Vụ kiện bản quyền “Biệt động Sài Gòn”: Tác giả đích thực là ai?

(ANTĐ) - Bộ phim từng gây nên cơn sốt tại các rạp chiếu phim vào những năm 80 của thế kỷ trước sau 23 năm lại sôi động trở lại trên mặt báo bởi... vụ kiện bản quyền giữa hai tác giả kịch bản: Nguyễn Thanh và Lê Phương. Nguyên đơn của vụ kiện – nhà báo quân đội Nguyễn Thanh khẳng định: ông  là tác giả duy nhất của kịch bản “Biệt động Sài Gòn”, đồng thời yêu cầu số tiền nhuận bút, bồi thường tác quyền lên đến con số hàng tỷ đồng.

Vụ kiện bản quyền “Biệt động Sài Gòn”: Tác giả đích thực là ai?

(ANTĐ) - Bộ phim từng gây nên cơn sốt tại các rạp chiếu phim vào những năm 80 của thế kỷ trước sau 23 năm lại sôi động trở lại trên mặt báo bởi... vụ kiện bản quyền giữa hai tác giả kịch bản: Nguyễn Thanh và Lê Phương. Nguyên đơn của vụ kiện – nhà báo quân đội Nguyễn Thanh khẳng định: ông  là tác giả duy nhất của kịch bản “Biệt động Sài Gòn”, đồng thời yêu cầu số tiền nhuận bút, bồi thường tác quyền lên đến con số hàng tỷ đồng.

“Biệt động Sài Gòn” có bao nhiêu phần trăm trong “Những thiên thần ra trận”?

Ông Nguyễn Thanh vốn là phóng viên chiến trường của báo Quân đội nhân dân. Sau giải phóng năm 1975, Nguyễn Thanh thường xuyên được gặp gỡ, tiếp xúc với các chiến sỹ tình báo miền Nam và đã viết nên nhiều ký sự, phóng sự biệt động nổi tiếng, trong đó có chân dung Tư Chu – hình mẫu của nhân vật Tư Chung trong phim.

Theo ông Nguyễn Thanh, khoảng năm 1981, ông Lê Phương có đến gặp ông đặt hàng một kịch bản phim nhựa về biệt động Sài Gòn cho Hãng phim truyện Việt Nam.

Ông Thanh đồng ý và hoàn thành kịch bản mang tên “Thành phố gọi những tình yêu” hay “Biệt động Sài Gòn” vào cuối năm 1981 dựa trên những tác phẩm ký và những bài báo về biệt động mà ông từng viết cùng vốn tài liệu mà ông có được từ những chuyến đi thực tế.

Ông Thanh cũng cho biết trong quá trình viết kịch bản, ông Lê Phương có nói rằng thời gian cần viết gấp, nên ông Thanh viết đến đâu, ông Phương lấy đến đó. Cụ thể là 3 lần ông Lê Phương đến lấy kịch bản của ông Nguyễn Thanh....

Tuy nhiên, sau này, ông Lê Phương cho biết: “Biệt động Sài Gòn” của ông Thanh không được Hội đồng duyệt chấp nhận nên ông Phương phải viết lại một kịch bản mới có tựa đề: “Những thiên thần ra trận”. Và từ kịch bản này đã được duyệt để sản xuất phim “Biệt động Sài Gòn”.

Vì thế, ông Lê Phương mới là người viết chính nên đề nghị số tiền nhuận bút sẽ chia theo tỷ lệ: 1/3 cho Nguyễn Thanh và 2/3 cho Lê Phương. Tuy nhiên đề nghị này không được ông Thanh chấp nhận.

Ông Thanh đã ký vào thỏa thuận trên với chú thích: đề nghị cho xem kịch bản “Những thiên thần ra trận” để đối chiếu mức độ đóng góp. Vì theo ông Thanh, nếu không được biết kịch bản dựng phim đã sử dụng “bao nhiêu phần trăm” kịch bản của ông thì không thể quy định tỷ lệ 1/3 và 2/3.

Ông Thanh cũng khẳng định rằng ông chưa nhận tiền nhuận bút mà chỉ nhận 1.200 đồng là số tiền mà ông Phương đưa trong 3 lần đến lấy kịch bản và nói rằng đó là tiền bồi dưỡng vì phải viết gấp. Còn trong bản giải trình về vụ kiện với TAND thành phố Hà Nội (nơi thụ lý vụ án này) thì ông Lê Phương lại cho rằng ông Thanh đã đồng ý nhận 1/3 tiền nhuận bút, còn ông Phương 2/3. Tuy nhiên chứng cứ quan trọng là tờ giấy thỏa thuận trên thì cả hai bên hiện nay đều không còn giữ lại.

Tiếp đó, ngay khi bộ phim mới khởi quay, cơn sốt “Biệt động Sài Gòn” đã lan tỏa trên mặt báo. Bằng cách nào đó, kịch bản phim đã được đưa ra ngoài, xuất hiện dài kỳ trên Báo Sài Gòn giải phóng nhưng chỉ đề tên tác giả là Lê Phương.

Sau khi ông Lê Phương biết được điều đó đã yêu cầu Báo Sài Gòn giải phóng đề thêm tên tác giả là Nguyễn Thanh thì những số tiếp theo mới được đề tên tác giả là “Lê Phương với sự cộng tác của Nguyễn Thanh”. Sau đó, nhiều NXB khác cho in kịch bản này với tên gọi: “Những thiên thần ra trận” – tác giả Lê Phương với sự cộng tác của Nguyễn Thanh.

Cũng nhờ những kịch bản đã được in mà  ông Nguyễn Thanh mới có dịp được đối chứng với những gì đã có trong tác phẩm của mình. Theo ông, toàn bộ nhân vật, tên tuổi, hình tượng, tình tiết, nội dung “Những thiên thần ra trận” không có gì khác so với kịch bản “Biệt động Sài Gòn”.

Ông Thanh đã vạch ra hơn 20 đoạn văn dài gần như sao chép lại từng câu chữ theo kịch bản của ông. Thậm chí, ông Thanh còn cho rằng những đoạn đã bị sửa chữa, thêm vào trong kịch bản còn phá hỏng cả kịch bản của ông.  Thế nhưng, tên của Nguyễn Thanh chỉ được đặt sau chữ “với sự cộng tác”, đồng thời ông Lê Phương không hề xin phép ông trước khi đăng tải, in ấn cũng như không trả nhuận bút cho ông.

Còn ông Lê Phương lại cho rằng việc các nhà xuất bản in sách ông không hề biết, còn Báo Sài Gòn giải phóng thì sau đó có trả nhuận bút cho ông và ông có báo cho ông Nguyễn Thanh đến để nhận 1/3 nhưng ông Thanh không đến nhận.

Những tranh cãi khó phân định

Theo ông  Nguyễn Thanh thì ông  bắt đầu thắc mắc với ông Lê Phương về chuyện này từ năm 1987. Song phải đến năm 2005, khi Luật Bản quyền được áp dụng rộng rãi, ông mới chính thức đâm đơn kiện.

Trong đó, ông yêu cầu Hãng phim truyện Việt Nam phải đề tên tác giả kịch bản phim “Biệt động Sài Gòn” là Nguyễn Thanh, còn Lê Phương chỉ là biên tập. Đồng thời yêu cầu Hãng phim và Lê Phương phải bồi thường số tiền nhuận bút chưa trả tính theo giá vàng hiện nay.

Vấn đề là ở chỗ, ai mới là tác giả chính, ai là tác giả đích thực của biệt động Sài Gòn, và ai chỉ là người “cộng tác”, đồng thời việc xác định phần trăm công sức lao động trong kịch bản phim “Biệt động Sài Gòn” phải căn cứ vào kịch bản gốc.

Nhưng hiện tại bản thảo gốc này đã không còn lưu lại tại Hãng phim truyện Việt Nam, và ông Lê Phương cũng không còn giữ nữa. Song ông Nguyễn Thanh lại cung cấp một tập bản thảo cũ nhàu nát, đã được đánh máy chữ trên giấy pơluya mỏng và nói rằng ông đã đánh máy lại sau khi đưa bản thảo viết tay cho ông Lê Phương, hiện ông vẫn còn giữ lại được.

Đồng thời đến năm 1989, ông Thanh đã đăng ký bản quyền kịch bản “Biệt động Sài Gòn” tại Cục Bản quyền. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, những tài liệu đó vẫn chưa chứng minh được ai là tác giả đích thực của kịch bản “Biệt động Sài Gòn”.

Hương Bình – Hoàng Hồng

Kỳ sau: Nguyễn Thanh - Lê Phương: Hai hay một?