Vụ mua ụ nổi hơn 24 triệu USD: Cục Đăng kiểm vô can(?!)

ANTĐ - Liên quan đến những sai phạm gây thất thoát tiền tỷ xảy ra tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), theo lý giải của nguyên lãnh đạo Vinalines, việc mua ụ nổi đã được Cục Đăng kiểm Việt Nam kiểm định chất lượng và cấp phép.

Trước quả bóng trách nhiệm trên, chiều 23-5, ông Trịnh Ngọc Giao, Cục trưởng Cục Đăng kiểm đã có báo cáo gửi Bộ trưởng Bộ GTVT về vấn đề này. Ông Giao cho biết, ụ nổi 83M, được giám định và thẩm định theo quyết định 2570/2003/QĐ-BGTVT ngày 29-8-2003 của Bộ GTVT, Cục Đăng kiểm có nhiệm vụ “Giám định trạng thái kỹ thuật phương tiện, thiết bị giao thông vận tải theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước hoặc chủ phương tiện thiết bị”. Theo đó, ngày 17-7-2007, Vinalines đã có văn bản đề nghị Cục Đăng kiểm cử một đăng kiểm viên tham gia đoàn công tác đánh giá trạng thái kỹ thuật ụ nổi tại Nakhodka, Liên bang Nga. Cục Đăng kiểm đã cử đăng kiểm viên Lê Văn Dương, thuộc Chi cục Đăng kiểm số 6, TP Hồ Chí Minh thực hiện công việc theo yêu cầu của Vinalines. 

Trong quá trình công tác, đăng kiểm viên Dương đã thực hiện kiểm tra giám định trạng thái kỹ thuật ụ nổi 83M từ ngày 2 đến 6-8-2007, tại Nhà máy sửa chữa tàu Nakhodka. Biên bản kiểm tra giám định được lập ngày 8-8-2007. Đến ngày 15-8, Vinalines có văn bản đề nghị Cục Đăng kiểm thẩm định trạng thái kỹ thuật của ụ nổi. Căn cứ vào biên bản kiểm tra, giám định ngày 8-8, các hồ sơ và các loại giấy chứng nhận, ngày 16-8, Cục Đăng kiểm đã có văn bản về thẩm định trạng thái kỹ thuật của ụ nổi 83M gửi Vinalines.

Cục Đăng kiểm Việt Nam đánh giá, tại đợt kiểm tra thực hiện đầu tháng 8, ụ nổi cơ bản vẫn đáp ứng các quy định về an toàn và bảo vệ môi trường để hoạt động với sức nặng 16.500 tấn. Nhưng do không thực hiện đầy đủ các yêu cầu về kiểm tra hàng năm, nên ụ đã bị Đăng kiểm tàu biển Nga (RMRS) treo cấp giấy chứng nhận phân cấp của ụ đã bị mất hiệu lực. Đồng thời, do không thực hiện đầy đủ chế độ bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên, đặc biệt là chưa thực hiện sửa chữa lên đà từ khi xuất xưởng, nên tại thời điểm kiểm tra giám định, ụ có nhiều khiếm khuyết. Trong trường hợp được đưa lên đà thực hiện đầy đủ khối lượng sửa chữa định kỳ theo quy định, ụ có thể khôi phục trạng thái kỹ thuật để sử dụng bình thường, và có khả năng thỏa mãn các quy định về an toàn và phòng ngừa ô nhiễm môi trường của Việt Nam. 

Sau công văn thẩm định ngày 16-8, ông Giao cho biết, Cục này không nhận được yêu cầu và cũng không thực hiện bất kỳ công việc đăng kiểm nào đối với ụ nổi 83M nữa. Ngày 14-11-2011, Cục Đăng kiểm nhận được văn bản của Cục Cảnh sát phòng chống tham nhũng đề nghị cung cấp hồ sơ liên quan đến chứng nhận đăng kiểm ụ nổi. Theo ông Giao, phải đến thời điểm này, Cục Đăng kiểm trao đổi với Vinalines và được biết, năm 2008, ụ nổi đã được Vinalines mua, chuyển về Việt Nam và đưa lên đà của Công ty TNHH Nhà máy tàu biển Huyndai Vinashin, Khánh Hòa để sửa chữa dưới sự giám sát của kỹ thuật đăng kiểm RMRS. Sau đó, ụ được Cơ quan Đăng ký tàu biển và Thuyền viên khu vực Sài Gòn cấp giấy chứng nhận đăng ký tạm thời ngày 25-3-2011. Như vậy, ông Giao khẳng định, từ sau biên bản thẩm định cấp ngày 16-8, cuối tháng 8-2007 đến nay, Cục Đăng kiểm không có bất kỳ tài liệu nào về việc đăng kiểm ụ nổi 83M của Vinalines.