Vụ hàng nghìn lao động thủy lợi bị nợ lương: Chiều nay tiền đã về, sẽ chi trả ngay công nhân

ANTD.VN -  Trao đổi với báo chí liên quan đến việc hàng nghìn công nhân thủy lợi ở Hà Nội bị nợ lương suốt 2 năm qua, ông Phạm Quý Tiên, Chánh Văn phòng UBND TP – người phát ngôn của UBND TP Hà Nội cho biết, lỗi đầu tiên thuộc về thủ trưởng 5 doanh nghiệp thủy lợi để xảy ra tình trạng trên.
Trao đổi với báo chí liên quan đến việc hàng nghìn công nhân thủy lợi ở Hà Nội bị nợ lương suốt 2 năm qua, ông Phạm Quý Tiên, Chánh Văn phòng UBND TP – người phát ngôn của UBND TP Hà Nội cho biết, lỗi đầu tiên thuộc về thủ trưởng 5 doanh nghiệp thủy lợi để xảy ra tình trạng trên.
Trao đổi với báo chí liên quan đến việc hàng nghìn công nhân thủy lợi ở Hà Nội bị nợ lương suốt 2 năm qua, ông Phạm Quý Tiên, Chánh Văn phòng UBND TP – người phát ngôn của UBND TP Hà Nội cho biết, lỗi đầu tiên thuộc về thủ trưởng 5 doanh nghiệp thủy lợi để xảy ra tình trạng trên.

Ông Phạm Quý Tiên trao đổi với báo chí tại buổi họp giao ban

Chiều nay, 30-1, tại cuộc họp giao báo chí hàng tuần do Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội tổ chức, Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội Phạm Quý Tiên cùng đại diện Sở NN&PTNT, Sở Tài chính Hà Nội đã trực tiếp trả lời một số câu hỏi liên quan đến vấn đề hàng nghìn công nhân tại 5 công ty khai thác thủy lợi ở Hà Nội bị nợ lương suốt 2 năm qua.

Trách nhiệm đầu tiên thuộc về Giám đốc 5 công ty thủy lợi

Trước đó, một số phương tiện thông tin đại chúng đăng tải thông tin về việc khoảng 3.700 công nhân ở 5 công ty khai thác thủy lợi của Hà Nội bị nợ lương hai năm qua, phải viết tâm thư gửi Chủ tịch UBND TP Hà Nội.

Chẳng hạn tại Công ty đầu tư phát triển thủy lợi sông Đáy, tình trạng chậm lương diễn ra từ cuối năm 2015 đến nay hay tại Công ty đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ - đơn vị có trên 1.000 công nhân, hàng tháng công ty chỉ đủ kinh phí ứng lương cho người lao động (gồm cả ban lãnh đạo) số tiền 2 triệu đồng/người. Tình trạng tương tự cũng diễn ra tại Công ty thủy lợi sông Tích, Mê Linh.

Về vấn đề này, Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội Phạm Quý Tiên nêu rõ, trách nhiệm đầu tiên thuộc về 5 công ty thuỷ lợi khi toàn bộ hồ sơ thanh quyết toán của năm 2016 gửi chậm. Dù vậy, còn có nguyên nhân khách quan là do sự thay đổi chính sách về định mức, đơn giá dịch vụ công ích thủy lợi, ảnh hưởng đến nguồn thu và gây ra nhiều khó khăn cho các đơn vị này.

Ông Tiên cho biết, năm 2016, định mức đơn giá do UBND TP Hà Nội ban hành đã được tính đúng, tính đủ chi phí thực hiện cung ứng dịch vụ thủy lợi. Tuy vậy, qua kiểm tra, khâu nghiệm thu, thanh quyết toán của các công ty vừa qua còn chậm. Việc nghiệm thu thanh quyết toán chậm dẫn đến nguồn tiền ngân sách rót về các công ty chậm, từ đó việc chi trả lương cho công nhân chậm.

“Trách nhiệm ở đây trước hết thuộc về Giám đốc của 5 công ty thủy lợi trong việc tổ chức nghiệm thu, thanh quyết toán’ – ông Tiên nêu rõ.

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Trần Thanh Nhã trả lời thêm báo chí về vụ hàng nghìn công nhân thủy lợi bị nợ lương

Đến năm 2017, thực hiện Luật phí, lệ phí mới có hiệu lực, Bộ Tài chính đã ban hành thông tư số 250 quy định giá tối đa dịch vụ công ích thủy lợi, trong đó quy định mức trần giá sản phẩm dịch vụ công ích thủy lợi được quy định bằng định mức thủy lợi tại quy định số 67 năm 2012 của Chính phủ.

Triển khai quy định này, UBND TP Hà Nội đã ban hành quyết định số 55 về giá dịch vụ công ích thủy lợi trên địa bàn thành phố, có hiệu lực từ đầu năm 2017. Mức giá dịch vụ công ích thủy lợi do thành phố ban hành bằng mức giá tối đa theo quy định của thông tư 250 do Bộ Tài chính quy định, cho thấy thành phố rất quan tâm và ưu tiên cho lĩnh vực thủy lợi.

Tuy vậy, dù đã áp mức giá tối đa theo quy định mới song mức giá mới vẫn thấp hơn so với đơn giá dịch vụ thủy lợi mà UBND TP Hà Nội ban hành năm 2016. Đây là một khó khăn làm sụt giảm nguồn thu của các công ty thủy lợi.

Để tháo gỡ khó khăn cho các công ty thủy lợi, một mặt, UBND TP Hà Nội đã có văn bản gửi Bộ NN&PTNT, Bộ Tài chính để xin ý kiến về việc tháo gỡ khó khăn trong việc thực hiện giá dịch vụ công ích thủy lợi, mặt khác đã yêu cầu các công ty thủy lợi cơ cấu lại chi tiêu ngân sách theo hướng giảm chi thường xuyên, tiết kiệm chi phí.

Đặc biệt, về trợ giá, thành phố đã quyết định bổ sung thêm từ ngân sách thành phố để hỗ trợ chi phí sửa chữa thường xuyên và chi phí sửa chữa thường xuyên trong đơn giá cho các công ty sử dụng, nhằm giúp các công ty thủy lợi có thêm nguồn lực để tháo gỡ khó khăn.

Ngày 6-12-2017, UBND TP đã có quyết định về việc hỗ trợ này. Số kinh phí còn cần phải được thanh toán cho 5 công ty này trong 2 năm 2016, 2017 khoảng 230 tỷ đồng. Từ đó đến nay, 5 công ty thủy lợi đang xây dựng phương án đề xuất Sở Tài chính thẩm định. Thành phố chỉ đạo phải khẩn trương việc này.

Thành phố đã vận dụng chính sách linh hoạt nhất có thể

Tại cuộc họp, trả lời câu hỏi: “Hà Nội có Luật Thủ đô, tại sao không vận dụng để ban hành chính sách linh động, tránh tình trạng các doanh nghiệp thủy lợi đều kêu khó khăn vì vướng chính sách như giai đoạn vừa qua và người lao động là đối tượng trưc tiếp chịu thiệt thòi”, ông Nguyệt Việt Hà, Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội cho biết, các địa phương đều phải áp dụng đúng quy định của Trung ương.

Ông Nguyễn Việt Hà, Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội

“Theo quy định của Luật Ngân sách, thẩm quyền của HĐND các tỉnh, thành phố được quyết định các chế độ, chính sách đặc thù để phục vụ cho phát triển kinh tế xã hội địa phương ngoài những chế độ chính sách mà Trung ương đã quy định, cụ thể ở đây là dịch vụ thủy lợi.

Thứ hai, theo quy định tại Luật Giá, UBND TP được quyền ban hành giá cụ thể, tuy nhiên với những trường hợp mà Trung ương ban hành khung giá tối đa thì địa phương chỉ được ban hành mức giá cụ thể không được vượt quá mức trần Trung ương đã quy định” – Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội phân tích.

Cũng vì lý do trên, năm 2016, Thành phố Hà Nội mặc dù đã ban hành đơn giá dịch vụ công ích thủy lợi theo khung trần, mức giá tối đa mà Thông tư 250 của Bộ Tài chính quy định, nhưng đơn giá mới này vẫn thấp hơn so với năm 2016 mà thành phố đã ban hành và áp dụng, gây khó khăn cho các công ty thủy lợi.

Ông Hà cho biết thêm, trong thời gian tới, các sở ngành chức năng của thành phố sẽ phối hợp chặt chẽ với các công ty thủy lợi để báo cáo UBND TP có các giải pháp triệt để, lâu dài nhằm tránh lặp lại những tồn tại vừa qua.

Cuối buổi họp chiều nay, ông Nguyễn Quốc Hội, Tổng Giám đốc Công ty Đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ cho biết, ngày 26-12-2017, sau khi UBND TP Hà Nội có quyết định điều chỉnh định mức kinh tế kỹ thuật, trong đó có định mức giá dịch vụ thủy lợi và trợ giá, công ty đã làm hồ sơ nghiệm thu.

“Đến 14h30 chiều nay, 30-1, tiền nghiệm thu đã được chuyển về công ty. Phía công ty sẽ khẩn trương chi trả tiền lương bị chậm, nợ cho người lao động” – ông Hội thông tin.

Tiền hàng hóa dự trữ phục vụ Tết ở Hà Nội lên tới 26.000 tỷ đồng

Trước đó, thông tin về kết quả phát triển kinh tế xã hội của thành phố, Chánh Văn phòng UBND TP Hà Nội Phạm Quý Tiên cho biết, tháng 1-2018, kinh tế của Thủ đô tiếp tục phát triển khá, các chỉ số về phát triển kinh tế xã hội chủ yếu đều tăng cao hơn tháng 1-2017.

Đặc biệt, khách quốc tế đến lưu trú tại Hà Nội trong tháng 1 này đạt 373.000 lượt, tăng tới 34,8% so với tháng 1-2017. Các doanh nghiệp cũng đã dự chủ động chẩn bị hàng hóa phục vụ Tết, giá trị hàng dự trữ ước đạt 26.000 tỷ đồng...

Về nhiệm vụ trọng tâm trong tháng 2-2018, thành phố sẽ tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 23 về việc tổ chức phục vụ Tết nguyên đán Mậu Tuất 2018 trên địa bàn. Cùng đó, Hà Nội sẽ liên kết chặt chẽ với các tỉnh/ thành đảm bảo nguồn hàng và tổ chức bán hàng phục vụ Tết; Tổ chức thăm hỏi, tặng quà các đối tượng chính sách, đối tượng bảo trợ xã hội, công nhân; Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính…