Vụ chồng cắt cổ vợ, con dâu ở Tiền Giang: Khi nghiệp quả đã hết?

ANTĐ - Chỉ vì không bằng lòng với cách ăn ở của “con dâu”, cộng với việc “vợ mình” lại bênh “con dâu” chằm chặp, người chồng hung bạo đã dùng dao cắt cổ vợ và con dâu, sau đó ông đã treo cổ tự tử vì tưởng vợ con mình đã chết...

Mọi chuyện bắt nguồn từ việc không vừa lòng với con dâu?

Chữ “vợ mình” và “con dâu” đóng ngoặc kép vì thực tế ông bà chỉ là “rổ rá cạp lại”, bà cảm mến ông nên đưa ông về nhà mình ở cùng, thời gian chung sống cũng chỉ hơn nửa năm, còn đứa “con dâu” cũng chỉ là người yêu của con trai “vợ mình” thương mẹ chồng tương lai hoàn cảnh nên về ở cùng cho vui cửa vui nhà. Vậy mà những mối quan hệ tưởng chừng như đầy tình cảm đó lại âm ỉ những mâu thuẫn từ những điều vô cùng nhỏ nhặt trong cuộc sống chung và hậu quả dẫn đến thật thảm thương.

Hôm chúng tôi tìm đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Tiền Giang, bà Nguyễn T.M Lan Hương (SN 1959, ngụ đường Nguyễn An Ninh, P.3, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) nằm đắp chiếc chăn mỏng quay mặt vào phía trong tường. Bà nằm gần như bất động dù bà không hề ngủ, nghe tiếng chúng tôi hỏi nhỏ bà nhẹ nhàng quay mặt ra gật đầu tỏ ý chào, hai dòng nước mắt chảy tràn trên khuôn mặt của bà vẫn còn in dấu những vết thâm tím và một số vết sẹo khác. Trên cổ là mảnh băng trắng băng kín vết cắt trên cổ của bà.

Cầm chiếc khăn trên tay liên tục chấm những giọt nước mắt cứ tự nhiên chảy ra, với giọng nói mệt mỏi nhưng khá rõ, bà kể về nguyên nhân dẫn đến thảm cảnh của gia đình bà. Chồng trước của bà mất cách đây cũng hơn 10 năm, sau này sau những lần gặp gỡ với ông Bùi Văn Minh (SN 1963, ngụ ở Lê Thị Hồng Gấm, P.6, TP Mỹ Tho) làm nghề chạy ghe đi biển, chạy xe ôm, đồng cảnh ngộ đã qua một lần đò (ông Minh đã ly hôn với vợ), bà quyết định cùng ông góp gạo nấu cơm chung, ông đến nhà bà chung sống.

Hằng ngày bà làm công việc buôn bán phế liệu, đây là nguồn nuôi sống cả gia đình, dù có thêm ông nhưng hầu như mọi sự vụ đều phải do bà đứng ra gánh vác... Sau đó người con trai út của bà đi làm kiếm tiền trên Sài Gòn quen biết với một cô gái quê ở Bình Định, và cô gái này đã tự nguyện về ở cùng bà như một người con dâu đúng nghĩa (cô gái này về Tiền Giang làm công nhân may). Như vậy gia đình bà có cả thảy 4 người tính cả đứa con gái đầu của bà bị tâm thần năm nay cũng đã 28 tuổi.

Bà Lan Hương: "Có lúc mong được chết để đỡ khổ cực".

Càng sống bà càng nhận ra ông là một người ưa nhậu nhẹt, bản tính hung bạo, cục cằn, thời gian sống chung chưa bao lâu nhưng bà cũng đã bị ông đánh đập vài lần bằng những cái bạt tai nảy lửa, đến giờ hai vết sẹo chỗ gần giữa đỉnh trán và ngay trên sống mũi vẫn còn thấy khá rõ. Hơn nữa, cứ mỗi lần xảy ra cự cãi mâu thuẫn là ông đòi chém giết bà, rồi đòi tự vẫn...

“Lúc đầu biết ông ấy đi ghe biển đánh cá, chúng tôi cũng mến nhau rồi ông ấy về ở cùng tôi, không đăng ký kết hôn, nhưng càng sống với ông ấy càng thấy tính nết ông ấy hung bạo lắm, hay chửi thề, tôi cũng đã nhiều lần lựa lời lựa lúc để nhỏ to với ông ấy nhưng có vẻ đó là bản chất của ông ấy mất rồi, không thể thay đổi được.

Chồng tôi đã mất lâu rồi, một mình tôi nuôi hai đứa con, làm ăn tiết kiệm bao nhiêu năm mới cất được cái nhà, đúng ra nếu ông ấy là một con người đàng hoàng thì ông ấy phải lo làm ăn, lo bổn phận của mình, vì đến với tôi ông ấy hoàn toàn không có gì ngoài hai bàn tay trắng, đã ly hôn với vợ, sau này tôi mới biết là vợ ông ấy không chịu nổi cái tính ưa ăn nhậu của ông ấy. Đáng lẽ xây dựng với tôi, ông ấy phải tu chí làm ăn, đằng này vẫn chứng nào tật ấy nên mấy lần cân nhắc mà tôi cũng chưa dám đăng ký kết hôn”.

Điều khiến bà mệt mỏi và căng thẳng chính là việc ông luôn không vừa lòng với chuyện đứa con dâu “ai đời không phục vụ cha mẹ chồng mà lại để chuyện ngược lại” khiến cho bà bao phen phải phân bua, phán xét. Và cũng chính vì nguyên do này mới dẫn đến cớ sự.

Có lúc mong được chết để đỡ khổ cực

“Nguyên nhân sự việc không có gì nghiêm trọng cả. Nó là dâu con nên tôi không muốn cho nó phải cực khổ. Tối 16-12 vừa qua khi nó đi may về thì nó thay quần áo ra bỏ bừa trong nhà, thấy thế ông ấy rất bực bội, rồi cứ lẩm nhẩm càu nhàu chửi bới vì ông ấy quan niệm là dâu con thì phải phục vụ cha mẹ chồng chứ ai đời cha mẹ lại đi phục vụ nàng dâu. Thấy thế tôi mới nói chuyện có vậy thôi mà ông cứ nói hoài, ông ở trong nhà tôi mà ông cứ vậy hoài, thôi ông đi đi, gây lộn tối ngày vậy làm ăn sao được. 
Câu nói này khiến ông ấy giận dữ, ông ấy nói đại ý là chồng không bênh lại đi bênh nàng dâu rồi ông lấy xe đi đâu đó tới lúc 3h40 sáng 17-12 ông đi xe về và gọi tôi mở cửa để ông ấy vào lấy đồ rồi đi. Tôi tưởng thật, dậy mở cửa nhưng ông ấy không đi ngay mà ngồi trong nhà chửi tùm lum, thấy thế tôi mới nói sao ông nói đi sao không đi đi, giờ nửa đêm nửa hôm rồi ông để tôi ngủ sáng ra còn buôn bán nữa, gì đâu mà ngồi chửi hoài.
Không nói không rằng ông ấy lấy nhang ra đốt trên bàn thờ, thấy lạ lùng tôi nghi có chuyện chẳng lành nên tôi mới ra ngoài cửa sát hàng rào đứng, đứng một lúc thì nghe ông nói rất ngọt ngào bảo thôi vào trong nhà ngủ đi, anh đi đây, tưởng thật tôi đi vào nhà, vừa vào tôi đã thấy ông ấy rút dao đâm vào phía bụng tôi rất mạnh nhưng có lẽ do bị trượt nên con dao bị gãy cán sượt qua phía bắp tay phải của tôi. Ngay sau đó, ông ấy một tay nắm bịt miệng tôi, một tay cầm lưỡi dao cắt một đường ngang cổ tôi, tiếp đó ông ấy cắt thêm một đường nữa ngang cổ của tôi. 
Ngay sau khi bị cắt hai vết ở cổ, tôi quỵ xuống, tưởng tôi đã chết nên ông ấy bỏ tôi ra và vào phòng trong đâm đứa con dâu. Ráng sức bình sinh tôi bò ra cửa rồi đứng lên dùng hết sức chạy về nhà mẹ tôi cách nhà tôi gần 100m cầu cứu, lúc này máu trên người tôi chảy ra khá nhiều. Chạy đến chỗ mẹ, tôi chỉ kịp gõ cửa rồi la lớn “má ơi cứu con” rồi gục xuống, sau đó tôi được mọi người xung quanh đưa đi cấp cứu. Con dâu tôi bị thương ít hơn, chỉ bị cắt sượt hai đường chỗ hai bên dưới quai hàm, ở phía trên bàn tay phải... nhưng máu chảy khá nhiều, nó cũng kịp chạy về nhà mẹ tôi. Và ở nhà, ông ấy đã thắt cổ tự vẫn...”, bà đau xót kể lại diễn tiến sự việc.
Nhắc đến người con dâu “nghịch mắt” ông chồng hờ, lau dòng nước mắt bà giãi bày: “Nó cũng chưa phải con dâu đúng nghĩa vì nó quê ở Bình Định vào Sài Gòn làm thợ may, con trai tôi làm ăn trên đó rồi quen biết nhau, nó thương con tôi thật lòng nên dù chưa cưới hỏi, con trai tôi vẫn ở lại Sài Gòn làm việc, nó vẫn về ở cùng tôi, gặp đứa khác nó bỏ đi từ lâu chứ ở nhà chờ làm gì, và vì thế từ lâu tôi đã xem nó như con dâu của mình. Và đương nhiên tôi rất muốn bù đắp cho nó bằng tình cảm, tình thương của một người mẹ chồng vì là phụ nữ với nhau, tôi từng trải qua nhiều cực khổ tôi mới thấu hiểu, mới bù đắp như thế, dù vẫn biết rằng dâu con thì phải “mần” việc trong gia đình chứ. 
Đã vài lần tôi giải thích cho ông ấy nghe rằng “anh đừng có khó dễ với nó vì nó không phải là con dâu chính thức cưới hỏi, nên anh đừng suy nghĩ nhiều quá, tùy chuyện mình cũng nên dễ dãi với nó một chút”. Tôi giảng giải, nhỏ to với ông ấy thế mà ông ấy chẳng nghe. Tức giận nên tôi mới nói bây giờ một bên là anh, một bên là con dâu, tôi đứng giữa tôi biết phải làm sao, thôi hay là anh đi về đi... Câu nói này thực ra là tôi nói kiểu giận lẫy rồi cho qua thôi chứ không nghĩ là ông ấy để bụng căm thù như vậy”.

Chuyện ông tự vẫn bà cũng chỉ biết sau đó và cái tin này vẫn khiến bà đau khổ. “Tôi cũng không biết ông ấy tự vẫn mà người nhà tôi lên thăm nuôi tôi đứng nói xì xào nên tôi mới nghe được. Tôi đau lòng và buồn lắm, dẫu biết rằng ông ấy đối xử với mình ác nghiệt nhưng tình nghĩa vợ chồng cũng có một điều gì đó đọng lại, chỉ trách ông ấy là chuyện không có gì đáng nói, không có gì lớn cả mà lại gây ra những hậu quả nặng nề đến như thế này. Cứ cho là khi tôi giận tôi mới xua đuổi ông ấy lúc đó thôi, ông ấy đi đâu cho khuây khỏa rồi sau đó về nhà thì có ai nói gì đâu. Đằng này... Nói theo nhà Phật thì có lẽ nghiệp quả của ông ấy tới đó đã hết rồi”.

Theo bà cho biết thì sau khi được đưa đi khám nghiệm tử thi, người nhà không cho đưa thi thể ông về nhà vì họ nghĩ chết nghiệp ấy, nên kiêng cữ không đưa về làm đám ma mà đưa đi hỏa táng ngay rồi mang cốt vào chùa gửi (Mẹ ông tuổi đã rất cao, già yếu. Ngoài ông thì nhà ông còn ba chị em gái, hai em trai, nhưng cũng mỗi người mỗi phận).

“Tôi sợ lắm, giờ biết ông ấy tự tử trong nhà tắm không biết tôi có dám ở nhà không nữa. Cầu mong sao cho ông ấy siêu thoát, đừng có dính líu gì nữa để cho tôi làm ăn cùng hai con của tôi, đây là nguyện vọng lớn nhất của tôi. Vì tôi còn một đứa con gái lớn (28 tuổi) bị bệnh tâm thần không biết gì cả, phải có bà ngoại trông giúp dù năm nay mẹ tôi cũng đã già yếu rồi (78 tuổi). Hai hôm đầu chữa trị, cứ uống nước vào là ói ra, tôi chỉ sợ mình bị đứt dây nói thì không biết làm sao, nói chuyện không được rồi buôn bán thế nào, rồi làm sao nuôi con. Đây là điều tôi lo sợ và ám ảnh nhất.

Trong cuôc đời của mình, thật sự nhiều lúc tôi chán nản vô cùng, đến mức nghĩ quẩn là nếu không có đứa con gái bị tâm thần phải lo thì mình có chết đi cũng được để cho bớt đi khổ nhọc. Hơn nửa cuộc đời nhưng gặp quá nhiều khổ cực, luôn lo lắng, hy sinh cho con nhưng chúng cũng không thương mình, thằng con trai tôi không biết lo cho mẹ, đi làm chứ chưa bao giờ có chuyện đưa tiền phụ mẹ, mà mẹ vẫn phải cho tiền, chẳng biết lo lắng cho mẹ và chị gì cả. Tôi thấy mình quá vô phước... Buôn bán tằn tiện để có tiền nuôi con, rồi nghĩ đơn giản rằng có chồng sẽ có người phụ giúp, đỡ đần mình, chứ ai ngờ mọi chuyện lại ra nông nỗi thế này”, những lời bà bộc bạch như rút ruột rút gan khiến chúng tôi không khỏi xúc động và cảm thấy số phận con người thật nghiệt ngã, dù biết rằng mọi chuyện xảy đến với chúng ta phần nhiều bắt nguồn từ chính những việc chúng ta làm trong quá khứ và hiện tại.

Cụ Nguyễn Thị Nhiễm (SN 1934), mẹ của bà Hương, buồn rầu tâm sự: “Tôi ở gần nhà của con gái tôi, nên mọi việc Hương nói đúng như những gì tôi đã thấy. Minh đến ở nhà Hương chỉ vài tháng trở lại đây. Vào đêm 16-12, Hương có qua nói tôi là “má ơi, chồng con cứ cự cãi hoài”, tôi nghe thế mới đi qua nói chuyện khuyên ngăn hai đứa, sau đó tôi đi về cho đến sáng ngày 17 thì sự việc đau lòng đã xảy ra. Tôi biết hai đứa thường cãi nhau và Hương đã bị chồng đánh thương tích mấy lần”.

Anh Lê Văn Hưng (24 tuổi), con trai của bà Hương, cho biết: “Mối quan hệ của mẹ tôi với chú Tám (ông Minh), tôi là con nên cũng không ngăn cản mẹ mình bước thêm bước nữa nhưng tình trạng chú ấy mấy lần cứ nhậu về là chửi mắng, đánh đập mẹ tôi là tôi hoàn toàn không ủng hộ chuyện này. Tôi cũng nói chuyện với chú ấy mấy lần tôi kêu chú ấy là chú Tám chứ chưa kêu bằng ba, tôi nói nếu chú muốn bước tới chính thức với mẹ tôi thì chú nên bớt nhậu lại đi, từ danh từ chú Tám tôi sẽ đổi thành ba. Chú ấy đồng ý nhưng rồi vẫn nhậu nhẹt liên tục.

Riêng về chuyện mâu thuẫn giữa chú Tám và vợ tôi, tôi thấy có lẽ chú ấy có thành kiến từ đầu với vợ tôi. Cũng có mấy lần tôi tâm sự với vợ mình là phải tôn trọng chú ấy nhưng tôi không ngờ được là chú ấy lại hành xử tàn ác như vậy. Sau khi xảy ra sự việc, vợ tôi được cha mẹ ruột đưa về quê chữa trị”.