Vụ nữ sinh Hưng Yên bị bạo hành trong lớp học: Chuyên gia tâm lý dạy trẻ cách đối phó khi bị bắt nạt

ANTD.VN -Vụ việc nữ sinh Hưng Yên bị bạn học lột quần áo, bạo hành trong lớp học đã gây chấn động dư luận những ngày qua. Liên quan đến sự việc này, Tiến sỹ Tâm lý Hoàng Cẩm Tú cho rằng, việc đưa ra hình thức xử lý nghiêm khắc đối với những học sinh vi phạm là điều cần thiết nhằm đảm bảo tính răn đe.

Đừng xử lý qua loa cho… xong chuyện

Thời gian qua, sau những vụ bạo lực học đường liên tiếp xảy ra, cơ quan chức năng đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật đồng thời tiến hành nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn phòng, chống tình trạng này tại các trường học. Tuy vậy, vụ việc nữ sinh Hưng Yên bị bạn học lột quần áo, bạo hành trong lớp học lại cho thấy những giải pháp trên chưa thực sự hiệu quả.

Trở lại với sự việc xảy ra với em học sinh ở Hưng Yên, mặc dù việc đuổi học những học sinh đã có hành vi vi phạm pháp luật là điều không ai mong muốn song các em cần phải chịu trách nhiệm về việc làm của mình. Vụ việc đã không dừng lại ở câu chuyện bạo lực học đường khi học sinh bị bắt nạt mà đó còn là sự vô cảm, vô trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm, căn bệnh thành tích trong không ít nhà trường – Tiến sỹ Hoàng Cẩm Tú cho biết.

Một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng bạo lực học đường là do ở tuổi dây thì, tâm sinh lý học sinh khá phức tạp. Các em thích thể hiện và khẳng định bản thân mà không ý thức được những hành động sai trái của mình, chưa được giáo dục đầy đủ về việc chịu trách nhiệm với vấn đề mình gây ra.

Mặt khác, công tác tổ chức quản lý của nhiều giáo viên và nhà trường còn lỏng lẻo. Không ít thầy cô không nắm bắt được tâm tư, tình cảm của học sinh, không khuyến khích những điều tích cực và kiên quyết đấu tranh với cái xấu, xử lý vi phạm  trong lớp một cách qua loa cho xong chuyện,

Điều đáng nói là, trong nhiều vụ bạo hành, một số học sinh trực tiếp chứng kiến bạn bị đánh đập, hành hung rất dã man nhưng không có hành động can ngăn mà chỉ giơ điện thoại ra quay, chụp. Đây chính là hệ quả của việc các em không được giáo dục cách ứng xử với các tình huống trong cuộc sống hàng ngày, thiếu tình yêu thương, không có sự đồng cảm, sẻ chia với những người xung quanh.

Cần dạy con cách ứng phó, phòng vệ khi bị bắt nạt

Cũng theo Tiến sỹ Hoàng Cẩm Tú, trong các vụ bạo lực học đường, hầu hết những học sinh bị bắt nạt là những em nhút nhát, yếu đuối, bị cô lập, không dám phản kháng, không có hành động tự bảo vệ mình.

Để hạn chế điều này, thay vì giáo dục con em mình cách sống cam chịu, chấp nhận  bạo lực như một điều hiển nhiên trong cuộc sống, cha mẹ và thầy cô hãy giúp trẻ hạn chế các yếu tố bất lợi ngay từ khi còn nhỏ, dậy con ứng phó và phòng vệ với nạn bạo lực học đường.

Cụ thể, cha mẹ có thể giúp trẻ hiểu phải làm gì khi bị bắt nạt, tuyệt đối không sử dụng bạo lực với con, luôn gần gũi trẻ để có thể nắm bắt kịp thời những sự việc diễn ra đối với con mình. Bên cạnh đó, cha mẹ không nên để trẻ cô độc mà cần dạy con kết bạn. Khi thấy con bị tẩy chay hay bị bắt nạt,  trước hết hãy để con tự xử lý, chỉ đưa ra lời khuyên trong trường hợp cần thiết, không nên vội vàng giải quyết thay con. Cha mẹ cũng cần  dạy con ứng phó khi bị bạo hành…

Vụ nữ sinh ở Hưng Yên bị bạo hành dã man gây chấn động dư luận những ngày qua (ảnh TTXVN)

“Khi bị bạo lực học đường, trẻ  có xu hướng giữ im lặng vì nghĩ nếu báo với cô giáo hoặc bố mẹ sẽ càng bị đánh đau hơn. Cha mẹ cần nhận biết điều này qua một số dấu hiệu như con sợ đi học, có tâm lý bất thường (khó ngủ, thường xuyên gặp ác mộng, muốn ở một mình…), xuất hiện thương tích trên cơ thể” – Tiến sỹ Cẩm Tú khuyến cáo.

Nếu thấy trẻ có dấu hiệu trên, cha mẹ cần thể hiện tình yêu, sự quan tâm tới con để trẻ có thể chia sẻ về sự việc đã xảy ra. Có thể nói, giải pháp hữu hiệu để giải quyết nạn bạo lực học đường hiện nay là các bậc phụ huynh cần thật sự quan tâm đến con cái và trở thành rào chắn cho trẻ, dành nhiều thời gian để tìm hiểu và nắm bắt sự thay đổi trong tâm sinh lý của con em mình, từ đó kịp thời điều chỉnh suy nghĩ và hành vi của các em.

Về phía nhà trường, thầy cô nên gần gũi với học sinh, kịp thời nắm bắt những mâu thuẫn giữa các em để có biện pháp can thiệp. Nhà trường cần coi trọng việc giáo dục đạo đức, cách ứng xử, lối sống cho các em nhằm ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng bạo lực học đường đang diễn biến ngày càng phức tạp.