Vụ "Hot girl Bella" nghi bạo hành con đẻ: Đừng để "mất bò mới lo làm chuồng"

ANTD.VN -Những ngày qua, dư luận xôn xao trước sự việc một phụ nữ (thường được gọi là “hot girl Bella”)  tha lôi con trai mới hơn 1 tuổi đi khắp nơi trong khi thời tiết nắng nóng, để nhiều đồ đạc đè lên người con, thậm chí còn chửi bới, đe dọa rao bán đứa trẻ…

Theo dõi sự việc liên quan đến "hot girl Bella" qua mạng xã hội, nhiều người dân cho rằng, những việc làm trên của người mẹ chính là hành vi bạo hành đứa trẻ nên cần được các cơ quan chức năng can thiệp kịp thời để bảo vệ đứa bé trước khi quá muộn. Tuy vậy, thực tế cho thấy, sự vào cuộc của các cơ quan liên quan đối với vụ việc trên và khá nhiều sự việc tương tự dường như còn chậm.

Quy định đã có…

Luật Trẻ em 2016 quy định khá đầy đủ về bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của trẻ em, bảo đảm trẻ em được sống an toàn, lành mạnh; phòng ngừa, ngăn chặn và xử lý các hành vi xâm hại trẻ em; trợ giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

Luật nghiêm cấm hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập; xâm hại thân thể, sức khỏe; lăng mạ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm; cô lập, xua đuổi và các hành vi cố ý khác gây tổn hại về thể chất, tinh thần của trẻ em. Ngoài ra, Luật Hôn nhân và Gia đình cũng nêu rõ, cha mẹ có nghĩa vụ bảo vệ chăm sóc, giáo dục trẻ em. Trong trường hợp cha mẹ không còn hoặc không đủ điều kiện để bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em thì sẽ thay thế bằng người giám hộ khác. Tuy vậy, việc thực hiện các quy định này là không hề đơn giản – Luật sư Nguyễn Thị Thu – Đoàn Luật sư Hà Nội phân tích.

Đứa trẻ mới hơn 1 tuổi bị tha lôi từ nơi này đến nơi khác

Cũng theo quy định hiện hành, khi phát hiện thông tin trẻ bị bạo hành qua mạng xã hội, qua tố giác của người dân…các cơ quan chức năng (chính quyền địa phương, Hội bảo vệ trẻ em, cơ quan công an…) phải vào cuộc xác minh làm rõ và có biện pháp xử lý phù hợp để bảo vệ trẻ khỏi các nguy cơ bị xâm hại. Trường hợp phát hiện người thân của trẻ có dấu hiệu tâm thần cần nhanh chóng đưa đối tượng đi giám định. Nếu kết quả cho thấy họ thực sự bị bệnh thì cần hạn chế hoặc tước bỏ quyền nuôi con của họ để giao cho cá nhân, tổ chức khác chăm sóc, giáo dục bảo đảm quyền lợi tốt nhất cho trẻ.

Đối tượng bạo hành trẻ không chỉ có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự mà còn bị tòa án tước quyền làm cha mẹ theo đề nghị của một số cơ quan như kiểm sát, hội liên hiệp phụ nữ, ủy ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em, song quy định này dường như vẫn chỉ nằm trên giấy. Mặt khác, hiện cũng chưa có hướng dẫn cụ thể cơ quan, tổ chức xã hội nào có trách nhiệm nhận nuôi, dạy người chưa thành niên trong trường hợp cha, mẹ bị hạn chế quyền. Những bất cập này đã không ít trẻ đã bị chính cha, mẹ, người thân trong gia đình bắt, nhốt lại, đánh, đánh đập, hành hạ dã man trong thời gian dài nhưng không được can thiệp kịp thời đã phải nhập viện cấp cứu...

Cộng đồng thờ ơ, chính quyền  địa phương thiếu trách nhiệm

Về nguyên nhân dẫn đến tình trạng bạo hành trẻ trong gia đình, Tiến sỹ Tâm lý Hoàng Cẩm Tú cho rằng, không ít phụ huynh thiếu hiểu biết về pháp luật, không phân biệt được giữa phạt con và bạo hành trẻ em, họ quan niệm “yêu cho roi cho vọt”. Chính điều đó vô tình  tạo ra tâm lý bố mẹ có quyền sử dụng bạo lực với con cái nhằm mục đích giáo dục. Bên cạnh đó, một số người trực tiếp chăm sóc trẻ thiếu kỹ năng hướng dẫn, giáo dục trẻ. Khi không đạt được mong muốn bằng lời nói, họ sử dụng vũ lực như một biện pháp buộc trẻ phải nghe lời.

Kết quả khảo sát cho thấy, gia đình xảy ra nạn bạo hành đối với con cái thường là những gia đình không hạnh phúc, có mâu thuẫn giữa vợ chồng hoặc người mẹ đơn thân nuôi con,  họ luôn trong tình trạng bí bách về mặt tinh thần, có người bị trầm cảm, stress nên thiếu kiềm chế. Những hành động bạo hành dã man này gây thương tích nặng nề cho trẻ về mặt thể chất, tinh thần, có thể khiến trẻ có thể hung hãn khi trưởng thành, trầm cảm, hình thành tâm lý chống đối, tự ti và có tâm lý tiêu cực, dễ bị ảnh hưởng bởi tệ nạn xã hội…

Điều đáng nói là, trẻ bị bạo hành trong gia đình thường kéo dài, khó bị phát hiện, thường chỉ vỡ lở khi đã có hậu quả nghiêm trọng. Chính sự vô cảm, ích kỷ, mạnh ai nấy sống của không ít cá nhân, sự thờ ơ, thiếu trách nhiệm của chính quyền địa phương đã khiến tình trạng trẻ bị bạo hành vẫn tiếp diễn ngày càng phức tạp.

“Thật đau lòng khi có những vụ bạo hành trẻ xảy ra một thời gian dài mà những người hàng xóm, lãnh đạo và chính quyền địa phương không hề biết hoặc có biết nhưng vẫn nhắm mắt cho qua. Để chấm dứt tình trạng này cần có sự vào cuộc khẩn trương và phối hợp chặt chẽ của các cơ quan chức năng, tránh “mất bò mới lo làm chuồng” – Tiến sỹ Hoàng Cẩm Tú chia sẻ.