Vụ bé trai 13 tuổi khai bị chích ma túy, lạm dụng: Hình phạt nào chờ thủ phạm?

ANTD.VN - Như Báo ANTĐ đã đưa tin, một bé trai 13 tuổi ở Hà Nội vừa khai việc bị những kẻ lạ dùng vũ lực để chích ma túy vào tay, và lạm dụng tình dục em. Hiện lực lượng công an đang tích cực vào cuộc để xác minh và điều tra vụ việc. Nếu những lời khai đó được chứng minh là thật, các “thủ phạm” sẽ phải hứng chịu những hình phạt nào?

Hôm 20-3, nguồn tin riêng của PV Báo ANTĐ đã cho biết về trường hợp của bé L.H.Phương (SN 2005, trú tại huyện Mỹ Đức, Hà Nội) khai bị những kẻ lạ dùng vũ lực chích ma túy vào tay, và lạm dụng cháu.

Hiện lực lượng Cảnh sát Hình sự của CATP Hà Nội đang tích cực xác minh, điều tra vụ việc.

Bé trai 13 tuổi bị xác định dương tính với chất Morphin khi được kiểm tra y tế

PV đã trao đổi với Luật sư Trương Anh Tú - Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú, Đoàn Luật sư Hà Nội – nhằm tìm hiểu về những hình phạt mà các “thủ phạm” có thể phải nhận, một khi những lời khai được chứng minh là đúng.

Theo luật sư Trương Anh Tú, người dùng vũ lực để tiêm ma túy vào thiếu niên 13 tuổi phạm tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy - được quy định tại Điều 255 BLHS 2015.

Cụ thể hơn, tại điểm a, mục 6.1, phần II, của Thông tư liên tịch số 17/2007/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BTP hướng dẫn: Hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy là hành vi “Chỉ huy, phân công, điều hành các hoạt động đưa trái phép chất ma túy vào cơ thể người khác”.

Chế tài xử phạt đối với Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy được quy định như sau:

- Điểm c, Khoản 2, Điều 255 BLHS 2015 quy định phạm tội “đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi” thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm.

- Điểm d, Khoản 3, Điều 255 BLHS 2015 quy định phạm tội “đối với người từ dưới 13 tuổi” thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm.

“Nạn nhân trong vụ án sinh năm 2005. Trong trường hợp này cần xác định ngày tháng năm sinh chính xác của nạn nhân tại thời điểm bị hại để xem người bị hại đủ 13 tuổi hay dưới 13 tuổi. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc xác định trách nhiệm hình sự của người phạm tội”, luật sư Tú chỉ rõ.

Ngoài ra, theo luật sư Tú, người phạm tội có thể phải chịu các hình phạt bổ sung theo theo Khoản 5, Điều 255 BLHS 2015: “Bị phạt tiền từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng, phạt quản chế, cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản”.

“Cần lưu ý, không nhầm lẫn hành vi này với hành vi của Tội cưỡng bức người khác sử dụng trái phép chất ma túy theo Điều 257 BLHS, bởi người phạm tội cưỡng bức hoặc lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy chỉ có hành vi cưỡng bức hoặc lôi kéo, còn việc đưa chất ma túy vào cơ thể của người bị cưỡng bức, bị lôi kéo là do tự người bị hại thực hiện”, luật sư Tú cho biết thêm.

Luật sư Trương Anh Tú - Văn phòng Luật sư Trương Anh Tú, Đoàn Luật sư Hà Nội - phân tích chi tiết về sự việc

Trong khi đó, đối với kẻ bị cho là có hành vi lạm dụng tình dục bé trai, luật sư Trương Anh Tú cho rằng, nếu xác minh được đối tượng có hành vi như vậy thì người này có dấu hiệu của Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi theo quy định tại Điều 146 BLHS 2015.

Theo Từ điển Tiếng Việt (Trung tâm Ngôn ngữ Việt Nam 1992), “giao cấu” là hành vi giao tiếp giữa bộ phận sinh dục ngoài của giống đực, với bộ phận sinh dục của giống cái. Việc xử lý đối với các tội hiếp dâm, tội cưỡng dâm, tội giao cấu đối với người dưới 16 tuổi đều buộc phải có hành vi để hướng đến hoạt động có “giao cấu” với trẻ em là nữ thì mới cấu thành tội phạm. Các tội này có khung hình phạt rất cao, tối đa là 15 năm, chung thân hoặc tử hình.

Bởi vậy, đối với trẻ em nam bị xâm hại tình dục thì theo pháp luật hình sự của Việt Nam, chỉ có thể xử lý người phạm tội ở Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi theo quy định tại Điều 146 BLHS 2015.

Trong trường hợp này, nếu xác định được đúng người xe ôm đã có hành vi dâm ô với bé trai 02 lần thì sẽ bị xử lý theo Điểm b, Khoản 2 Điều 146 BLHS, có khung hình phạt tù từ 03 đến 07 năm.

Với đối tượng Tr. bị cho là đã đưa bánh mỳ “lạ” cho em Phương ăn, và giao Phương cho nhóm đối tượng không quen biết ở bến xe Mỹ Đình, luật sư Trương Anh Tú cho rằng, cần phân tích rõ hành vi, đồng thời xác định động cơ và mục đích của Tr. là gì thì mới có thể kết luận hành vi của Tr. có dấu hiệu của tội phạm nào. Bên cạnh đó, vì Tr. có thể sinh năm 2004 (như lời kể của cháu Phương) nên phải xác định ngày tháng năm sinh cụ thể để biết độ tuổi chính xác của Tr. tại thời điểm thực hiện hành vi mới có thể xác định được đường lối xử lý đối với Tr.

Cụ thể:

- Nếu Tr. dùng thủ đoạn cho nạn nhân ăn “bánh mỳ lạ” làm nạn nhân không tỉnh táo, ngất đi và giao nạn nhân cho nhóm đối tượng khác để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác là dấu hiệu của Tội mua bán người dưới 16 tuổi (Điều 151 BLHS 2015 – sửa đổi 2017).

+ Nếu Tr. dưới 14 tuổi thì không phải chịu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội.

+ Nếu tại thời điểm thực hiện hành vi, Tr. đã đủ 14 tuổi thì Tr. phải chịu trách nhiệm hình sự về Tội mua bán người dưới 16 tuổi.

- Nếu Tr. dùng thủ đoạn cho nạn nhân ăn “bánh mỳ lạ” làm nạn nhân không tỉnh táo, ngất đi nhằm chiếm giữ nạn nhân và giao nạn nhân cho nhóm đối tượng khác chiếm giữ là dấu hiệu của Tội chiếm đoạt người dưới 16 tuổi (Điều 153 BLHS 2015 -  sửa đổi 2017). Đối với tội danh này, Pháp luật hình sự Việt Nam không xử lý hình sự với người có hành vi phạm tội nhưng chưa đủ 16 tuổi nên Tr. sẽ không bị xử lý hình sự.

“Nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội của pháp luật hình sự Việt Nam dựa trên mục đích giáo dục, giúp đỡ người đó sửa chữa sai lầm. Đối với hành vi của Tr. trong vụ án này, nếu thấy không cần thiết phải áp dụng hình phạt đối với Tr., thì Toà án sẽ áp dụng một trong các biện pháp với Tr như: Khiển trách; Cảnh cáo; Hòa giải tại cộng đồng; Giáo dục tại xã, phường, thị trấn; Giáo dục tại trường giáo dưỡng; Cải tạo không giam giữ… tùy thuộc vào tính chất và mức độ của hành vi phạm tội của Tr.”, luật sư Tú phân tích.