Vụ chạy thận tại Hòa Bình: Bị cáo nguyên giám đốc bệnh viện nói kiện sở nội vụ

ANTD.VN - Ngày 17-1, TAND TP Hòa Bình tiếp tục phần xét hỏi trong phiên xử vụ án 9 người tử vong sau chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình (BV Hòa Bình). 

Theo truy tố, bị cáo Trương Quý Dương – Giám đốc BV Hòa Bình ký với Đỗ Anh Tuấn – Giám đốc Công ty Dược phẩm Thiên Sơn (Công ty Thiên Sơn) hợp đồng sửa chữa hệ thống lọc nước RO số 2 dùng cho lọc máu chạy thận; hợp đồng bao gồm nội dung xét nghiệm nước theo tiêu chuẩn AAMI (tiêu chuẩn Mỹ) sau sửa chữa.

Tuy nhiên, Công ty Thiên Sơn sau đó thuê lại bị cáo Bùi Mạnh Quốc – Giám đốc Công ty Trâm Anh thi công. Ngày 28/5/2017, Quốc tẩy rửa màng lọc RO nhưng sơ ý để axit lẫn vào trong hệ thống. Hôm sau, bị cáo Hoàng Công Lương - nguyên bác sĩ Đơn nguyên thận (Khoa Hồi sức tích cực, BV Hòa Bình) ra y lệnh tiến hành lọc máu khiến 8 người tử vong lập tức và 1 người mất năm 2018.

Bị cáo Trương Quý Dương - nguyên Giám đốc BV Hòa Bình đến hầu tòa.

Tại tòa, ông Hoàng Công Tình - Phó khoa Hồi sức tích cực (chú ruột Hoàng Công Lương) được xét hỏi trong vai trò người liên quan và cho biết xét nghiệm AAMI là xét nghiệm khuyến cáo, không bắt buộc.

Ông Tình cho rằng Bộ Y tế là chỉ bắt buộc xét nghiệm hóa chất tồn dư, khi đưa hóa chất gì vào khử trùng đường ống thì cần dùng đồ thử để thử. Đến nay chỉ có một số hóa chất được sử dụng trong y tế để thử như Javen, phép thử đó thường cho kết quả ngay và có kết quả ngay, không như AAMI phải mất 14 ngày.

“Nếu hợp đồng có nội dung ghi cần xét nghiệm AAMI và chờ 14 ngày thì lúc đó bệnh viện, phòng vật tư và khoa điều trị phải có kế hoạch chuyển bệnh nhân... Hệ thống RO không được phép dừng quá 1 ngày... Nếu dừng quá 1 ngày, có nguy cơ nước trong ống sẽ hình thành mảng bám, phát sinh vi khuẩn, rất nguy hiểm cho bệnh nhân. Chính vì vậy, ở Việt Nam, hệ thống này gần như liên tục hoạt động, chỉ nghỉ vào ngày chủ nhật” - ông Tình nói. 

Cũng tại phiên tòa xét xử các bị cáo trong vụ chạy thận nhân tạo khiến 9 người tử vong, bị cáo Trương Quý Dương – nguyên Giám đốc BV Hòa Bình nói sẽ kiện Sở Nội vụ tỉnh Hòa Bình vì có kết luận BV Hòa Bình thành lập Đơn nguyên thận (còn gọi đơn nguyên lọc máu) trái quy định.

Cụ thể, bị cáo Dương khai, về mặt tổ chức, đơn nguyên lọc máu thuộc Khoa Hồi sức tích cực nhưng các hoạt động chuyên môn lại tuân theo quy chế riêng của khoa Lọc máu. Đơn nguyên lọc máu không có biên chế kỹ thuật viên mà chỉ có người làm công việc của kỹ thật viên. Bị cáo cũng khẳng định, theo quy chế Khoa Lọc máu, nhiệm vụ đảm bảo an toàn nguồn nước RO thuộc về trách nghiệm trưởng khoa.

Được đối chất, bị cáo Hoàng Đình Khiếu - nguyên Phó Giám đốc BV Hòa Bình, kiêm trưởng Khoa Hồi sức phản bác lời khai của bị cáo Dương khi cho rằng Đơn nguyên lọc máu không phải một khoa nên không có người đảm nhận chức danh kỹ thuật viên và kỹ sư chuyên môn.

Bị cáo Khiếu cho rằng, do đơn nguyên lọc máu không có kỹ thuật viên và kỹ sư nên khi thiết bị có hư hỏng đều được báo cho Phòng vật tư. "Bởi vậy, trách nghiệm về chất lượng nước sử dụng cho lọc máu, hỏng hóc của máy móc tôi cho rằng thuộc về Phòng vật tư" – bị cáo này nhận định.

Tại tòa, Phó giám đốc Sở Y tế tỉnh Hòa Bình, bà Bùi Thu Hằng khẳng định, căn cứ Thông tư 15 của Bộ Y tế hướng dẫn thực hiện liên doanh, liên kết trong khám chữa bệnh, việc bệnh viện tỉnh ký hợp đồng với Công ty Thiên Sơn là phù hợp. Giám đốc BV Hòa Bình hoàn toàn có quyền thành lập Đơn nguyên thận nhân tạo.

Tuy nhiên, chủ tọa cho biết Công văn số 6466 năm 2018 của Sở Nội vụ tỉnh Hòa Bình lại kết luận, không có quy định nào cho phép thành lập như vậy. Bệnh viện tự ý thành lập Đơn nguyên thận là không đúng với quy định của pháp luật.

Trước bục khai báo, bị cáo Trương Quý Dương bày tỏ sự không đồng tình với Công văn của Sở Nội vụ và nói: "Nếu họ khẳng định như thế, chúng tôi sẽ khởi kiện".