Vụ gian lận điểm thi Hòa Bình: Các bị cáo nói lời sau cùng và chờ ngày ra phán quyết

ANTD.VN - Ngày 16-5, phiên tòa xét xử vụ án gian lận điểm thi THPT Quốc gia các năm 2017 - 2018 tại Hòa Bình chuyển sang phần nghị án. 15 bị cáo trong vụ án đã  nói lời sau cùng để ngày 21-5 , TAND tỉnh Hòa Bình đưa ra phán quyết.

Là bị cáo nói lời sau cùng đầu tiên, Nguyễn Quang Vinh (cựu Trưởng phòng Khảo thí – Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình) mở lời: “Với tất cả những gì chúng tôi đã làm thì chúng tôi xác định mình có sai phạm về mặt quy chế. Tôi không bao giờ lợi dụng chức vụ quyền hạn, tôi không nhận lời nâng điểm cho bất kỳ một phụ huynh hay thí sinh nào”.

Bị cáo Vinh cho rằng có người nhờ xem điểm, nhờ quan tâm nhưng ông ta đã nói đây là kỳ thi nghiêm túc, hãy bảo các cháu học đi và không nhận lời của ai. Theo bị cáo này, do sự chủ quan, tin vào những người làm việc cùng nên bây giờ ông ta phải trả giá. Sau cùng, bị cáo Vinh đề nghị HĐXX căn cứ vào hồ sơ vụ án, đánh giá khách quan trước khi đưa ra phán quyết.

Nguyễn Quang Vinh (cựu Trưởng phòng Khảo thí – Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình) và các bị cáo liên quan tại phiên tòa.

Đến lượt mình, Đỗ Mạnh Tuấn (cựu Phó Hiệu trưởng Trường nội trú huyện Lạc Thủy) nói: “Bị cáo xin lỗi Đảng, Nhà nước và toàn thể ngành giáo dục, các học sinh, phụ huynh, trong đó có những học sinh bị ảnh hưởng tác động bởi hành động sai phạm của tôi trong kỳ thi”. “Bị cáo không biết dùng lời lẽ nào để bào chữa cho hành vi sai phạm của mình mà chỉ biết dùng hành động để thể hiện sự ăn năn hối cải” – cựu Phó Hiệu trưởng cho biết.

Đỗ Mạnh Tuấn khẳng định, bị cáo khai nhận tính chính xác, trung thực của những lời khai. Kết quả như thế nào đã được cơ quan điều tra xác thực. Theo ông ta, trong phiên toà, bị cáo đã nhận rất nhiều cáo buộc của các luật  sư cho rằng bị cáo nói không đúng sự thật, vu oan cho những người khác để có lợi cho mình.

“Bị cáo không giải thích về điều đó mà chỉ xin các vị nhìn dư luận và đặt cương vị mình vào các phụ huynh, học sinh bị ảnh hưởng để phán xét. Cho bị cáo gửi lời xin lỗi chân thành đến toàn thể phụ huynh, học sinh bị ảnh hưởng. Bị cáo cảm ơn cơ quan điều tra” – bị cáo Đỗ Mạnh Tuấn nói.

Nói lời sau cùng, Diệp Thị Hồng Liên ( Cựu Phó phòng Khảo thí) khẩn khoản: “Bị cáo luôn ăn năn hối hận về hành vi của mình vì nó đã gây hệ luỵ cho ngành giáo dục. Hơn nữa vì hành vi này, bị cáo đã tạo ra vết nhơ không bao giờ xóa nhòa được. Bị cáo đã đặt gánh nặng tinh thần lên cho chồng con”.

Bị cáo Diệp Thị Hồng Liên ( Cựu Phó phòng Khảo thí - Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình).

Chờ ngày tòa ra phán quyết, bị cáo Liên dằn vặt: “Bị cáo mất niềm tin vào chính mình vào cả cuộc đời. Bị cáo cũng buồn vì từ những người là anh em, bạn bè nay lại phải đưa nhau ra toà để nói những lời chua xót. Bị cáo tha thiết mong HĐXX cho bị cáo cơ hội sớm làm lại cuộc đời để nhanh quay lại xã hội”.

Ngoài các bị cáo nêu trên, các bị cáo trong vụ án từng công tác trong ngành giáo dục của Hòa Bình cũng lần lượt được nói lời sau cùng trước khi tòa đưa ra phán quyết. Tất cả đều thể hiện sự day dứt, ăn năn, hối cải và mong HĐXX xem xét mở lượng khoan hồng.

Riêng bị cáo Khương Ngọc Chất (cựu cán bộ Công an tỉnh Hòa Bình) thì cho rằng ông ta bị oan. “Đề nghị HĐXX xem xét vì bị cáo bị oan, sai. Bị cáo đã đề nghị và đưa ra toàn bộ các quan điểm bào chữa nhưng không đồng ý. Cơ quan tố tụng cũng không đưa ra được những tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi phạm tội của bị cáo” – bị cáo Chất trình bày.

Trong lời nói sau cùng của mình, bị cáo Chất vẫn một mực khẳng định, ông ta không thực hiện hành vi phạm tội như những cáo buộc của Viện kiểm sát. Do vậy, bị cáo này mong muốn HĐXX xem xét, đánh giá toàn bộ chứng cứ buộc tội ông ta.

Trước đó, Viện kiểm sát đã đề nghị xử phạt 13 bị cáo về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Trong đó, bị cáo Nguyễn Quang Vinh từ 7 – 8 năm tù. Các bị cáo liên quan lần lượt bị đề nghị thấp nhất từ 12 tháng tù đến 18 tháng tù (hưởng án treo) và cao nhất là từ 5 năm tù đến 6 năm tù.

Riêng Đỗ Mạnh Tuấn bị đề nghị từ 7 năm tù đến 8 năm tù về tội “Nhận hối lộ” và từ 3 năm tù đến 4 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, tổng hợp hình phạt là từ 10 năm tù đến12 năm tù. Và bị cáo Hồ Chúc (nguyên giáo viên Trường THPT Thanh Hà) bị đề nghị từ 2 năm tù đến 3 năm tù về tội “Đưa hối lộ”.