Vũ khí Nga tiếp tục mở rộng thị phần tại Nam Á

ANTĐ - Hiện nay, không ai ngạc nhiên trước quy mô hợp tác Nga - Ấn Độ về cung cấp máy bay chiến đấu và vận tải quân sự. Tuy nhiên, hợp đồng mới về cung cấp máy bay quân sự Nga cho Bangladesh đã gây sự chú ý lớn trên trường quốc tế. 

Thỏa thuận đạt được vào tháng 1-2013, trong khuôn khổ chuyến thăm Matxcơva của Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasin Wazed đã trở thành hiện thực, khi hai bên đã ký hợp đồng về nội dung Moscow sẽ cung cấp cho Dhaka 24 máy bay huấn luyện chiến đấu Yak-130.

Theo nguồn thạo tin, Bangladesh mua các máy bay Yak-130 của Nga bằng khoản tín dụng trị giá 1 tỷ USD mà Moscow đã cung cấp cho Dhaka cách đây một năm. Như vậy, rõ ràng là Moscow đã thể hiện ý muốn thúc đẩy sự quan tâm đến vũ khí Nga ở các nước Nam Á.

Đối với Bangladesh, hợp đồng mua máy bay Yak-130 của Nga có thể trở thành bước quan trọng để trong tương lai quốc gia Nam Á này hoàn thành qúa trình tái trang bị cho lực lượng không quân của mình. Loại máy bay huấn luyện-chiến đấu này có thể được sử dụng để đào tạo phi công cũng như thực hiện các hành động chiến đấu.

Chuyên viên quân sự Nga, ông Sergey Tomin cho biết: “Hợp đồng này sẽ đáp ứng nhu cầu của Dhaka về các máy bay huấn luyện-chiến đấu cho nhiều năm tới. Ngoài ra, máy bay Yak-130 có thể được sử dụng để đào tạo phi công cho các máy bay chiến đấu các thế hệ khác nhau và giúp họ đúc rút được những kinh nghiệm hữu ích”.

Ông Tomin còn lạc quan cho rằng, trong những năm tới, quân đội Bangladesh có thể mua máy bay MiG hoặc những máy bay chiến đấu khác của Nga. Nhờ đó, trong tương lai, Dhaka có thể trang bị thêm cho lực lượng vũ trang các máy bay tiêm kích hạng nặng và sử dụng những kinh nghiệm thu được trong quá trình vận dụng máy bay Yak-130”.

Máy bay huấn luyện-chiến đấu Yak-130 của Nga

Việc Bangladesh mua vũ khí Nga bằng chính khoản tiền mà Moscow cho vay đã khẳng định một điều, không phải ngẫu nhiên mà các quan chức Nga làm việc trong các cơ quan hợp tác quân sự-kỹ thuật đã gọi khoản tín dụng dành cho Bangladesh là một “động thái địa-chính trị”, thể hiện sự quan tâm của Nga đến các thị trường vũ khí ở Nam Á.

Chú ý đến việc Bangladesh không chỉ mua các máy bay huấn luyện-chiến đấu Yak-130 mà còn quan tâm đến các loại sản phẩm quân sự khác của Nga như máy bay trực thăng, xe bọc thép, xe tăng, cũng như máy bay Su-27, Su-30MK2 và MiG-29SMT, có thể nhận thấy, những gói mua sắm quốc phòng tương lai của Dhaka sẽ là thị trường giao dịch vũ khí đầy hứa hẹn đối với Matxcơva.

Thông tin về hợp đồng vũ khí lớn với Dhaka đã xuất hiện cùng lúc với bản báo cáo kết quả kinh doanh của các nhà xuất khẩu vũ khí Nga trong năm 2013. Trong năm qua, "Rosoboronexport" đã lập kỷ lục: Cung cấp cho các khách hàng ở 60 quốc gia thiết bị quân sự trị giá hơn 13 tỷ USD, củng cố vững chắc vị trí thứ 2 trong Top 10 nước xuất khẩu vũ khí hàng đầu thế giới.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Giám đốc điều hành của "Rosoboronexport", ông Anatoly Isaykin tuyên bố rằng, tập đoàn sẽ tập trung nỗ lực để Nga duy trì vị trí thứ hai - sau Hoa Kỳ - trên thị trường xuất khẩu vũ khí trong giai đoạn ngắn hạn từ 2-3 năm tới, vì trước mắt Nga sẽ tập trung ưu tiên trang bị các loại vũ khí hiện đại cho quân đội nước mình.

Ở châu Á, các nhà nhập khẩu chính mua vũ khí và thiết bị quân sự của Nga là Ấn Độ, Trung Quốc, Việt Nam cũng như Indonesia và Malaysia. Tuy nhiên, một sự thật hiển nhiên là có nhiều quốc gia khác rất muốn mua vũ khí của Nga, nhưng chưa thể làm như vậy do những lý do kinh tế hay địa chính trị. Điều này chứng tỏ, Nga chưa khai thác hết khả năng mở rộng thị trường xuất khẩu ở châu Á.