Vụ hoa quả để lâu không thối, mốc: Tự làm người tiêu dùng… “bác học”?!

ANTĐ - An toàn vệ sinh thực phẩm luôn là chủ đề được dư luận quan tâm, bởi nó ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe của mọi người. Nhưng cái cách chúng ta phải tiếp nhận thông tin về mất an toàn vệ sinh thực phẩm thì quả thật… khó nói, vì nó dở dang như một câu chuyện kể: Có mở đầu, có thân nội dung nhưng… mãi chẳng có cái kết!

Bất kể thông tin nào khám phá ra tình trạng mất an toàn vệ sinh thực phẩm đều trở thành đề tài nóng bỏng trên các mặt báo, được độc giả đặc biệt quan tâm. Từ bánh phở có phoocmon, bún được tẩy trắng, hành phi bẩn cho tới giá “kích phọt”, thịt ươn “biến hóa” thành thịt tươi…tới giờ, dư luận lại có dịp lo lắng trước những thông tin hoa quả để cả năm trời mà không hỏng.

Nếu lên Google mà tìm kiếm thông tin về những vụ việc mất an toàn vệ sinh thực phẩm đó, chúng ta sẽ thu được cả “rổ” nội dung, nhưng… nếu tìm xem những chất hóa học độc hại được sử dụng là gì, ảnh hưởng ra sao tới sức khỏe con người và có cách nào nhận biết để phòng tránh, thứ chúng ta nhận được gần như chỉ là số 0 tròn trĩnh.

Hoa quả bị tẩm hóa chất thì rửa sạch tới đâu, người tiêu dùng vẫn có nguy cơ nhiễm độc

Rõ ràng, người dân thường không thể tự mình khám phá ra những thông tin đó, họ chờ đợi các chuyên gia, nhà khoa học công bố kết quả xét nghiệm và cho lời khuyên thông qua những tin bài trên mặt báo. Song khi chính những người có chuyên môn và trách nhiệm im hơi lặng tiếng, các phóng viên chẳng biết tìm đâu ra lời giải cho độc giả, thế mới sinh ra chuyện có cây bút đi phỏng vấn… bà bán hàng để biết “hoa quả được tẩm chất độc hại vào cho đẹp mã, để được lâu”.

Nhưng rốt cục, cái chất đó là gì, độc tới đâu thì vẫn là ẩn số, còn bà bán hàng thì được đặt vào vai trò lẽ ra là của… những chuyên gia, nhà quản lý! 

Thật là hài hước khi biết chúng ta có những viện, những cơ quan, cơ sở xét nghiệm hóa học có chuyên môn, nhưng tới giờ, thứ giúp cho hoa quả đẹp mã, tươi lâu, thịt hỏng thành tươi…vẫn được gọi chung là… “chất lạ” hay “chất bảo quản”, một cách gọi “u u mê mê” như thể câu chuyện về mất vệ sinh an toàn thực phẩm chẳng bao giờ có hồi kết.
 

Hài hước hơn nữa khi ông giám đốc Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế Lạng Sơn từng chia sẻ hồi tháng 9-2014 là từ 3, 4 năm trước, họ từng lấy mẫu trái cây Trung Quốc kiểm nghiệm nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả. 

Vậy mới ngẫm cái khổ của người tiêu dùng xứ ta: Được khuyên “hãy là người tiêu dùng thông minh” như một cách tự bảo vệ mình trước nhan nhản thứ độc hại. Nhưng tới các chuyên gia, nhà khoa học có chuyên môn mà còn “bó tay” tới vài năm chẳng biết đó “chất lạ” gì, thì có lẽ, để mua được những loại hoa quả mau hỏng theo lẽ tự nhiên, mỗi người sẽ phải trở thành “người tiêu dùng… bác học”!