Vụ BIDV thất thoát hơn 1.600 tỷ đồng: Công ty “sân sau” được ưu ái cấp vốn thế nào?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Sáng 26-10, Tòa án Hà Nội khai mở phiên tòa xét xử 12 bị cáo trong vụ gây thất thoát 1.600 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV).  

Hầu tòa trong vụ án này là 12 bị cáo, trong đó nhiều người là cựu lãnh đạo của BIDV như Trần Lục Lang (SN 1967) - nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Liên doanh Lào Việt (LaoVietbank); Đoàn Ánh Sáng (SN 1961) - nguyên Phó tổng giám đốc BIDV; Kiều Đình Hòa (SN 1961) - nguyên Giám đốc BIDV, chi nhánh Hà Tĩnh; Lê Thị Vân Anh (SN 1984) - nguyên Trưởng phòng khách hàng doanh nghiệp BIDV, chi nhánh Hà Tĩnh; Ngô Duy Chính (SN 1963) – nguyên Giám đốc BIDV, chi nhánh Hà Thành…

Các bị cáo lần lượt bị đưa ra xét xử về các tội "Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng" và "Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản". Hành vi vi phạm của các bị cáo xảy ra tại BIDV, Công ty CP Chăn nuôi Bình Hà (Công ty Bình Hà) và Công ty TNHH Thương mại và dịch vụ Trung Dũng (Công ty Trung Dũng).

Các bị cáo trong vụ án bị đưa ra xét xử tại phiên tòa.

Các bị cáo trong vụ án bị đưa ra xét xử tại phiên tòa.

Lập “sân sau” xin dự án và xin cấp vốn

Theo cáo trạng truy tố, đầu năm 2015, tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Hà Tĩnh, ông Trần Bắc Hà (khi ấy là Chủ tịch BIDV) tới dự và trao đổi với lãnh đạo tỉnh này về chủ trương thành lập dự án chăn nuôi bò giống, bò thịt. BIDV cam kết là đơn vị tài trợ vốn trong lĩnh cực chăn nuôi ứng dụng công nghệ cao.

Sau đó, ông Trần Bắc Hà có nhiều văn bản gửi lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh hỗ trợ đầu tư dự án. Do Trần Duy Tùng (con trai ông Bắc Hà, hiện bỏ trốn) đang là Tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn An Phú (Công ty An Phú) – một trong doanh nghiệp của liên doanh làm chủ đầu tư dự án nên theo quy định BIDV không được cấp tín dụng cho doanh nghiệp này.

Vì vậy, ông Trần Bắc Hà đã chủ trương thành lập Công ty Bình Hà với 3 cổ đông góp vốn, trong đó 2 cổ đông thực chất là đứng tên góp vốn cho Trần Duy Tùng. Công ty Bình Hà sau đó nhanh chóng hoàn tất thủ tục pháp lý tại Hà Tĩnh với những ngành nghề kinh doanh chính đều liên quan đến chăn nuôi gia súc. Ông Đinh Văn Dũng (do Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai giới thiệu, sở hữu 45% cổ phần) được bầu làm Tổng giám đốc và làm người đại diện theo pháp luật của Công ty Bình Hà.

Tháng 4-2015, UBND tỉnh Hà Tĩnh chấp thuận chủ trương đầu tư và cấp giấy chứng nhận dự án nuôi bò giống và bò thịt cho Công ty Bình Hà. Cũng trong khoảng thời gian này, ông Đinh Văn Dũng có văn bản đề nghị BIDV cấp vốn tín dụng để triển khai dự án nuôi bò tại Hà Tĩnh với tổng mức 4.230 tỷ đồng.

Không đủ điều kiện vẫn vay được hàng nghìn tỷ

Việc đề xuất cấp vốn của Công ty Bình Hà sau đó lần lượt được các phòng, ban và cá nhân có chức năng của BIDV xem xét chấp thuận. BIDV cũng nhanh chóng thành lập các tổ thẩm định dự án chăn nuôi bò của Công ty Bình Hà.

Sau khi có các báo cáo đề đề xuất tín dụng và báo cáo thẩm định rủi ro, ngày 9-7-2015, ông Trần Bắc Hà đã ký báo cáo tổng hợp ý kiến, trong đó 6/7 thành viên phân ban rủi ro đầu tư của BIDV có ý kiến đồng ý cấp tín dụng cho Công ty Bình Hà. Ngày 13-7-2015, Hội đồng quản trị BIDV thống nhất và ông Trần Bắc Hà ký quyết định tài trợ vốn cho Công ty Bình Hà với tổng vốn vay tối đa là hơn 3.162 tỷ đồng.

Thực hiện quyết định của Hội đồng quản trị BIDV, Kiều Đình Hòa – Giám đốc BIDV chi nhánh Hà Tĩnh sau đó đã ký các hợp đồng tín dụng và hợp đồng thế chấp tài sản (hình thành trong tương lai) với Công ty Bình Hà. Và tính đến ngày 9-11-2015, BIDV chi nhánh Hà Tĩnh đã giải ngân cho Công ty Bình Hà tổng số tiền hơn 2.687 tỷ đồng.

Tuy nhiên, kể từ khi Công ty Bình Hà thực hiện dự án nuôi bò tại Hà Tĩnh đến đầu năm 2018, doanh nghiệp này lỗ lũy kế tổng cộng hơn 915 tỷ đồng. Đến tháng 11-2018, tổng tài sản của Công ty Bình Hà chỉ còn hơn 568 tỷ đồng trên tổng dư nợ hơn 1.459 tỷ đồng, mất cân đối thanh toán, không có khả năng thu hồ hơn 890 tỷ đồng.

Cáo trạng truy tố các bị cáo xác định tính đến tháng 11-2019, BIDV không có khả năng thu hồi nợ từ Công ty Bình Hà là hơn 799 tỷ đồng. Quá trình thẩm định, phê duyệt cho vay, giải ngân và kiểm tra việc sử dụng vốn vay cho Công ty Bình Hà, BIBV chi nhánh Hà Tĩnh đã để xảy ra hàng loạt sai phạm. Trong đó, sai phạm bao trùm là Công ty Bình Hà chưa đủ điều kiện xếp hạng tín dụng theo quy định của ngân hàng.

Đánh giá vai trò của những cá nhân liên quan, cáo trạng xác định Trần Bắc Hà giữ vai trò chính khi lợi dụng vị trí là người đứng đầu BIDV đã trực tiếp làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh để xúc tiến dự án chăn nuôi bò, cam kết cấp tín dụng cho dự án… Ông này cũng sử dụng công ty “sân sau” lập dự án và xin vay vốn; chỉ đạo xuyên suốt BIDV và BIDV chi nhánh Hà Tĩnh trong việc thẩm định, cấp vốn tín dụng. Tuy nhiên quá trình điều tra, ông Trần Bắc Hà chết nên được đình chỉ bị can.

Đối với Trần Lục Lang, cáo trạng xác định đã có hành vi phê duyệt vào cá báo cáo xoay quanh việc cấp vốn cho Công ty Bình Hà; đề xuất cấp hạn mức ngắn hạn đối với công ty “sân sau” của ông Trần Bắc Hà với các điều kiện ưu đãi trái quy định, gây thiệt hại cho BIDV số tiền hơn 799 tỷ đồng.

Tương tự, Kiều Đình Hòa đã có hành vi tiếp nhận, thẩm định, đề xuất phê duyệt cấp tín dụng, cho vay và ký các công văn báo cáo về Công ty Bình Hà xin vay vốn… Các cá nhân liên quan khác cũng được cáo trạng cá thể hóa vai trò trách nhiệm và sẽ được tòa án xem xét trong quá trình xét xử vụ án.

Kết thúc sáng ngày đầu xét xử 12 bị cáo trong vụ BIDV bị thất thoát hơn 1.600 tỷ đồng, phiên tòa hiện tạm nghỉ trưa sau phần công bố cáo trạng truy tố về hành vi gây thất thoát hơn 799 tỷ đồng tại Công ty Bình Hà, liên quan đến dự án chăn nuôi bò ở Hà Tĩnh.