Vụ công bố 12 sản phẩm trị Covid-19: Hiệp hội thực phẩm chức năng “ngỡ ngàng”, nhiều dấu hiệu bất minh

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Vụ việc Bộ Y tế ban hành rồi thu hồi công văn về 12 loại thuốc y dược cổ truyền (YDCT) phòng, hỗ trợ điều trị Covid-19 đang gây nhiều tranh cãi, không chỉ bởi sự bất nhất của cơ quan quản lý mà còn nhiều dấu hiệu bất thường...
Hai sản phẩm Xuyên Tâm Liên vừa bị Cục ATTP cảnh báo là giả mạo
Hai sản phẩm Xuyên Tâm Liên vừa bị Cục ATTP cảnh báo là giả mạo

Tại sao chỉ xoay quanh 5 doanh nghiệp, đơn vị?

Như ANTĐ đã đưa tin, đi kèm công văn số 5944/BYT-YDCT do Bộ Y tế ban hành ngày 24/7 có danh mục về 12 loại thuốc, sản phẩm dược liệu phòng và hỗ trợ điều trị Covid-19 gồm: Ngọc bình phong gia Xuyên tâm liên; Viên nang Kovir - Công ty Cổ phần Sao Thái Dương; Bạch địa căn; Siro Viêm họng; Siro Dưỡng âm bổ phế; Siro Ngân kiều; Hạnh tô; Vệ khí khang; Hoạt huyết Nhất Nhất; Imboot; Xuyên tâm liên.

Trong số 12 sản phẩm này, nhiều loại thực chất là thực phẩm bảo vệ sức khỏe (thực phẩm chức năng).

Trả lời phỏng vấn An ninh Thủ đô, PGS.TS Trần Đáng – Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam (nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm – Bộ Y tế) chia sẻ, bản thân ông cũng thấy ngỡ ngàng với văn bản kể trên của Bộ Y tế, mặc dù ngày 26/7 Bộ đã ra quyết định thu hồi văn bản 5944.

“Việt Nam có hàng nghìn doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chức năng, hơn 1.600 sản phẩm công bố, nhưng tại sao Bộ Y tế chỉ công bố 12 loại thuốc và dược liệu kể trên? Tại sao 12 sản phẩm trong danh sách chỉ xoay quanh 5 doanh nghiệp, đơn vị?

Thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tác dụng hỗ trợ sức khỏe để chống bệnh tật, nhưng ai chứng minh là chúng có tác dụng phòng và hỗ trợ điều trị Covid-19 và tại sao phải kể đích danh tên các sản phẩm của các doanh nghiệp trong văn bản của một cơ quan quản lý nhà nước cấp Bộ thay vì chỉ nêu chung chung như: nhóm dược liệu tăng miễn dịch, nhóm dược liệu tăng thể trạng...?” – PGS.TS Trần Đáng đặt ra hàng loạt câu hỏi.

PGS.TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam

PGS.TS Trần Đáng, Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam

Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm chức năng chỉ ra thêm, bản thân Hiệp hội và có lẽ là cả Cục An toàn thực phẩm hoàn toàn bất ngờ bởi không hề nhận được thông tin hay ý kiến trao đổi gì từ Cục Y dược học cổ truyền – Bộ Y tế trước khi Cục này tham mưu lãnh đạo Bộ Y tế ký ban hành công văn 5944, trong đó có 12 loại thuốc và dược liệu trị Covid-19.

“Ngay chiều 26-7, sau khi Bộ Y tế có văn bản thu hồi công văn 5944, thì đồng thời Cục ATTP cũng có thông báo khẩn cảnh báo về 2 sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khoẻ giả mạo hỗ trợ điều trị Covid-19 có tên Xuyên tâm liên. Trong đó, Cục ATTP khẳng định, 02 sản phẩm Xuyên tâm liên chưa đăng ký bản công bố tại Cục này” – ông Đáng nói.

Từ những lập luận đó, Chủ tịch Hiệp hội thực phẩm chức năng Việt Nam cho rằng: Rõ ràng có dấu hiệu bất minh ở đây, thậm chí là lợi ích nhóm. “Tôi đề nghị cơ quan có thẩm quyền cần vào cuộc xác minh, làm rõ, xử lý nghiêm minh” – PGS.TS Trần Đáng nêu quan điểm.

Quảng cáo sản phẩm trước khi được công bố vài ngày, giá tăng đột biến

Theo thông báo mới nhất của Công ty Cổ phần Sao Thái Dương đối với sản phẩm Viên nang cứng Kovir thì sản phẩm được bán với giá 1.000.000 đồng/hộp 2 vỉ, mỗi vỉ 15 viên. Trong khi trên một số phương tiện thông tin đại chúng phản ánh, giá bán trước đó của sản phẩm này là 180.000-250.000 đồng/hộp, tức giá đã đội lên 4-5 lần.

Đáng chú ý, thông báo giá bán sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe Viên nang cứng Kovir của Công ty Sao Thái Dương được đưa ra ngày 19/7, tức chỉ sớm 5 ngày trước khi Bộ Y tế công bố danh mục 12 thuốc, sản phẩm dược liệu phòng và hỗ trợ điều trị Covid-19, trong đó có sản phẩm Viên nang cứng Kovir.

Trả lời trên báo chí về vấn đề này, đại diện Công ty Sao Thái Dương cho biết, doanh nghiệp không tăng giá bán sản phẩm viên nang như dư luận đồn thổi. Sản phẩm viên nang cứng Kovir (2 vỉ x15 viên) giá 1 triệu đồng/hộp như thông báo ngày 19/7 là sản phẩm mới nhất của công ty, nay mới có giá bán.

Song, chính đại diện doanh nghiệp này cũng cho biết, sản phẩm viêm nang cứng được nghiên cứu, phát triển và cấp phép vào tháng 4/2021. Vậy tại sao đến ngày 19/7 công ty mới có thông báo giá bán gửi các đại lý?

Phía công ty trả lời “thời điểm đó số lượng ít, có bao nhiêu sản phẩm công ty đều gửi lên hỗ trợ Bắc Giang chống dịch nên không đưa ra thị trường. Sau khi khống chế được dịch ở Bắc Giang, đến ngày 19/7, sản phẩm mới chính thức có giá bán và công ty gửi thông báo cho các đại lý.

Lời giải thích từ phía công ty Sao Thái Dương, thật hay, cũng trùng với lời lý giải của Cục trưởng Cục Quản lý y dược cổ truyền (Bộ Y tế) Nguyễn Thế Thịnh.

Ông Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Y dược cổ truyền - Bộ Y tế

Ông Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Y dược cổ truyền - Bộ Y tế

Ông Thịnh cho biết: Để tham mưu cho lãnh đạo Bộ Y tế về việc sử dụng các bài thuốc YDCT và các sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu phục vụ cho công tác phòng chống dịch COVID-19, Cục đã nhận được sự hỗ trợ ủng hộ các sản phẩm có nguồn gốc từ dược liệu của một số doanh nghiệp trong thời gian diễn ra dịch ở Bắc Giang và Bắc Ninh.

Vậy phải chăng, nhờ nhận được sự hỗ trợ của các doanh nghiệp trong đợt dịch ở Bắc Giang và Bắc Ninh nên ngày 24/7 vừa qua, Cục YDCT "ưu ái" đưa tên sản phẩm của các doanh nghiệp này vào danh mục 12 loại thuốc và dược liệu có tác dụng phòng, hỗ trợ điều trị Covid-19?

Quay lại ngày 17-7, trả lời trên Báo Lao động, Cục trưởng Cục Quản lý YDCT Bộ Y tế Nguyễn Thế Thịnh cho biết, hiện chính thức thì mới chỉ có một công ty đang sản xuất thuốc Xuyên tâm liên. Mặc dù đơn vị này được cấp phép từ năm 2010 nhưng ít sản xuất. "Chúng tôi đang động viên doanh nghiệp sản xuất, trước mắt sẽ cung ứng ra thị trường ở mức độ hỗ trợ cho điều trị COVID-19. Tuần sau, khoảng một triệu viên sẽ được gửi đến TP.HCM” – ông Thịnh nói.

Cũng liên quan đến vụ việc này, theo ông Lưu Bình Nhưỡng, nguyên Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Công văn 5944 của Bộ Y tế ban hành ra trong thời điểm thực hiện giãn cách xã hội trên diện rộng, khi nhiều tỉnh, thành phố đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 nên tác động mạnh đến tâm lý của người dân.

“Người dân đang trong tâm trạng lo lắng, không biết tình hình COVID-19 như thế nào, còn xảy ra đến đâu nên cảm giác công văn này như một hướng dẫn, phao cứu sinh. Tâm lý của người dân như vậy nên đổ xô đi mua” - ông Lưu Bình Nhưỡng phân tích.