Vũ khí Nga liên tục “giỡn mặt” Mỹ ngay tại sân nhà!

ANTĐ - Hiện nay, hàng chục nước châu Mỹ-Latin đã, đang và ngỏ ý muốn mua vũ khí của Nga. Vũ khí Mỹ đang dần bị đánh bật ra khỏi sân nhà của mình.

Ngày 18-5, trưởng đoàn đại diện Tập đoàn công nghệ cao Rostec của Nga tham dự triển lãm công nghệ quốc phòng SITDEF 2013 tại Peru cho biết, Nga sẽ chủ động tìm kiếm các thỏa thuận mới tại thị trường vũ khí Mỹ Latinh, mà họ hy vọng ​​sẽ đạt giá trị 50 tỷ USD trong 10 năm tới.

"Theo ước tính của các chuyên gia của chúng tôi, thị phần của thị trường vũ khí Mỹ Latinh sẽ đạt khoảng 50 tỷ USD trong 10 năm tới. Nếu chúng tôi tập trung nỗ lực vào việc này, thì các hợp đồng tương ứng có thể sẽ được ký kết," ông Sergei Goreslavsky, người dẫn đầu phái đoàn Tập đoàn quốc doanh Rostec, bao gồm cả nhà xuất khẩu vũ khí Rosoboronexport, cho biết.

Máy bay trực thăng Mi-17 của Nga là mặt hàng rất được ưa chuộng

Theo ông Goreslavsky, Venezuela, Peru, Bolivia, Brazil, Argentina và Mexico đều đã quan tâm đến việc mua máy bay trực thăng và các hệ thống phòng không. Nga, nước xuất khẩu vũ khí lớn thứ hai thế giới sau Mỹ, đã có các hợp đồng vũ khí hiện tại hoặc trước đó với các nước này, cũng như với nhiều nước Mỹ Latin khác.

Trước đó trong ngày, ông Goreslavsky cho biết Nga đang đàm phán với Peru về thương vụ bán 700 xe tải Kamaz, một lô máy bay trực thăng Mi-8/17 mới và khoảng 100 xe tăng T-90 cho nước này.

Ông còn cho biết, Nga đang cân nhắc khả năng cung cấp cho Bolivia một khoản tín dụng để mua khoảng 10 chiếc máy bay trực thăng Mi-8/17.

T-90 là một trong những loại xe tăng hàng đầu thế giới

"Chúng tôi đã nhận yêu cầu từ phía Bolivia đặt mua lô hàng khoảng 10 máy bay trực thăng loại MI-8/17. Nga đang xem xét khả năng cung cấp tín dụng cho Bolivia cho mục đích này."

Theo ông Goreslavsky, Bolivia bắt đầu quan tâm đến máy bay trực thăng của Nga sau khi loại máy bay này chứng tỏ được khả năng chiến đấu ở Venezuela, nước trước đó đã mua loại máy bay tương tự.

Trong 12 năm qua, Công ty Rosoboronexport đã bán khối lượng vũ khí trị giá 14,5 tỷ USD cho các nước Mỹ Latinh.