Vụ “Chuyến bay giải cứu”: Không có án tử hình nhưng nhiều án tù chung thân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Chiều 28/7, Tòa án nhân dân TP Hà Nội tiến hành tuyên bản án sơ thẩm đối với 54 bị cáo trong vụ án “chuyến bay giải cứu”.

Theo đó, HĐXX quyết định tuyên phạt bị cáo Tô Anh Dũng 16 năm tù về tội “Nhận hối lộ”; Phạm Trung Kiên tù chung thân; Nguyễn Thị Hương Lan tù chung thân cùng về cùng tội danh “Nhận hối lộ”. Với tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, bị cáo Hoàng Văn Hưng (cựu cán bộ công an) cũng bị HĐXX tuyên phạt tù chung thân.

Các bị cáo còn lại bị HĐXX tuyên phạt mức án tương xứng với hành vi phạm tội, trong đó mức án cao nhất là 12 năm tù và có đến 10 bị cáo được hưởng án treo.

Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng

Thẩm phán Vũ Quang Huy - Chủ tọa phiên tòa công bố bản án.

Thẩm phán Vũ Quang Huy - Chủ tọa phiên tòa công bố bản án.

Theo nhận định của HĐXX, hành vi của các bi cáo là nguy hiểm cho xã hội, ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan ban ngành. Ngoài ra, hành vi của các bị cáo còn lợi dụng chính sách nhân đạo của nhà nước để mang lại lợi ích cho cá nhân.

HĐXX nhận định đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, hành vi của các bị cáo mang tính chất nguy hiểm cho xã hội, gây bức xúc cho xã hội và nhân dân. Hành vi nhận hối lộ xảy ra cở nhiều địa phương, bộ ngành khác nhau cho thấy các bị cáo đã không thực hiện đúng quy định công vụ, nhận tiền từ các đại diện doanh nghệp, gây nhũng nhiễu, khó khăn cho doanh nghiệp.

Trong vụ án này, HĐXX cho rằng có nhiều bị cáo giữ chức vụ cao và quan trọng trong các Bộ ban ngành nhưng lại có hành vi vi phạm pháp luật. Như cáo buộc của Viện kiểm sát (VKS), bị cáo Tô Anh Dũng được phân công phụ trách, chỉ đạo Cục Lãnh sự Bộ Ngoại giao.

Cục Lãnh sự là đầu mối tiếp nhận hồ sơ từ các doanh nghiệp tham gia thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước trong thời gian dịch COVID-19, ký văn bản xin ý kiến 4 Bộ (Công an, Quốc phòng, Y tế, Giao thông vận tải) và ký đề xuất gửi Lãnh đạo Chính phủ phê duyệt kế hoạch trên.

Biết được vai trò của Tô Anh Dũng, từ tháng 5/2020 đến tháng 1/2022, 13 cá nhân đại diện doanh nghiệp đã tiếp cận, đặt vấn đề nhờ bị cáo Tô Anh Dũng giải quyết việc cấp phép chuyến bay và được bị cáo Dũng đồng ý. Trong quá trình thực hiện, Tô Anh Dũng đã nhiều lần nhận tiền của doanh nghiệp.

Đối với Nguyễn Anh Tuấn (cựu lãnh đạo Công an Hà Nội) đã nhận tiền để “chạy án”, HĐXX nhận định đây là hành vi đáng lên án; dù bị cáo đã khắc phục hết nhưng cũng cần áp dụng mức án nghiêm khắc để mang tính răn đe và phòng ngừa chung. Bị cáo Hoàng Văn Hưng (cựu cán bộ công an) đã lợi dụng chức vụ vị trí công tác để chiếm đoạt tiền của bị hại nên cần có đường lối xử lý nghiêm khắc.

Cần áp dụng mức án nghiêm khắc để răn đe

Về tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, các bị cáo phạm tội “Nhận hối lộ” bị áp dụng tình tiết “phạm tội 2 lần trở lên”, “lợi dụng tình hình dịch bệnh để phạm tội”… Các bị cáo còn lại chịu tình tiết tăng nặng theo như quan điểm trước đó của VKS.

Các bị cáo trong vụ án nghe tòa đưa ra phán quyết.

Các bị cáo trong vụ án nghe tòa đưa ra phán quyết.

Xét các tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo trong vụ án này, HĐXX nhận định ngoài Hoàng Văn Hưng và Trần Minh Tuấn, các bị cáo khác đều được áp dụng tình tiết giảm nhẹ.

Cụ thể, Phạm Trung Kiên đã khắc phục trên 42 tỉ đồng, Nguyễn Thị Hương Lan nộp hơn 1,2 tỉ đồng và đề nghị dùng các tài sản bị kê biên để khắc phục hậu quả… Một số bị cáo được áp dụng tình tiết giảm nhẹ “tích cực hợp tác với CQĐT để làm sáng tỏ vụ án”, “có nhiều thành tích trong công tác”…

Căn cứ tính chất mức độ phạm tội, tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ của các bị cáo, theo HĐXX, mức án tử hình mà VKS đề nghị đối với Phạm Trung Kiên (cựu thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế) là tương xứng. Nhưng tại phiên tòa, HĐXX xét thấy bị cáo đã thành khẩn khai nhận, tác động tới gia đình khắc phục hậu quả, đến nay đã khắc phục trên 42 tỉ đồng.

Trên cơ sở chính sách nhân đạo của pháp luật, HĐXX cho rằng không cần thiết phải loại bỏ vĩnh viễn bị cáo Kiên ra khỏi đời sống xã hội cũng đủ sức răn đe và phòng ngừa tội phạm.

Những bị cáo tại Cục Lãnh sự, theo HĐXX, các bị cáo đã nhận tiền nhiều lần, số tiền lớn, gây ảnh hưởng tới đơn vị công tác và gây bức xúc trong nhân dân nên cần mức án nghiêm khắc để răn đe và phòng ngừa chung.

Bị cáo Nguyễn Thị Hương Lan là người đứng đầu đơn vị nhưng lại để xảy ra hành vi nhận hối lộ có hệ thống; tại phiên tòa, bị cáo đã thành khẩn khai báo, tích cực tác động tới gia đình để khắc phục hậu quả nên HĐXX xét thấy không cần phải áp dụng mức hình phạt cao nhất.

Đối với Hoàng Văn Hưng, HĐXX nhận định Hưng đã lừa đảo số tiền lớn, không thành khẩn khai báo, không ăn năn nên cần có mức án cao hơn mức đề nghị của VKS mới đủ sức phòng ngừa chung.

Được giảm nhẹ vì là nạn nhân của cơ chế xin - cho

Trong vụ án này, HĐXX xét thấy doanh nghiệp là nạn nhân của cơ chế xin – cho, là nạn nhân của "văn hóa phong bì" nên có thể xem xét giảm hình phạt cho bị cáo này. Kiến nghị CQĐT làm rõ hành vi sai phạm của các cá nhân mà CQĐT đã nêu trong kết luận điều tra để điều tra làm rõ ở giai đoạn sau.

Phiên tòa xét xử vụ án "chuyến bay giải cứu" có rất nhiều người liên quan.

Phiên tòa xét xử vụ án "chuyến bay giải cứu" có rất nhiều người liên quan.

Theo HĐXX, khi dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp, Chính phủ đã chỉ đạo tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước để phòng, chống dịch. Chính phủ đã giao cho Văn phòng Chính phủ, Tổ công tác của một số bộ, ngành, địa phương thực hiện quy trình cấp phép chuyến bay và cho chủ trương cách ly.

Thực hiện chủ trương này, trong quá trình cấp phép các chuyến bay, phê duyệt cách ly tại địa phương và giải quyết vụ án, từ tháng 9/2020 đến tháng 12/2022, có 25 cá nhân đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao để nhận hối lộ tổng cộng gần 165 tỉ đồng và lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, gây thiệt hại hơn 10 tỉ đồng.

VKS xác định 23 cá nhân là đại diện các doanh nghiệp đã đưa hối lộ hơn 226 tỉ đồng, 4 cá nhân môi giới hối lộ hơn 74 tỉ đồng và lừa đảo chiếm đoạt số tiền gần 25 tỉ đồng. Phạm Trung Kiên (cựu thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế) đã nhận hối lộ hơn 42,6 tỉ đồng. Bị cáo Tô Anh Dũng (cựu Thứ trưởng Bộ Ngoại giao) đã nhận hối lộ tổng số tiền 21,5 tỉ đồng, Trần Văn Tân (cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam) nhận hối lộ 5 tỉ đồng…

Tại phiên tòa, các bị cáo cơ bản thừa nhận hành vi sai phạm và chỉ mong được giảm nhẹ hình phạt. HĐXX xét thấy đối với hành vi của các bị cáo phạm tội “Nhận hối lộ”, trong giai đonạ dịch COVID-19 bùng phát, một số doanh nghiệp đã nộp đơn xin cấp phép chuyến bay nhưng gặp khó khăn. Từ đó nhiều doanh nghiệp đã liên hệ, đặt vấn đề với các bị cáo là cán bộ cơ quan nhà nước để được cấp phép sớm.

Ngoài các bị cáo có hành vi đòi hỏi như Phạm Trung Kiên thì các bị cáo khác tuy không đòi hỏi nhưng đều gặp gỡ, thống nhất, tạo điều kiện. Theo HĐXX, trước và sau khi cấp phép chuyến bay, doanh nghiệp đều đưa tiền cảm ơn, số tiền đó là đặc biệt lớn, lên tới hàng tỉ đồng; việc đưa tiền diễn ra liên tục, số tiền vượt quá mức bình quân thu nhập của các bộ nhà nước.

Tại CQĐT và tại tòa, các bị cáo là người điều hành doanh nghiệp đều xác nhận nếu không đưa tiền sẽ không được tạo điều kiện như vậy. Như vậy, HĐXX khẳng định các bị cáo là cán bộ trong cơ quan nhà nước đã nhận số tiền đặc biệt lớn để thực hiện theo yêu cầu của doanh nghiệp, sau khi nhận không báo cáo cơ quan mà chiếm hưởng cá nhân là thể hiện sự sai phạm, vi phạm pháp luật.