Vụ máy bay chở khách hãng Asiana Airlines gặp nạn: Trong cái rủi có cái may

ANTĐ - Cất cánh từ sân bay quốc tế Incheon tại Thủ đô Seoul của Hàn Quốc, chiếc Boeing 777 của hãng Asiana Airlines đã gặp nạn và bốc cháy nghi ngút khi hạ cánh xuống sân bay quốc tế San Francisco (Mỹ) ngày 7-7, buộc 291 hành khách và phi hành đoàn 16 người phải trượt xuống đường băng qua cửa thoát hiểm. Số nạn nhân thiệt mạng chỉ dừng lại ở 2 người. Điều gì đã làm nên điều kỳ diệu này?

Phát biểu trong cuộc họp báo đầu tiên sau vụ tai nạn, tại thành phố Seoul, đại diện hãng hàng không Asiana, cho biết, các chuyên gia Hàn Quốc đã xem xét từng bộ phận của chiếc máy bay gặp nạn tại thành phố San Francisco, song không phát hiện bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy đã xảy ra trục trặc kỹ thuật. Đại diện của hãng cho biết không loại trừ khả năng tai nạn xảy ra do lỗi của con người, song nhấn mạnh rằng các phi công trên chiếc máy bay gặp nạn đều là những người có thâm niên và kinh nghiệm làm việc.

Chiếc máy bay cháy nham nhở, nhưng hơn 300 người may mắn thoát chết

Bay cách mặt biển... 3 mét

Nhà chức trách Mỹ đã điều tra nguyên nhân vụ tai nạn qua dữ liệu từ hộp đen và các nhân chứng. Đội bay và các hành khách được lựa chọn ngẫu nhiên để lấy tường trình trong khi các chuyên gia phân tích các dữ liệu cụ thể được ghi lại trong suốt hành trình.

Ngay trước khi hạ cánh chỉ vài giây, nhiều hành khách trên chuyến bay 214 của hãng hàng không Asiana này cảm thấy “có điều gì đó khủng khiếp đang xảy ra”. Chiếc máy bay đã gần tới sân bay quốc tế San Fracisco dưới bầu trời nắng đẹp, tầm nhìn tốt, nhưng nó đã bay quá thấp, ở mức nguy hiểm.

Hành khách Benjamin Levy nhìn ra ngoài cửa sổ từ chỗ ngồi ở hàng ghế 30K. Anh kể lại rằng, nhìn thấy nước ở vịnh San Francisco chỉ khoảng 3 mét phía dưới. Thậm chí đối với một sân bay có đường băng gần biển, khoảng cách này còn xa mới đạt tiêu chuẩn an toàn. 

“Tôi không thấy đường băng đâu cả, chỉ thấy toàn nước”, anh Levy hãi hùng nhớ lại - “Tôi biết rõ sân bay này, tôi biết là phi công đã cho máy bay bay quá thấp, quá nhanh và anh ta sẽ không hạ cánh êm ái được... thậm chí khi thấy có vấn đề anh ta còn tăng tốc để bay lên”. 

Theo Cơ quan quản lý hàng không dân dụng Mỹ, sau khi đâm xuống đường băng, chiếc Boeing 777 bốc cháy từ khu vực buồng lái, đuôi máy bay bị mất và một cánh bị gãy gục. Nóc máy bay bị nổ tung và các mảnh vụn rơi khắp khu vực sân bay. 2 người thiệt mạng và 181 người bị thương, trong đó gần 50 người vẫn trong tình trạng nguy kịch.

Phi công “chưa quen” máy bay

Sáng 8-7, người phát ngôn Asiana Airlines đã cung cấp thêm một thông tin gây chấn động. Phi công lái chiếc máy bay gặp nạn này mới chỉ... làm quen với loại Boeing 777 có 43 giờ bay. “Đó là chuyến bay đầu tiên của phi công Lee Kang-kook với loại máy bay này. Phi công này vẫn trong quá trình làm quen với Boeing 777 dù đã có nhiều kinh nghiệm bay đường dài. Ngay cả các phi công lão luyện cũng cần thời gian để quen với loại máy bay mới”, người phát ngôn Asiana Airlines biện minh. 

Đại diện của Asian Airlines cũng cho biết thêm, phi công Lee Kang-kook không hề đơn độc khi xử lý, anh ta còn có một phi công khác hỗ trợ có đến 3.220 giờ bay với loại Boeing 777. 

Theo kết quả điều tra của Cơ quan quản lý hàng không dân dụng Mỹ, phi công có 9.793 giờ bay này đã định hạ độ cao với tốc độ dưới chuẩn nhưng sau đó cố bay lên vì biết mình sai lầm, nhưng không kịp. 

Asiana Airlines xác nhận có 291 hành khách và 16 thành viên phi hành đoàn trên chuyến bay 214. Nhìn vào đoạn phim ghi lại hình ảnh máy bay cháy  sau tai nạn, một số người có thể rất ngạc nhiên khi thấy con số thương vong khá thấp trong khi có tới hơn 300 người trên máy bay.

Máy bay Boeing 777 được thiết kế để tất cả mọi người có thể rời máy bay trong vòng 90 giây kể cả khi một nửa số cửa không hoạt động. Các bánh máy bay có thể rời ra khỏi bụng máy bay, thân máy bay và ghế ngồi đã được gia cố để bảo vệ hành khách. Trong vụ máy bay Asiana gặp nạn, một bên của máy bay bị hư hại nhiều hơn bên kia - dường như đó là khu vực chính bị cháy, vì thế cánh cửa bên đang có lửa sẽ không được mở.

Những thước phim do hành khách ghi lại sau khi máy bay gặp nạn cho thấy máng trượt được triển khai và mọi người thoát khỏi máy bay trước khi ngọn lửa bao trùm chiếc Boeing. Các chuyên gia cho rằng, nhiều người có thể sống sót sau tai nạn máy bay là do phi hành đoàn được huấn luyện kỹ càng và các hành khách được hướng dẫn cụ thể phải làm gì khi trường hợp khẩn cấp xảy ra. Điều quan trọng đối với hành khách là họ biết rõ nơi thoát hiểm, chấp nhận bỏ lại hành lý và rời máy bay nhanh chóng, có trật tự theo hướng dẫn của phi hành đoàn.