Vụ gian lận điểm thi Hòa Bình: Phụ huynh "phân trần" về việc con em được "thổi" điểm

ANTD.VN - Chiều 13-5, TAND tỉnh Hòa Bình tiếp tục phần xét hỏi để làm rõ hành vi đưa và nhận hối lộ 300 triệu đồng trong việc nâng điểm cho 2 thí sinh tại kỳ thi THPT Quốc gia năm 2018.

Theo truy tố, bà Trần Thị Liên - mẹ thí sinh G. và bà Hà Thị Thúy Liễu - mẹ thí sinh Đ. đã nhờ bị cáo Hồ Chúc - giáo viên Trường THPT Thanh Hà giúp con mình vượt qua kỳ thi. Chúc nhận lời và tìm gặp, đặt vấn đề nâng điểm với Đỗ Mạnh Tuấn - ủy viên chấm thi trắc nghiệm.

Đỗ Mạnh Tuấn sau đó can thiệp bài thi, nâng 14,95 điểm trong 5 môn thi của thí sinh G; nâng 18,8 điểm trong 5 môn của thí sinh Đ. và cả 2 em này sau đó đều đỗ đại học. Khi có điểm, bà Liên, bà Liễu đã đưa 300 triệu đồng cho Chúc để Chúc đưa cho Mạnh Tuấn.

Tại tòa, Hồ Chúc thừa nhận hành vi phạm tội như trên và cho biết trước kỳ thi đã gặp Mạnh Tuấn đặt vấn đề: "Anh có hai đứa cháu nay tham gia kỳ thi, em xem giúp đỡ các cháu. Tuấn bảo bị cáo chuyển họ tên, số báo danh cho mình".

Các bị cáo trong vụ án gian lận điểm thi tại Hòa Bình bị đưa ra tòa xét xử.

Về lý do, Hồ Chúc khẳng định giúp các em vì nể nang do phụ huynh của em Đ. cùng là giáo viên trong trường mình; phụ huynh em G. là bạn thân. Bị cáo Chúc khai thêm, không hứa hẹn vật chất với 2 phụ huynh hoặc với Mạnh Tuấn. Khi có điểm, ông Chúc chỉ đưa giúp túi đựng tiền, không biết có bao nhiêu và chỉ được biết khi cơ quan điều tra thông báo bên trong có 300 triệu đồng.

Ngược lại, bà Trần Thị Liên phủ nhận việc đưa tiền cho Chúc và nói: "Tôi không nhờ nâng điểm. Tôi tin tưởng con tôi làm bài được, đi thi về cháu cũng bảo làm bài tốt nên tôi không suy nghĩ gì. Tôi không đưa tiền cho Hồ Chúc".

Trước câu trả lời đó, vị Thẩm phán ngắt lời: "Thực tế Mạnh Tuấn can thiệp nâng 14,95 điểm, không phải con chị làm được bài". Bà Liên trình bày: "Tôi không nhờ anh Chúc việc gì. Anh ấy là bạn chồng tôi. Mãi sau này khi cơ quan công an điều tra đưa về, tôi mới biết con tôi được nâng 14,95 điểm. Tôi khẳng định là không có việc đến nhà chuyển tiền cảm ơn".

Tương tự, bà Hà Thị Thúy Liễu, mẹ của thí sinh Nguyễn Hà Hải Đ. nói không đồng ý lời khai của bị cáo Hồ Chúc vì bà không đưa tiền, không nhờ chạy điểm.

Theo vị phụ huynh này: "Tôi cùng là đồng nghiệp, dạy cùng trường, cũng trong một buổi giờ ra chơi, tôi nói đồng chí Chúc, sau khi có điểm thì xem giúp điểm cho cháu. Trong lời khai có nói tôi và bà Liên tới nhà Chúc đưa tiền cảm ơn Tuấn nhưng thực tế không có chuyện đấy. Khi Bộ Giáo dục & đào tạo chấm thẩm định lại thì mới biết được nâng điểm. Cháu thôi học và đang học ở trường đại học khác".

Nghe bà Liễu trình bày, vị thẩm phán một lần nữa phải gay gắt: "Không có lời nào nói với các chị nữa, chị về chỗ đi".

Tiếp đến, bị cáo Lê Thị Hồng - nguyên Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Hoàng Văn Thụ bày tỏ rất hối hận khi giúp nâng điểm cho 8 thí sinh. Bị cáo Hồng nói: "Hôm nay bị cáo thấy rất nhục nhã, rất đau buồn. Tất cả anh chị em ở đây là giáo viên, bao nhiêu năm công hiến cho ngành giáo dục".

Thẩm phán hỏi thêm: "Là hiệu trưởng trường chuyên, nơi đào tạo con em ưu tú của tỉnh, bị cáo nghĩ thế nào khi phạm tội"? Đáp lời, bị cáo Hồng trình bày: "Việc làm của bản thân, bị cáo và các bị cáo khác sai, vi phạm quy định pháp luật. Tư duy bị cáo là học đến đâu không quan trọng, quan trọng là sự cố gắng. Bị cáo do nể nang và do quan điểm phụ huynh bây giờ quan trọng điểm số nên phạm tội".

Ngay sau lời giải thích của bị cáo Hồng, Thẩm phán trong HĐXX nhận định: "Trong vụ án, mất đi lớn nhất là niềm tin của phụ huynh, học sinh. Chúng tôi cũng rất đau lòng khi các bị cáo nhận thức giản đơn, cả nể, vì quan hệ, vì thành tích của trường, của ngành của từng gia đình để thực hiện hành vi phạm tội”.

Cũng theo vị Thẩm phán này, trong nhóm bị cáo là giáo viên thì bị cáo Hồng còn là hiệu trưởng trường chuyên, hàng ngày chỉ đạo thầy cô giảng dạy các em về đạo đức, tính trung thực nhưng các bị cáo làm mất cơ hội của các em. Chênh nhau 0,25 điểm, cơ hội vào đại học đã khác nhưng thí sinh G. được nâng đến tận 14,95 điểm".