Vụ giết hại ngài Thị trưởng trên sân khấu hòa nhạc từ thiện khiến người Ba Lan thức tỉnh trước sự thù hận

ANTD.VN - Ngay sau khi Thị trưởng Paweł Adamowicz bị tấn công trên sân khấu một buổi hòa nhạc từ thiện ngày 13-1, người dân thành phố Gdansk, miền Bắc Ba Lan đã xếp hàng hàng tiếng đồng hồ để hiến máu cứu Thị trưởng của họ, nhưng ông đã không qua khỏi và qua đời 1 ngày sau đó.
 

Người dân bày tỏ lòng tiếc thương trước cái chết của Thị trưởng Paweł Adamowicz

Ngày đen tối trong lịch sử Ba Lan hiện đại

Buổi hòa nhạc mang tên “Từ thiện Giáng sinh” hôm đó nhằm gây quỹ để mua thiết bị cho khoa Nhi trong các bệnh viện công. Buổi biểu diễn kết thúc với màn đếm ngược, dẫn đầu là Thị trưởng Adamowicz. “Tới lúc đó, chúng tôi không hiểu chuyện gì xảy ra nữa. Không đèn, không nhạc. Một cô gái hét lên: “Họ giết ông ấy!”. Chúng tôi ngơ ngác, có lẽ ai đó đùa, nhưng chuyện đó đúng là thật”, một nhân chứng kể lại.

Kẻ giết người, một cư dân Gdańsk 27 tuổi, có tên là “Stefan W”. Hắn đã dùng dao đâm trọng thương Ngài Thị trưởng trên sân khấu và đã bị lực lượng an ninh khống chế ngay tại hiện trường. Nghi phạm mới chỉ ra tù hồi tháng trước vì tội cướp ngân hàng. Theo các phương tiện truyền thông Ba Lan, anh ta đã được chẩn đoán và điều trị chứng tâm thần phân liệt hoang tưởng khi ở trong tù, nhưng đã ngừng uống thuốc trước khi được thả. Kẻ này hiện vẫn chưa nhận tội.

“Thật đáng buồn, lòng hận thù ngày càng hiển hiện và được chấp nhận ngày càng rộng rãi hơn trong đời sống xã hội và chính trị ở Ba Lan. Cái chết của Thị trưởng Paweł Adamowicz là một dấu hiệu cảnh báo bi thảm rằng trong xã hội của chúng ta, sự khác biệt về ý thức hệ và thế giới quan trong những trường hợp cực đoan có thể dẫn đến hành vi bạo lực”. 

Sau thông báo về cái chết của Ngài Thị trưởng, hàng nghìn người dân tập trung trước bức tượng Neptune ở khu vực Tòa thị chính, nơi ông Adamowicz đã phục vụ trong hơn 20 năm. Những giọt nước mắt rơi khi đám đông lắng nghe bài hát “Thanh âm của sự im lặng”. Sự im lặng không chỉ để tỏ lòng thương tiếc nhà lãnh đạo quá cố mà còn để phản đối sự thù hận ngày càng gia tăng trong xã hội Ba Lan. 

Khi còn sống, ông Adamowicz đã muốn xóa bỏ lòng hận thù đó và ra sức quảng bá Gdansk là một thành phố mở, một vùng đất tự do, bất chấp chủ nghĩa dân tộc bài ngoại được thúc đẩy bởi Đảng Luật pháp và Công lý (PiS) của Ba Lan, lên nắm quyền từ năm 2015. “Tôi là người châu Âu  nên bản chất của tôi là cởi mở”, ông Adamowicz nói với tờ Guardian năm 2016. 

Cái chết hóa biểu tượng

Mặc dù một số người coi động cơ vụ việc đã bị chính trị hóa nhưng nhiều người ủng hộ Thị trưởng Adamowicz lưu ý rằng, từ lâu ông đã trở thành mục tiêu tấn công mang tính cá nhân hay bị xúc phạm trên truyền thông xã hội. Hồi năm 2017, phong trào Thanh niên toàn Ba Lan đã đưa ra một loạt “giấy chứng tử” của các chính trị gia ủng hộ châu Âu. Với “giấy chứng tử” của Thị trưởng Adamowicz, họ đã nêu “nguyên nhân cái chết” là “chủ nghĩa tự do, đa văn hóa, sự ngu ngốc”. 

Một số người cho rằng có điểm tương đồng giữa vụ giết hại ông Adamowicz                 với vụ ám sát cựu Tổng thống Gabriel Narutowicz - người đã bị một nhà hoạt động cánh hữu bắn chết vào những năm 1920. Bởi thế, cuộc tuần hành trong im lặng “chống lại sự thù hận” tổ chức tại Warsaw tối 14-1 đi qua các đường phố của Thủ đô đến phòng trưng bày nghệ thuật Zachęta, nơi ông Narutowicz bị giết năm 1922.

Thị trưởng Adamowicz bắt đầu sự nghiệp chính trị của mình với tư tưởng bảo thủ hơn nhiều, nhưng dần dần ông ngày càng thẳng thắn hơn về các vấn đề đa dân tộc, sự khoan dung và quyền cho người thiểu số, trong khi xã hội dường như dịch chuyển theo hướng ngược lại.

“Thật ấn tượng. Ông ấy là một người rất dũng cảm và ông ấy đã phải trả giá cho điều đó” - ông Rafał Pankowski, Giám đốc Hiệp hội Never Again với chiến dịch chống phân biệt chủng tộc nói - “Thị trưởng Adamowicz đã trở thành một biểu tượng lớn lao. Ông đã chết trong một sự kiện mang tính chất từ thiện để đưa người dân Ba Lan gần nhau hơn. Kết quả là, ông đã trở thành một biểu tượng cho cái chết của sự thống nhất trong xã hội này”.