Vụ cài mìn tại cây ATM ở Quảng Ninh: Cần làm gì khi gặp bom, mìn, thuốc nổ?

ANTD.VN - Thông tin về vụ 2 kg thuốc nổ được cài trong cây ATM ở TP Uông Bí, Quảng Ninh hôm 13-10 khi vừa được đăng tải đã ngay lập tức thu hút sự quan tâm của dư luận cả nước. Sự việc này được đánh giá là đặc biệt nghiêm trọng bởi nhóm đối tượng gài mìn là chuyên gia về thuốc nổ, có sự am hiểu về thuốc nổ cũng như việc đấu nối, kích nổ.

Như Báo ANTĐ đã đưa tin, ngày 13-10, Công an tỉnh Quảng Ninh cho biết, qua quá trình kiểm tra, khám nghiệm hiện trường tại 2 cây ATM gần chung cư của Công ty than Nam Mẫu, TP Uông Bí, tỉnh Quảng Ninh, lực lượng chức năng phát hiện bọc nghi thuốc nổ có trọng lượng khoảng 2kg.

 

Cây ATM nơi bị gài mìn ở Quảng Ninh

Theo đó, vào khoảng 8h45 cùng ngày, Tổ công tác của phòng Giao dịch một ngân hàng có chi nhánh ở TP Uông Bí gồm 5 nhân viên, đến mở két nạp tiền vào 2 cây ATM số 7 và 8 đặt bên hông Nhà CT1 Chung cư của Công ty Than Nam Mẫu (phường Yên Thanh, TP Uông Bí) đã phát hiện trong cây ATM số 7 có một số thỏi hình trụ dài khoảng 20cm nghi là thuốc nổ, nên đã báo bảo vệ chung cư và Cơ quan Công an.

Ngay sau đó, Công an tỉnh Quảng Ninh đã trực tiếp chỉ đạo Công an TP Uông Bí và các đơn vị nghiệp vụ nhanh chóng huy động lực lượng đến bảo vệ, phong tỏa hiện trường, bố trí phương án phòng ngừa cháy nổ, cảnh báo và di dời một số hộ dân ra khỏi hiện trường.

 Các thỏi thuốc nổ được giấu trong phòng kỳ thuật chờ thời cơ phát nổ

Công an tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ninh tổ chức kiểm tra, khám nghiệm tại 2 cây ATM, đã phát hiện tháo gỡ, vô hiệu hóa và thu giữ 10 thỏi nghi là thuốc nổ, gồm: tại cây ATM số 7 có 6 thỏi, cây ATM số 8 có 4 thỏi; tổng trọng lượng khoảng 2kg. 

Quá trình tháo gỡ, vô hiệu hóa 10 thỏi nghi là thuốc nổ trên đã được đảm bảo an toàn tuyệt đối.

Theo thông tin trên Báo Người lao động, ngày 14-10, trung tá Bùi Thanh Toàn - Trưởng ban Công binh Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Quảng Ninh - khẳng định vụ việc 2 cây ATM vừa bị gài mìn ở chung cư Than Nam Mẫu (TP Uông Bí) là đặc biệt nghiêm trọng. Nhóm đối tượng gài mìn là chuyên gia về thuốc nổ, có sự am hiểu về thuốc nổ cũng như việc đấu nối, kích nổ.

Theo Trung tá Toàn, toàn bộ khối mìn này đã ở chế độ chờ kích nổ, nhóm đối tượng chỉ cần đấu đầu dây điện vào một nguồn phát điện như quả pin là khối thuốc nổ sẽ phát nổ. Có rất nhiều phương pháp kích nổ bằng điện, có thể đặt bằng đồng hồ hẹn giờ hoặc có thể dùng điều khiển từ xa hoặc đấu trực tiếp vào nguồn pin.

Để có thể đấu nối được một lượng thuốc nổ lớn như vậy, nhóm gài mìn này ít nhất phải có từ 2 người trở lên. Những người này rất am hiểu về lĩnh vực thuốc nổ, thường xuyên sử dụng mìn.

"Chỉ cần được kích nổ, chắc chắn các thỏi thuốc nổ này sẽ phát nổ toàn bộ" - Trung tá Toàn phân tích.

Cần làm gì khi gặp bom, mìn, thuốc nổ?

Trên thực tế, ở nước ta đã từng xảy ra những vụ nổ bom mìn gây hậu quả nghiêm trọng, khiến nhiều người chết và bị thương. Chính vì thế, mỗi chúng ta cần trang bị cho mình kiến thức khi gặp phải trường hợp tương tự để tự bảo vệ bản thân cũng như những người xung quanh.

Một thông tin trên báo Dân Việt cho biết, theo số liệu thống kê năm 2015, trên cả nước hiện còn 800.000 tấn bom đạn còn sót lại sau chiến tranh. Chỉ tính từ năm 1975 đến năm 2000 hơn 104.000 người chết, bị thương do tai nạn bom mìn, trong đó trẻ em chiếm 30%.

Khi gặp vật nghi là vật liệu nổ gây sát thương, cần báo ngay cho cơ quan chức năng để xử lý kịp thời

Theo nhận định của Đại tá Nguyễn Tiến Nghi, Chủ nhiệm bộ môn Thuốc phóng – thuốc nổ, Học viện Kỹ thuật quân sự, bom, mìn, đạn pháo có các cấp độ an toàn, tuy nhiên những loại sót lại sau chiến tranh nguy hiểm hơn rất nhiều.

“Bom giải phóng ra khỏi máy bay thì chốt bảo hiểm đã mở giữa chừng. Qua thời gian bị bào mon, han gỉ, chúng có thể phát nổ bất cứ lúc nào nếu bị tác động ngoại lực. Người dân khi gặp bất cứ một vật nghi là bom, mìn, đầu đạn, tuyệt đối không được cưa, cắt, đập phá”, ông Nghi cảnh báo.

Cách nhận biết một số loại bom, mìn. Nguồn: VTV.

Chuyên gia về thuốc nổ cho hay, nhận dạng cơ bản bom có hình trụ, thuôn tròn về hai đầu. Đạn pháo một đầu thuôn dài, một đầu phẳng. Mìn có hình dáng là một phần của hình trụ, lồi về phía trước.

Đại tá Nghi hướng dẫn người dân khi gặp bom, mìn, lựu đạn, đạn pháo hay vật nghi là vật liệu nổ gây sát thương cần phải làm theo quy trình sau: Tuyệt đối không chạm vào vật tình nghi – Đánh dấu nguy hiểm tại khu vực đó và kêu gọi sự trợ giúp cảnh giới; cho ít nhất 1 người đứng cảnh giới, không cho người khác lại gần. Người cảnh giới phải đứng sau vật che chắn vững chắc và đảm bảo khoảng cách an toàn; thông báo cho công an phường, xã, hoặc đơn vị quân đội gần nhất để họ xử lý vật liệu nổ.