Vụ bê bối ma túy động trời của 2 phi công Pháp

ANTĐ - Cuối tháng 10-2015, trong khi đang phải đối mặt với bản án 20 năm tù vì tội vận chuyển 26 vali cocaine ra khỏi Cộng hòa Dominica, 2 phi công người Pháp đã bí mật trốn khỏi quốc gia Mỹ Latinh này để về nước. Vụ bê bối mà truyền thông Pháp gọi là “Vụ áp-phe cocaine trên trời” nói trên có những tình tiết có lẽ chỉ xuất hiện trong một cuốn tiểu thuyết trinh thám.
Vụ bê bối ma túy động trời của 2 phi công Pháp ảnh 1

Phi công Pascal Fauret và Bruno Odos đang chờ xét xử tại Pháp

Máy bay chở số ma túy khủng

Phi công Pascal Fauret (55 tuổi) và đồng nghiệp Bruno Odos (56 tuổi) cùng với 2 công dân Pháp khác đã bị buộc tội buôn lậu 680 kg cocaine trên chiếc máy bay phản lực Dassault Falcon 50 khi họ chuẩn bị cất cánh từ khu nghỉ dưỡng Punta Cana của Dominica hồi tháng 3-2013. Vụ việc đã gây chấn động dư luận Pháp và cả 4 người này đều nói, họ không hề biết trên máy bay có ma túy.  

Sau khi bị kết án 20 năm tù, trong thời gian chờ xét đơn kháng án, 2 phi công này không bị giam, nhưng bị cấm xuất cảnh và họ đã được đưa ra khỏi Cộng hòa Dominica trong một kế hoạch được chuẩn bị kỹ lưỡng. “Hai phi công được một chiếc thuyền nhỏ do 1 cựu sỹ quan hải quân và 1 chính trị gia Pháp đón sẵn. Sau đó, họ chuyển sang chiếc tàu lớn hơn cùng nhóm 16 người hộ tống. Họ mất nhiều ngày lênh đênh trên biển trước khi tới được đảo Saint Martin” - tờ Le Point trích dẫn bản tin của BFMTV hôm 26-10. 

Từ đảo Saint Martin, 2 phi công Fauret và Odos đã được máy bay đưa về Pháp và bị bắt giam sau đó vài ngày. Tuyên bố trên đài phát thanh RTL ngày 28-10, Người phát ngôn Chính phủ Pháp, ông Stéphane le Foll khẳng định: “Nước Pháp sẽ áp dụng những quy định của pháp luật và chúng tôi sẽ không dẫn độ những công dân Pháp cho Cộng hòa Dominic”. Cùng với tuyên bố này, nhà chức trách Pháp còn nhấn mạnh rằng, chính phủ không liên quan đến việc đào thoát của các phi công.

Nghi án liên quan đến giới chính trị gia

Tuy nhiên, một nguồn tin cho rằng vụ việc có liên quan đến giới chính trị gia cấp cao của Pháp. Cụ thể, 2 thành viên của Đảng Mặt trận quốc gia đã có mặt ở Cộng hòa Dominica cùng với các phi công khi họ bỏ trốn. Một bản tin khác trên tờ Le Monde hôm 2-11 cho hay, ông Piere Malinowski - người có thời là trợ lý của nữ Chủ tịch đảng Mặt trận quốc gia Jean-Marie Le Pen đã ở trên tàu để giúp 2 viên phi công được tự do.

Một thành viên khác của đảng này đồng thời là thành viên Nghị viện châu Âu có tên Aymeric Chauprade trong cuộc trả lời phỏng vấn tờ Paris Match về chiến dịch được đặt tên là “Bữa tối trong thành phố” đã kể rằng, kế hoạch có 2 đội tham gia, một đội đưa hai viên phi công đi bằng đường biển, đội kia đưa họ về Pháp. “Tôi đứng đầu đội 1”, ông Chauprade thừa nhận, đồng thời nói rằng “các nhà tài trợ hào phóng” đã đứng sau chiến dịch này. 

Có lẽ ông Chauprade đã đúng khi khẳng định “Nhà nước không chỉ trích hành động của tôi”, nhưng với đảng của ông thì không. Ngày 9-11, chưa đầy 2 tuần sau khi tiết lộ về chiến dịch nói trên, ông Chauprade đột ngột ra khỏi đảng. Ban đầu ông dẫn lý do về quan điểm chính trị, nhưng sau này thừa nhận sự tham gia của ông trong bê bối “Vụ áp-phe cocaine trên trời” là nguyên nhân dẫn đến việc bị khai trừ.

Câu chuyện xuất hiện thêm tình tiết ly kỳ hơn, đó là gần đây một số bài báo cho rằng vụ việc còn liên quan đến cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy. Theo tờ Le Journal du Dimanche, thẩm phán phụ trách việc điều tra đã yêu cầu truy vết số điện thoại của ông Sarkozy giai đoạn tháng 3 và tháng 4-2013, trùng với thời điểm phát hiện, điều tra vụ vận chuyển ma túy “khủng” này. Tuy nhiên đã không có manh mối liên quan nào được tìm thấy.

 Trong diễn biến mới nhất, Interpol hôm 27-11 đã phát lệnh bắt 3 công dân Pháp, bao gồm 1 thành viên của Nghị viện châu Âu là Aymeric Chauprade và 2 người khác. Trong khi đó, các phi công tiếp tục cho rằng mình vô tội và hy vọng sẽ phải đối mặt với Tòa án Pháp thay vì hệ thống tư pháp của Cộng hòa Dominica. Cả 2 đang bị tạm giam trong thời gian chờ được đưa ra xét xử tại Tòa án Marseille vào một ngày gần đây.