh Sơn (Phú Thọ) vẫn chưa có lời đáp. Ở sự việc đó, đã có thông tin rằng, giáo viên tại trường biết về sự việc, nhưng thay vì lên tiếng theo đúng lương tri, họ lại giữ im lặng và coi như đó chẳng phải việc của mình. Trong một môi trường đậm đặc mùi giả dối, trốn tránh trách nhiệm đó, làm sao có thể hy vọng các em học sinh phát triển bình thường theo hướng tích cực, khi trước mắt các em, sự bất công và phi lý hiện diện rõ ràng đến thế?

Sau mỗi sự việc, những giáo viên không đủ tư cách đó đều đã phải nhận hình thức kỷ luật hoặc đối diện với hình phạt của pháp luật. Nhưng như thế đã là đủ, là đích đáng? Câu trả lời chắc chắn vẫn còn bị bỏ ngỏ, chừng nào ngành giáo dục vẫn chưa gạt bỏ được tính hình thức trong những chương trình hô hào nói “không” với thành tích, thi đua...

Nếu dung dưỡng những hành vi phi nhân tính trong môi trường giáo dục, thì đó là một tội ác.